Gặp khó trong tự chủ tài chính, nhiều trường phải “liệu cơm gắp mắm”

08/08/2022 11:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, phân bổ ngân sách nhà nước chứ không phải cắt giảm ngân sách.

Được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học, đến nay, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ đại học cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các trường, trong đó, rõ nhất là khó khăn về nguồn thu.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị tự chủ đại học năm 2022, lãnh đạo một số trường đại học đã chia sẻ những khó khăn về nguồn thu khi từng bước thực hiện cơ chế tự chủ đại học.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên trường thực hiện tự chủ tài chính chi thường xuyên nên còn gặp khó khăn ban đầu về kinh phí.

Trước khó khăn đó, nhà trường phải “liệu cơm gắp mắm”, cố gắng không để ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Trong thời gian tới, nhà trường sẽ thực hiện một số cải cách trong quản trị đại học, trong cơ chế hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, hi vọng vài năm tới, cơ chế tự chủ sẽ giúp nhà trường sẽ có những bứt phá.

Với Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội thì cơ sở vật chất, diện tích còn khó khăn, trường vẫn đang đợi sự đầu tư của nhà nước trên cơ sở mới ở Hòa Lạc (nằm trong Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng quá trình đó sẽ còn kéo dài. Vì thế, trước mắt, chúng tôi mong muốn nhà nước tiếp tục đầu tư cho các trường mới tự chủ”, Giáo sư,Tiến sĩ Chử Đức Trình chia sẻ.

Giáo sư Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho biết, là một trong ba đại học vùng của đất nước, khi thực hiện theo Luật 34 và theo cơ chế tự chủ đại học, nhà trường cũng phải nỗ lực, cố gắng nhiều.

Với gần 60% sinh viên dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, trong khi nguồn tài chính còn hạn hẹp, nhà trường phải rất cố gắng cân đối các nguồn tài chính. Vì trường không tăng học phí và các dịch vụ khác, khi các em vào học, trường còn thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng đặc biệt.

Giáo sư Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: Phạm Minh)

Nguồn thu từ học phí không tăng, nên nhà trường phải tiết kiệm chi tiêu, huy động nỗ lực cống hiến của các thầy cô trong trường, xây dựng một môi trường giáo dục đại học hết sức dân chủ, đẩy mạnh tự do sáng tạo để đội ngũ giảng viên có khát vọng cống hiến, còn sinh viên chăm chỉ học hành.

Để giải quyết bài toán nguồn thu, nhà trường đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

“Chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao công nghệ cho các địa phương bằng những sản phẩm, chương trình, tương tác cụ thể với các địa phương. Như vậy, các thầy cô cùng sinh viên sẽ đạt được hai mục tiêu: một là phát triển chuyên môn, hai là tăng nguồn thu.

Nguồn thu từ chuyển giao khoa học công nghệ sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nhà trường. Bên cạnh đó, một số hoạt động dịch vụ khác cũng đang đóng góp tài chính, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, Giáo sư Phạm Hồng Quang cho hay.

Về bài toán học phí, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, học phí trước hết phải tính giá. Trong tương lai, nhà trường sẽ cố gắng công bố được giá/định mức đào tạo, trên cơ sở đó coi học phí chỉ là một nguồn thu trong tự chủ, còn các nguồn khác từ doanh nghiệp, gia đình và hỗ trợ của các đơn vị tài trợ khác.

Giáo sư Phạm Hồng Quang cũng kỳ vọng sẽ có sự đầu tư mạnh hơn của nhà nước cho đại học vùng để chất lượng đào tạo ngày một phát triển.

Từng bước nâng cao tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học

Trao đổi bên lề Hội nghị tự chủ đại học năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, mục tiêu của tự chủ đại học là làm sao phát huy nội lực, sức mạnh của cả hệ thống cũng như phát huy sức mạnh của các đơn vị trong nhà trường đối với đội ngũ giảng viên, để mục tiêu cuối cùng là thu hút thêm nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo.

Khi cơ sở giáo dục đại học sử dụng các nguồn lực dù là từ nhà nước hay từ xã hội mà tốt hơn, hiệu quả hơn thì chính nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn.

Ở đây không phải câu chuyện các trường "xin" ngân sách hay cần hỗ trợ ngân sách nữa mà chúng ta cần coi các cơ sở giáo dục đại học là nơi tốt nhất, cần nhất để nhà nước đầu tư, người học lựa chọn lựa chọn để đầu tư, đầu tư ở đây là đầu tư cho tương lai.

Quan điểm tự chủ cho rằng nhà nước không cấp ngân sách, cắt giảm ngân sách là không đúng.

Luật Giáo dục đại học quy định rõ, nhà nước chỉ thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách chứ không phải nhà nước giảm vai trò trong việc cấp ngân sách và đầu tư cho các trường đại học.

Tiếc rằng, chính sách được quyết định trong Luật Giáo dục đại học chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người học, cho đến nay còn được thực hiện rất yếu.

Chỉ trừ lĩnh vực đào tạo giáo viên đã có Nghị định 116/2020/NĐ-CP, nhà nước có đặt hàng, giao nhiệm vụ để cho các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện, với những ngành đào tạo khác thì còn rất ít.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất Chính phủ chỉ đạo, các bộ ngành phối hợp, đặc biệt là Bộ Tài chính, làm sao có lộ trình từng bước nâng cao tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.

Hiện nay tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam tính trên GDP chỉ từ 0,25 – 0,27%, thấp hơn so với các nước trong khu vực từ 0,6 – 1%, nghĩa là mức của chúng ta còn rất thấp.

“Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế phân bổ đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng cũng như Luật 34.

Chúng ta đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, phân bổ ngân sách nhà nước chứ không phải cắt giảm ngân sách, và khi đổi mới cơ chế tài chính này, việc đầu tư phải theo cơ chế cạnh tranh, theo năng lực hoặc theo kết quả”, Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin thêm, hiện nay tổng chi cho một sinh viên đại học ở nước ta đang còn rất thấp so với mức của thế giới.

Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, buộc phải tăng suất đầu tư, suất kinh phí trên đầu sinh viên, đó là việc mở rộng tăng cường cơ sở vật chất để có thể thu hút được đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giỏi hơn, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cần tăng kinh phí cho giáo dục đại học, không tăng thì không có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Nhà nước tăng ngân sách chi cho giáo dục đại học thì sẽ giảm gánh nặng cho người học, cho xã hội, và có chương trình đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Nhưng bên cạnh đó, người học, gia đình, xã hội cũng phải nhận thức được rằng, chúng ta đầu tư cho giáo dục đại học thì mỗi gia đình, mỗi sinh viên cũng cần phải có sự đầu tư để mình được hưởng lợi sau này.

Đồng thời, nhà nước cũng phải có chính sách hỗ trợ người học thông qua cơ chế tín dụng.

Vừa qua, Chính phủ quyết định nâng mức tín dụng sinh viên, tuy nhiên, phạm vi đối tượng chưa được mở rộng, đây là một chính sách rất quan trọng và cần phải mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng và nâng cao mức tín dụng để sinh viên, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người dân và công bằng xã hội.

Phạm Minh