Đừng bàn chuyện có thi tốt nghiệp không mà nên hiến kế làm sao kết quả thật nhất

28/09/2020 09:06
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phải tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu không thi thì trò không học tuy nhiên cần cải tiến cách thức triển khai để kỳ thi này nhẹ nhàng, công bằng.

Vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông rất cao, hay nói cách khác tỷ lệ trượt tốt nghiệp chỉ vài ba phần trăm, nên nhiều năm qua người ta đã đặt vấn đề: có cần thiết tổ chức 1 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cồng kềnh, tốn kém hay không mà thay vào đó là xét tốt nghiệp và để các trường đại học tự chủ tổ chức thi riêng?

Câu chuyện này một lần nữa được thảo luận khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nội dung định hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021-2025.

Nhìn nhận từ thực tế và kinh nghiệm các nước, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục khẳng định: “Phải tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông bởi nếu không thi thì trò sẽ không học. Tuy nhiên cần cải tiến cách thức triển khai để kỳ thi này nhẹ nhàng, công bằng và khách quan hơn”.

Thầy Bảo cho rằng, tại Singapore, học sinh học hết bậc tiểu học cũng phải trải qua một kỳ thi, học sinh trung học cơ sở cũng như vậy. Bởi lẽ họ quan niệm: “Thi sẽ thúc đẩy trò học, thầy dạy”.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Đặng Quốc Bảo, để chống bệnh thành tích trong kết quả thi tốt nghiệp thì ngoài vấn đề con người, cải tiến công nghệ thông tin thì hàng năm đừng nên so sánh điểm thi tỉnh A hơn tỉnh B, tỉnh này bét bảng, tỉnh kia đầu bảng và đặc biệt trong từng tỉnh, thành phố cũng không nên có sự so sánh giữa các quận, huyện. Thay vì so sánh thì hãy để họ tự nhìn vào kết quả để đánh giá, nỗ lực.

Trong khi đó, nhìn từ các văn bản quy phạm pháp luật, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội nhận định:

“Thời gian qua bàn bạc cũng đã nhiều, từ ý kiến của người dân, hội nghị hội thảo từ cấp thấp đến cấp cao, câu hỏi đó đã có câu trả lời rất rõ tại khoản 3, Điều 34, Luật Giáo dục 2019 quy định: “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy Khang nhấn mạnh, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực gần 3 tháng. “Vì vậy có bàn về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông giai đoạn 2021-2025 thì chỉ nên tập trung vào mấy việc chính: Bộ Giáo dục và Đào tạo làm gì? Địa phương làm gì? Phương thức thi (tự luận, trắc nghiệm khách quan, trên giấy, trên máy tính...)? Môn thi, số môn thi bắt buộc, tự chọn? Số lần thi trong 1 năm?...”, thầy Khang nói.

Nhìn nhận qua 6 năm khi thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì đổi mới thi, đánh giá, kỳ thi được hoàn thiện theo hướng năm sau tốt hơn năm trước.

Đặc biệt, năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng tiến trình đổi mới kỳ thi vẫn theo xu hướng tốt, kiên định, kỳ thi đã được tổ chức thành công thì các chuyên gia đều đang chờ đón dự thảo của Bộ về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho ít nhất 5 năm tới để nghiên cứu, góp ý kiến.

Thùy Linh