Bài dự thi số 08: Giấc mơ đợi Godot bên sông Liffey.

25/07/2012 12:02
Hoàng Thị Thanh Hương
(GDVN) - Mặc dù chưa được tới Ireland lần nào, nhưng với một giấc mơ về hòn ngọc xanh ấy và dựa trên những gì tìm hiểu và cảm nhận về Ireland, bạn Hoàng Thị Thanh Hương bất ngờ nhận ra rằng từ khi nào Ireland đã chiếm một vị trí đáng kể trong tim mình với Westlife, Boyzone, Beckett, Yeats, Oscar Wilde, James Joyce, v.v…
Hồi Đại học, tôi ấn tượng mạnh với vở kịch “Chờ đợi Godot” của Smuel Beckett kể về hai kẻ vô công rồi nghề là Vladimiar và Estragon ngày này qua ngày khác chờ đợi Godot, một nhân vật chưa từng gặp mặt và sẽ không bao giờ đến. Đôi khi, tôi nhìn lại cuộc đời mình và thảng thốt nhận ra, cũng như họ, tôi đang chờ đợi Godot. Đôi khi, tôi mơ. Giấc mơ đợi Godot trên chính quê hương Dublin của Beckett.
Đó là một đêm tháng Bảy mưa bay lất phất. Quán rượu đang mở những bài hát của Westlife, U2, Boyzone – những bài hát từng thống trị các bảng xếp hạng thập niên 90 và cũng là những bài hát tiếng Anh đầu tiên tôi nghe. Sau này, khi tìm hiểu sâu hơn âm nhạc Ireland, tôi càng bị lôi cuốn bởi phong cách âm nhạc giản dị mà trong trẻo như tiếng gió lướt qua cụm hoa dại đẫm sương, mênh mang như tiếng sóng vỗ bờ cát một chiều tím thẫm và đắm say như vị bia đen Guinness trong một quán rượu lâu đời ở Dublin. Đến bây giờ, thi thoảng trong những đêm cô quạnh, tôi vẫn mở đi mở lại album "Song of the Irish Whistle" của Joanie Madden. Cảm giác thời gian như ngừng lại giữa những giai điệu réo rắt, mặc cái lạnh bao trùm bên ngoài. Qua đêm mưa tháng Bảy, buổi sáng Dublin trở nên tinh khôi lạ thường. Ngày cuối tuần, phố xá nhộn nhịp ngược xuôi. Nơi góc đường, một cô gái đang biểu diễn hạc cầm. Cô gái ngồi trên một chiếc ghế, cây đàn to lớn tựa vào vai. Tùy lòng hảo tâm, người nghe bỏ tiền vào một cái làn nhỏ đặt dưới chân cô. Ở Dublin, những nghệ sĩ đường phố như vậy rất phổ biến. Trước trường Cao đẳng Trinity tôi cũng gặp một phụ nữ đến chơi đàn harp cho sinh viên và người qua đường thưởng thức.

Họ tên: Hoàng Thị Thanh Hương
Địa chỉ: 18/2D Lãnh Binh Thăng, P13, Q11, TP HCM
Email: hoangthanhhuong88@yahoo.com.vn
Cao đẳng Trinity là ngôi trường nổi tiếng được Nữ hoàng Elizabeth I thành lập năm 1592. Nhiều cựu sinh viên của trường đã trở thành những danh nhân, trong đó có đại diện tiêu biểu của vở kịch phi lí mà tôi nhắc ở trên: Samuel Beckett (Nobel 1969). Bên cạnh đó, Trinity college còn nổi tiếng bởi cảnh quan của nó, được Forbes xếp vào một trong 6 ngôi trường đẹp nhất thế giới. Thư viện trường Trinity chứa khoảng 5 triệu cuốn sách, trong đó nổi tiếng nhất là Cuốn sách Kells – Kinh Phúc âm viết trên da dê. Tôi thật sự choáng ngợp trước cách kiến trúc, bài trí của thư viện: những mái vòm duyên dáng, những hành lang trải dài, những bức tượng bán thân đặt dưới các cây cột vươn cao thanh thoát, các kệ sách dựng san sát nhau với những trang giấy đã ngả màu thời gian…
Từ Cao đẳng Trinity, theo đại lộ Westmoreland sẽ ra bờ sông Liffey. Sông như dải lụa mềm mại uốn lượn chia đôi Dublin. Qua bến tàu Dockland, tôi bắt gặp đài tưởng niệm các nạn nhân trong nạn đói 1840. Ở đó có các bức tượng những người đàn ông, phụ nữ đang lê bước về phía bến cảng tìm đường di trú. Một con chó gầy trơ xương lẽo đẽo theo họ. Cảnh tượng quá khứ - một đoàn cả người cả chó dật dờ như những bóng ma – càng nổi bật trên phông nền hiện tại là những đường phố xinh đẹp trải dài, những tòa nhà nguy nga vươn trên nền trời xanh biếc. Một sự kết hợp tưởng đối lập lại trở thành nơi giao thoa hoàn hảo của lịch sử, nơi gặp gỡ giữa quá khứ u tối và thực tại tươi sáng.
Trên sông Liffey, tôi tìm đến cây cầu tưởng niệm Samuel Beckett. Cây cầu có hình dáng mô phỏng một chiếc đàn harp. Khi chiều buông, mặt trời xuống thấp và nền trời chuyển sang màu hồng ửng bởi vô vàn đám mây rực rỡ, cây cầu với thiết kế thanh lịch, duyên dáng của mình khiến ta liên tưởng đến hình ảnh một tiên nữ nằm nghiêng nghiêng ôm hạc cầm bên dòng sông thơ mộng.
Qua cầu Beckett, tôi rẽ vào một quán cà phê gần bờ sông. Người Dublin vẫn tự hào về cà phê phố Grafton, nhưng uống cà phê bên cầu Beckett, ngắm dòng Liffey trong khi chờ Godot cũng không phải một lựa chọn tồi với tôi. Chàng phục vụ có mái tóc xoăn mang đến một Irish coffee. Cà phê phong cách Ireland được pha trong li như li đựng vang. Đầu tiên, người ta rót whisky Ireland, sau đó thêm đường rồi hơ nóng li rượu trên lửa. Khi whisky gần sôi, hơi nước bắt đầu bốc lên thì rót cà phê Blue Mountain hoặc Mandheling nóng hổi vào, cuối cùng phủ lớp kem tươi đánh bông. Tôi nâng li cà phê, hít hà, thong thả hớp một ngụm. Vị cà phê nóng hòa quyện hương vang thơm lừng, đi qua lớp kem mát lạnh tạo thành dòng ấm áp trôi xuống cuống họng. Giữa cái lạnh 10 độ với những cơn gió ràn rạt thổi từ mặt sông, sự ấm áp lan tỏa ra từng tế bào khiến tôi lâng lâng một cảm giác khó tả. Một ý nghĩ chợt lướt qua đầu khiến tôi bật cười: Chao ôi, dẫu mãi mãi gã Godot chết tiệt kia không đến cũng chẳng sao, dẫu bây giờ tôi có chết cũng cam lòng, miễn là để tôi thưởng thức hết li Irish coffee này đã! Và, trong một buổi chiều rất đẹp, tôi lẩm nhẩm mấy câu thơ của Yeats chẳng biết đã thuộc từ bao giờ:I know that I shall meet my fate
Somewhere among the clouds above…
***
Nhận bài dự thi từ 10/7/2012 đến hết 10/10/2012. BẤM VÀO ĐÂY để gửi bài dự thi Tìm hiểu về đất nước, con người và nền giáo dục Ireland hoặc gửi về địa chỉ mail toasoan@giaoduc.net.vn (Số điện thoại hỗ trợ thông tin: 0904.062258).
Điểm nóng
Moher - biểu tượng kỳ vĩ của đất nước Ireland. Những món ăn truyền thống của người Ireland.
10 điểm du lịch miễn phí dành cho trẻ em ở Ireland. Thông tin, điều lệ, cơ cấu giải thưởng cuộc thi "Tìm hiểu Ireland".
Điều gì ảnh hưởng tới quyết định du học của bạn?

Kinh nghiệm tìm nhà trọ ở Anh dành cho du học sinh.

Hoàng Thị Thanh Hương