Dù có Nghị định 60 nhưng vẫn chưa đủ căn cứ pháp lý phân loại tự chủ tài chính

06/09/2022 10:31
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đến nay, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP tuy nhiên Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Khi đánh giá về tình hình thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP, Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, từ tháng 6/2021, cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định 60 được ban hành nhằm mục đích cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, Nghị định 60 được ban hành đã khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thời gian qua; tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ảnh minh hoạ: T.L

Ảnh minh hoạ: T.L

Trong đó cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp, được quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; được quyết định mức chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo mức giá thực tế trên thị trường, trong khả năng tài chính của đơn vị.

Về nguồn thu của đơn vị, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc lâu nay về nguồn thu của các đơn vị tự chủ tài chính, cụ thể mức thu học phí đối với đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư cao gấp 2 đến 2,5 lần đơn vị chưa tự chủ.

Tuy nhiên, khi triển khai Nghị định 60, các đơn vị cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc như:

Ngân sách chi thường xuyên hàng năm tiếp tục cắt giảm gây khó khăn cho các đơn vị trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là việc hoàn thiện chương trình đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị,... tiến tới mục tiêu đạt kiểm định trong nước và quốc tế của các trường, từ đó mới có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh, có điều kiện tăng học phí góp phần tăng nguồn thu cho các trường.

Mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo do áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh, và do tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nên các trường vẫn đưa ra mức học phí chưa tính đủ chi phí, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị.

Như vậy, có thể nói trong giai đoạn 2015-2020, cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các cơ sở giáo dục đại học nói riêng không ngừng được đổi mới và hoàn thiện, trong đó quyền tự chủ ngày càng được mở rộng hơn, cùng với đó là yêu cầu trách nhiệm giải trình cũng cao hơn. Bên cạnh các kết quả đã đạt được, cơ chế tự chủ tài chính vẫn còn những khó khăn vướng mắc tiếp tục cần được tháo gỡ.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP tuy nhiên Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Mặt khác, do tác động của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ hiện đang chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát, đề xuất kiến nghị sửa đổi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP nên chưa có căn cứ pháp lý để hoàn tất công tác rà soát, phân loại mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, điều này gây lúng túng, vướng mắc cho các đơn vị trong thực hiện phân bổ các quỹ, chi trả thu nhập tăng thêm nên chưa tạo được động lực cho người lao động, các đơn vị cũng chưa có căn cứ để tiến hành các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 60/2021/NĐ-CP theo hướng cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt đến hết năm 2022 và Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 60/2021/NĐ-CP để có căn cứ pháp lý phân loại tự chủ tài chính từ năm 2023 tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đào tạo phát huy tự chủ tài chính.

Linh Hương