GV Hà Nội thấy chương trình và SGK mới tạo nhiều thuận lợi trong tổ chức dạy học

12/02/2023 06:34
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều ưu điểm và triển vọng, hướng đến phát triển con người toàn diện, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận nội dung giáo dục sẽ chi phối và bắt buộc tất cả các khâu của quá trình dạy học thay đổi nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản về chất lượng giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có, đồng thời tiếp thu những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, tiến bộ của thời đại.

Ngày 09/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân Thành phố để giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. (Ảnh: Thế Đại)

Ngày 09/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân Thành phố để giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. (Ảnh: Thế Đại)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mỹ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống.

Thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hội nghị đánh giá những thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thông 2018.

Cụ thể, về các điều kiện chuẩn bị cơ sở vật chất, thành phố đã tạo nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính cho ngành giáo dục trong suốt quá trình hoạt động, sự vào cuộc mạnh mẽ quyết liệt của lãnh đạo ngành; sự ủng hộ, đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân và cán bộ, giáo viên toàn ngành, giáo dục Thủ đô đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các phòng Giáo dục và Đào tạo tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trong việc xây dựng kế hoạch phát triển qui mô, mở rộng mạng lưới trường lớp phù hợp với tốc độ tăng dân cư trong khu vực; bổ sung phòng học và các phòng chức năng để tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày. Nhiều quận, huyện đã đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các nhà trường đẩy mạnh các giải pháp nhằm xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp.

Về điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, yêu cầu 100% các nhà trường nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), đáp ứng nhiệm vụ: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng”. Thực hiện tốt Chỉ thị số 40/2004/CT-TW của Trung ương Đảng về xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục tiểu học phấn đấu 100% dạy học 2 buổi/ngày, khuyến khích các cơ sở giáo dục trung học có đủ điều kiện sắp xếp bố trí để ngày càng tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày.

Đa số nhà trường đảm bảo về cơ cấu, số lượng và trình độ cán bộ quản lý, giáo viên. Giáo viên cơ bản và giáo viên chuyên biệt đảm bảo dạy đủ các môn học bắt buộc theo quy định. Giáo viên được phân công đúng chuyên môn, phù hợp với khả năng của mỗi người, được tạo điều kiện tốt hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các nhà trường lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy các lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có trình độ đào tạo đạt chuẩn, chuyên môn vững vàng, có nhiều năm kinh nghiệm dạy học. Đặc biệt, các quận, huyện đã cử các giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên tham gia học tập để có chứng chỉ đào tạo dạy được môn tích hợp Khoa học tự nhiên theo yêu cầu của chương trình 2018; cử giáo viên tham gia tập huấn đầy đủ nội dung chương trình, về tập huấn lại tại nhà trường cho 100% giáo viên dạy lớp các lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục cập nhật phù hợp với những thành tựu mới của khoa học công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chủ yếu là kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực trí thức của nhân loại, được kế thừa từ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.

Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới, giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng tốt các phương pháp giáo dục mới.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học; giáo viên, nhà trường được chủ động nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh trường mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, phù hợp điều kiện từng địa phương, điều kiện cụ thể của các cơ sở giáo dục. Đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn.

Qua kiểm tra thực tế và đánh giá của các cơ sở giáo dục cho thấy chương trình và sách giáo khoa thuận lợi cho giáo viên trong việc tổ chức dạy học. Nội dung chương trình tạo điều kiện cho giáo viên có thể chủ động trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Quan điểm dạy học mở của chương trình giúp cho giáo viên không bị áp lực và tự tin khi chuyển từ dạy nội dung kiến thức sang tổ chức các hoạt động hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Về công tác chuẩn bị cho việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tổ chức thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa và phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn để tổ chức tập huấn về phương thức giảng dạy, cách thức áp dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến như giáo án, trò chơi tương tác, phần mềm quản lý lớp học và cách thức tổ chức các hoạt động trong sách giáo khoa.

Việc chuẩn bị đội ngũ phục vụ công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được các nhà trường thực hiện chu đáo. Các nhà trường tích cực tham gia các đợt bồi dưỡng, tập huấn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tự tổ chức các chuyên đề, mời giảng viên là tác giả các bộ sách được chọn để tập huấn bồi dưỡng cho toàn thể giáo viên tại đơn vị.

Bên cạnh thuận lợi, còn có một số khó khăn liên quan đến việc giáo viên thích ứng với nhiều điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khó khăn về cơ sở vật chất, những bất cập về đội ngũ và khó khăn về công tác xã hội hóa giáo dục.

Phạm Minh