Dự giờ, thao giảng đang là căn bệnh hình thức trong ngành giáo dục

01/07/2021 09:09
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cùng nhau quán triệt trong các hoạt động dạy và học những gì hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học thì kiên quyết sàng lọc, loại bỏ

Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang. Tới thăm cán bộ, công chức, viên chức Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng đã chia sẻ những khó khăn của địa phương nói chung và ngành giáo dục nói riêng.

Theo Bộ trưởng, cần có chiến lược phát triển giáo dục tổng thể, trong đó đi từng bước thực chất; lấy thực chất, chắc chắn làm kế sách lâu dài cho sự phát triển của giáo dục Hà Giang. “Sức ép phát triển càng lớn càng phải lấy thực chất làm thước đo. Mong muốn càng lớn, quyết tâm càng cao, càng phải đi từng bước chắc chắn”, Bộ trưởng lưu ý.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Quảng Ngãi.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Quảng Ngãi.

“Tôi mong rằng mỗi cán bộ quản lý chung quyết tâm, chung tinh thần, tận dụng các điều kiện để hoàn thành tốt đổi mới giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng nói, đồng thời chia sẻ: “Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, thực thi cho một tinh thần lớn, đó là coi trọng thực tế, thực tiễn và thực chất”.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng cho biết, toàn ngành đang cùng nhau quán triệt trong các hoạt động dạy và học những gì là hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học thì kiên quyết sàng lọc, loại bỏ, để hướng tới đời sống giáo dục thực chất nhất; tạo sức sống mới, tinh thần mới trong giáo dục. [1]

Những chia sẻ, những gửi gắm của Bộ trưởng với giáo dục Hà Giang cũng chính là lời gửi gắm chung cho toàn ngành giáo dục của nước nhà trong giai đoạn hiện nay. Nhưng “kiên quyết sàng lọc, loại bỏ để hướng tới đời sống giáo dục thực chất” cần loại bỏ được những căn bệnh hình thức đang khá phổ biến trong ngành giáo dục của chúng ta.

Bệnh hình thức nổi bật

Nếu liệt kê bệnh hình thức trong giáo dục thì khá nhiều, thế nhưng trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nói về một công việc đã tiêu tốn khá nhiều công sức, thời gian của giáo viên, của học sinh và của nhà trường nhưng hiệu quả mang lại gần như bằng không.

Hội giảng, thao giảng là các hoạt động được tổ chức thường xuyên trong nhà trường, trong ngành giáo dục địa phương để đánh giá một phương pháp dạy học mới, đánh giá chất lượng từng giáo viên, đánh giá chất lượng của chương trình giáo dục phổ thông hoặc đơn giản chỉ là lấy số liệu tiết thao hội giảng để báo cáo cấp trên như một thành tích.

Với những gì đang diễn ra lâu nay, chúng tôi khẳng định rằng đây chính là một căn bệnh hình thức trong giáo dục. Bởi đơn giản, công sức, thời gian bỏ ra cho những tiết thao hội giảng quá nhiều nhưng gần như không mang lại hiệu quả là bao cho công tác dạy và học của thầy trò.

Giáo viên nhiều trường hiện nay đang bội thực với việc dự giờ. Nào là dự giờ giáo viên chuyển đến, chuyển khối, dự giờ thao giảng cấp tổ, cấp trường, cấp cụm trường, dự giờ tiết dạy tốt chào mừng các ngành lễ, dự giờ thi giáo viên dạy giỏi các cấp, dự giờ cho thanh tra chuyên đề, toàn diện…

Có trường tổ chức dự giờ cấp tổ và cấp trường liên miên. Theo quy định, một tháng sẽ có 2 lần sinh hoạt chuyên môn là cấp tổ và cấp trường. Có trường yêu cầu phải liên tục lên thao giảng xoay vòng. Tổ đông giáo viên còn đỡ, tổ có 2, 3 người thì thầy cô phải dạy xoay vòng mệt nghỉ.

Tương tự thao giảng trường, có trường mỗi năm chỉ yêu cầu mỗi tổ chuyên môn lên 1 tiết hội giảng nhưng có trường mỗi giáo viên phải lên một tiết hội giảng trường. Vậy là, cứ một tuần thao giảng tổ lại 1 tuần hội giảng trường, đôi khi trùng lịch hội giảng cấp thị xã.

Những tiết dạy dự giờ, thao giảng, hội giảng cứ liên tục gây cảm giác vô cùng mệt mỏi cho học sinh, người dạy và cả người dự.

Vì sao nói, thao hội giảng không mang lại hiệu quả?

Phải nói ngay rằng, mỗi tiết dạy thao giảng, hội giảng từ cấp trường trở lên giáo viên nào cũng phải chuẩn bị khá công phu mà một tiết dạy thực tế khó có thể đạt được.

Sự công phu được nhiều thầy cô giáo ví là từ A đến Z, như trang bị cho học sinh từ chân đến răng, được mớm câu hỏi, được tập dượt câu trả lời thậm chí cả việc tạo ra những tình huống có vấn đề để tăng sự hấp dẫn cho tiết học.

Giáo viên thì chuẩn bị đồ dùng học tập, tranh ảnh thậm chí cả hệ thống công nghệ mà dễ gì những tiết học ở lớp có được.

Khi mọi chuyện đã được chuẩn bị kỹ càng, ngày dạy chỉ còn là diễn lại. Ai cũng biết nhưng chẳng ai có ý kiến vì ai là người dạy cũng sẽ chuẩn bị như đồng nghiệp thôi.

Thao hội giảng ở trường còn đỡ vì giáo viên không phải di chuyển xa. Thao hội giảng liên trường, cụm trường nhiều thầy cô giáo phải đi vài chục cây số dự giờ trong vài chục phút, ngồi nghe góp ý chủ yếu là ca tụng nhau và chẳng học được gì.

Vì sao lại không học được gì ở những tiết dạy thao hội giảng?

Đơn giản vì không thể áp dụng cách dạy, cách truyền đạt của những giáo viên đang dạy về lớp thực tế của mình. Vì để có tiết dạy trình làng ấy, chính giáo viên và chuyên môn nhà trường đã chuẩn bị biết bao ngày. Học sinh cũng đã biết hết câu trả lời, cách làm nên tỏ ra khá thông thái chứ không ù lì như khi giáo viên dạy bình thường trên lớp.

Tùy vào tiết thao giảng ở cấp nào để sự chuẩn bị sẽ tăng cấp độ. Ví dụ thao giảng cấp tổ thường giáo viên dạy tự nhiên, thao giảng cấp trường sẽ chuẩn bị hơn một chút. Nhưng, thao giảng cụm trường thì gần như cả hệ thống nhà trường đều nhảy vào chuẩn bị. Lúc này, không còn là danh dự của riêng giáo viên thể hiện mà được đánh giá chuyên môn của cả trường.

Những tiết dạy không thật như thế thì hỏi sao giáo viên có thể học hỏi để về áp dụng trong cách dạy của mình cho được?

Vì sao giáo viên phải chuẩn bị công phu tiết dạy thao hội giảng mà không dạy tự nhiên?

Trong giáo dục từ xưa đến nay, để đánh giá chất lượng một giáo viên người ta thường căn cứ nhiều nhất vào tiết dạy dự giờ. Nếu như tiết dạy ấy được nhận xét Tốt nghiễm nhiên giáo viên ấy dạy tốt và ngược lại mà không cần biết hiệu quả giảng dạy của giáo viên đối với học sinh thế nào? Mức độ vừa lòng của phụ huynh đối với giáo viên ra sao?

Thế nên mới có những chuyện thầy cô giáo nào có tiết dự giờ bị đánh giá chưa tốt thì xem như đã để lại ấn tượng dạy không tốt trong lòng người dự.

Vì những lẽ đó, việc đầu tư các tiết dự giờ thao giảng là điều không tránh khỏi.

Bản thân người viết đã gặp không ít đồng nghiệp trong dạy học thì bê trễ, ít có nhiệt tâm nhiệt tình với học sinh, chất lượng thật của lớp giảng dạy luôn thấp.

Tuy nhiên, những tiết dạy dự giờ luôn được những giáo viên này bỏ công đầu tư. Không chỉ đầu tư những tiết thao giảng trường mà những tiết thao giảng cụm, những tiết đi thi giáo viên dạy giỏi luôn được chăm chút kỹ càng.

Thế là, họ được đánh giá dạy tốt và được cất nhắc, đề bạt lên những chức vụ cao hơn.

Dạy dự giờ, thao giảng, hội giảng đang trở thành chỉ tiêu thành tích làm đẹp các bảng báo cáo hàng năm. Lãnh đạo tự hào vì hàng năm nhà trường tổ chức được nhiều tiết dự giờ.

Tuy nhiên, càng lao vào dự giờ, thao giảng nhiều, học sinh càng bị rút ngắn giờ thực học của mình vì phải dành cho việc tập dợt, học thử. Giáo viên dạy thao giảng dự giờ nhiều sẽ mất nhiều thời gian để chuẩn bị.

Thị xã có nhiều tiết dự giờ thì nhà trường và các tổ chuyên môn cũng mất nhiều công đầu tư. Thời gian để dành cho việc dự giờ góp ý hoặc là moi móc nhau để chứng tỏ mình, hoặc là khen ngợi tâng bốc nhau để ai cũng giỏi.

Vì những lẽ đó, để dạy học thực chất chúng tôi đề nghị cần hạn chế thấp nhất việc quy định dự giờ như hiện nay ở nhiều cơ sở giáo dục.

Muốn được vậy, Bộ Giáo dục cần có những chỉ đạo kịp thời ngay từ đầu năm học này.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-giao-duc-loai-bo-nhung-gi-hinh-thuc-de-huong-toi-giao-duc-thuc-chat-post218910.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa