Dự thảo lương mới, giáo viên khó có cửa lên hạng II đừng vội học chứng chỉ

09/09/2020 06:13
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu là giáo viên đứng lớp thì khó đạt hạng II, nói gì hạng I để đạt hệ số 6,78. Dù có đủ tiêu chuẩn thì thời gian công tác cũng không thể vươn tới mức cao nhất.

Cách tính lương mới của giáo viên công lập theo Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông công lập đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến thu hút sự quan tâm của xã hội, nhất là với lực lượng giáo viên đang giảng dạy tại các cơ ở giáo dục công lập.

Cụ thể, áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06) đối với giáo viên, mầm non, tiểu học hạng IV có trình độ trung cấp; Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89) đối với giáo viên mầm non hạng III, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở hạng IV có trình độ cao đẳng.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II; tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ hạng III có trình độ đại học được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38).

Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78).

Như vậy, có thể thấy, điểm mới đáng ghi nhận của dự thảo các thông tư là xếp lương đối với giáo viên mầm non theo bằng cao đẳng với hệ số lương khởi điểm 2,10; xếp lương với giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông theo bằng đại học, với hệ số lương khởi điểm 2,34.

Điều này khắc phục bất cập mà đội ngũ trăn trở bấy lâu nay, khi giáo viên mầm non, tiểu học mới được tuyển dụng, hết thời gian tập sự có bằng cao đẳng, đại học nhưng chỉ được xếp lương trung cấp (hệ số lương khởi điểm 1,86); giáo viên trung học cơ sở có bằng đại học chỉ được xếp lương cao đẳng (hệ số lương khởi điểm 2,10).

Một kỳ thi thăng hạng giáo viên. (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn).

Một kỳ thi thăng hạng giáo viên. (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn).

Lương giáo viên cao nhất có thể đạt đến… 14 triệu/tháng

Trong đó, hệ số lương giáo viên cao nhất là 6,78. Nếu mức lương cơ sở được tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thì mức lương cao nhất sẽ khoảng gần 14 triệu đồng/tháng.

Cụ thể giả sử giáo viên có hệ số lương 6,78 thì mức lương và phụ cấp ưu đãi (giả sử 30%) được hưởng như sau: 6,78 x 1.600.000 + (6,78 x 1.600.000 x 30%) là khoảng trên 14 triệu đồng/tháng.

Đây quả là một mức lương khá cao, đáp ứng nhu cầu của giáo viên trong cả nước ngay cả khi phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ.

Nhưng đó chỉ là…. giấc mơ

Nhìn vào dự thảo thì thấy mức lương thay đổi rất đáng kể, tuy nhiên theo ý kiến của người viết, đó chỉ mãi có thể chỉ là giấc mơ.

Nếu là giáo viên đứng lớp thì khó đạt hạng II, nói gì hạng I để đạt hệ số 6,78. Mà cho dù có đủ tiêu chuẩn thì thời gian công tác cũng không thể vươn tới mức cao nhất 6,78 như dự thảo.

Trước hết phải nói lại cho rõ, hiện nay trong trường học gồm 3 đối tượng cũng là 3 thang, bảng lương trong dự kiến xếp lương theo vị trí việc làm gồm: cán bộ quản lý (gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn), giáo viên và nhân viên trường học.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được phân tích rõ các tiêu chuẩn, điều kiện để giáo viên đạt hạng II để thấy rằng việc đạt được thăng hạng lên hạng II theo dự thảo xếp lương mới là điều không dễ dàng, không dành cho giáo viên, hạng II đã không có vị trí cho giáo viên thì hạng I đừng mơ tới.

Người viết chỉ phân tích đối với cấp tiểu học, các cấp học khác điều kiện cũng khó tương tự.

Cụ thể, trong dự thảo về Thông tưQuy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học công lập, tại “Điều 5. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: … có nội dung sau:

Về nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;

Là chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;

Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách đội giỏi từ cấp trường trở lên. Thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;

Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như đánh giá ngoài, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).

Về nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II thì cả 4 nhiệm vụ đều chỉ dành cho tổ trưởng/nhóm trưởng chuyên môn trở lên, giáo viên đứng lớp bình thường hầu như không có ai đạt được các nhiệm vụ trên.

Do đó việc thăng lên hạng II đối với giáo viên là không có cơ hội. Vậy thì giáo viên làm gì có “cửa” lên hạng I.

Bên cạnh đó tiêu chuẩn hạng II còn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, chứng chỉ tin học,…

Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục tiểu học; triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao;

Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, chương trình giáo dục tiểu học; chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương;

Có khả năng vận dụng linh hoạt và hướng dẫn đồng nghiệp vận dụng, cập nhật kịp thời yêu cầu đổi mới những kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh tiểu học; vận dụng sáng tạo, phù hợp các hình thức, phương pháp dạy học để phát huy hiệu quả dạy học;

Tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh tiểu học;

Vận dụng được các kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy; có khả năng đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp làm các sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng từ cấp trường trở lên;

Có khả năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: tham gia ban giám khảo, thanh tra, kiểm tra; xây dựng và thực hiện được các chuyên đề dạy học;

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách đội giỏi từ cấp trường trở lên;

Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (bao gồm cả thời gian giữ ngạch giáo viên tiểu học nếu có) hoặc tương đương đủ từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, không kể thời gian tập sự.

Đối với các chức danh tương đương thì phải có ít nhất 01 (một) năm giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III.

Đối với hầu hết hết các tiêu chuẩn chuyên môn để giáo viên đạt được còn khó hơn hái sao trên trời, tổ trưởng/nhóm trưởng chưa chắc đã đạt nói gì đến giáo viên.

Để được thăng lên mới có hạng II mà ngần ấy tiêu chuẩn thì thử hỏi trong trường học có mấy ai đạt được để được thăng hạng.

Muốn thăng lên hạng II không chỉ là tiêu chuẩn về bằng cấp mà còn hàng loạt tiêu chuẩn khác mà hầu như giáo viên không thể đạt được, nhiều giáo viên bỏ ra rất nhiều tiền để học các chứng chỉ nhưng lại thiếu tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu tiêu chuẩn trong việc thực hiện nhiệm vụ thì cũng không được thăng hạng.

Do đó, giáo viên nên xem kỹ các tiêu chuẩn, điều kiện để tránh “tiền mất, tật mang”.

BÙI NAM