Dù có kinh phí nhưng Phú Thọ vẫn gặp khó trong mua sắm thiết bị dạy học CT mới

16/02/2023 06:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2022, tỉnh Phú Thọ gặp khó khăn trong mua sắm thiết bị dạy học, nhưng không có đơn vị cung ứng hoặc không có cơ quan thẩm định định giá.

Vừa qua, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Báo cáo đã nêu những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện hai Nghị quyết trên. Trong đó, điểm đáng chú ý là về việc mua sắm trang thiết bị dạy học và biên chế giáo viên, để phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Điều kiện cơ sở vật chất

Với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại về cơ bản đảm bảo cho 100% các trường tiểu học đáp ứng yêu cầu tối thiểu để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức học 1 ca, đảm bảo điều kiện tối thiểu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.

Thiết bị dạy học trong các trường phổ thông được quan tâm đầu tư mua sắm theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo hướng đồng bộ hóa kết hợp với tăng cường trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và công tác quản lý đã từng bước phát huy hiệu quả cho hoạt động dạy và học, tổ chức các hoạt động giáo dục (hàng năm bình quân ngân sách tỉnh, huyện/ thị bố trí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trên 50 tỷ đồng).

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: LC)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: LC)

Tuy nhiên, thực tế thiết bị dạy học của các nhà trường mới đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu; nhiều thiết bị đã cũ, hỏng, chất lượng không đảm bảo; kinh phí sửa chữa mua sắm hạn chế.

Năm 2022, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí mua sắm thiết bị nhưng không có đơn vị cung ứng hoặc không có cơ quan thẩm định định giá nên các nhà trường khó khăn trong việc mua bổ sung thiết bị thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

"Do nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế và có một số khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm nên nhiều trường phổ thông hiện chưa có đủ thiết bị dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Bộ Giáo dục (tại Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT, Thông số 38/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT)", báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ nêu.

Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa theo đúng tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Nhìn chung các bộ sách giáo khoa được biên soạn theo đúng quy định của Chương trình các môn học hoạt động giáo dục.

Nội dung đảm bảo tính logic, chính xác, khoa học, cơ bản, cốt lõi; các hoạt động được thiết kế phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá; học sinh thuận lợi trong việc tự học. Các bộ sách giáo khoa khác nhau được biên soạn phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương lựa chọn.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn Phú Thọ thực hiện nghiêm túc Thông tư số 21/2014/TT- BGDĐT ngày 07/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục phê duyệt và Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã lựa chọn.

Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học; các nhà trường tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ bổ sung thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Trong 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhìn chung các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã bám sát và thực hiện đúng quy chế đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với từng cấp học (Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đối với Tiểu học, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đối với Trung học cơ sở, Trung học phổ thông)

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ được các nhà trường tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh, không vì thành tích.

Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình.

Kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và nhận xét, góp ý lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Hạn chế khó khăn

Đội ngũ giáo viên còn thiếu, nhất là giáo viên các môn học mới trong chương trình (Tin học, Công nghệ, Tiếng Anh ở cấp Tiểu học; Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp Trung học phổ thông..). Đời sống của giáo viên còn khó khăn; một bộ phận giáo viên chưa yên tâm công tác, chưa tâm huyết với nghề, ngại đổi mới; có một số giáo viên xin nghỉ việc.

Việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, do một giáo viên chưa thể dạy hết các phân môn nên phải phân công từ 2-3 giáo viên cùng dạy môn Khoa học tự nhiên.

Việc xây dựng các tổ hợp môn học và cụm chuyên đề để học sinh lựa chọn học tập ở cấp Trung học phổ thông chưa đáp ứng hết nhu cầu của học sinh (do điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên); việc bố trí học tập đối với học sinh chuyển trường, lưu ban cũng gặp khó khăn do không trùng các môn học lựa chọn giữa trường cũ và trường mới, giữa lớp trên và lớp dưới.

Theo lộ trình thực hiện, 3 năm học đầu tiên (2020-2021, 2021-2022, 2022-2023) việc học chuyển tiếp giữa chương trình cũ và chương trình mới của học sinh khi chuyển cấp gặp khó khăn do yêu cầu về nội dung kiến thức và tổ chức hoạt động giáo dục có khác nhau.

Đề xuất

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, ưu tiên nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương. Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Xây dựng chính sách tiền lương, phụ cấp phù hợp cho cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục nhằm giảm bớt khó khăn trong đời sống; hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc và thu hút được học sinh giỏi học ngành sư phạm.

Nghiên cứu, xem xét không tinh giản biên chế giáo viên để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, sớm công bố đề án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mạnh Đoàn