So với nhiều nước khác, số lượng trường đại học nước ta hiện nay lớn (gồm 236 trường đại học, học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh)). Trong khi thực trạng đào tạo, quản lý trường đại học còn có những bất cập, chất lượng đào tạo, đóng góp xã hội còn hạn chế.
Theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37 (về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, giai đoạn 2006-2020) đề ra 12 trường đại học.
Vì thế, theo nhiều chuyên gia việc đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua việc quy hoạch mạng lưới trường đại học trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường đại học có thể bứt phá phát triển hoặc sáp nhập một số trường đại học tạo nên những đại học mạnh.
Hiện nay đang kêu gọi huy động nguồn lực xã hội hóa, nếu chúng ta can thiệp vào vấn đề quy hoạch các trường tư thục thì làm sao thực thi được khẩu hiệu này. (Ảnh minh họa: Vietnamnet) |
Bình luận về chủ trương này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên đưa ra chủ trương quy hoạch mạng lưới các trường đại học.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã đưa ra và làm rất quyết liệt. Ngày đó, đại học tư thục chưa nhiều, số lượng trường đại học công lập cũng không nhiều nhưng trường công đã vượt quá khả năng đầu tư của nhà nước tuy nhiên chủ trương đã vấp phải phản ứng của các trường, không trường nào muốn sáp nhập.
Việt Nam đặt ra chủ trương quy hoạch mạng lưới trường đại học từ những năm 90 |
“Nhưng cho đến nay, khi số lượng các trường đã phình ra nhiều, nếu không làm thì chết” – ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Khuyến chỉ rõ, quy hoạch mạng lưới trường đại học cần tiến hành càng sớm càng tốt đối với hệ thống trường công để bảo đảm đầu tư có hiệu quả còn trường tư thục sáp nhập thế nào thì tùy thuộc vào chủ sở hữu, nhà đầu tư.
Bởi lẽ, hiện nay nhà nước đang kêu gọi huy động nguồn lực xã hội hóa, do đó nếu chúng ta can thiệp vào vấn đề quy hoạch các trường tư thục thì làm sao thực thi được khẩu hiệu này. Mà như vậy là can thiệp thô bạo vào quyền quyết định của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, nếu sản phẩm của trường tư thục kém thì nhà nước không cho đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng sinh viên mà trường đào tạo ra, đảm bảo quyền lợi của người học đồng thời người học cũng sẽ không chọn học những trường chất lượng kém. Khi không tìm kiếm được nguồn tuyển sinh, trường sẽ phải tự giải thể.
Còn đối với hệ thống trường công thuộc sở hữu của nhà nước, do nhà nước đầu tư do đó nhà nước phải can thiệp để trường hoạt động hữu ích, có hiệu quả.
Giải pháp mà ông Lê Viết Khuyến đưa ra là phải có quyết tâm cao của toàn hệ thống. “Nghị quyết 19 của Trung ương đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc quy hoạch sắp xếp mạng lưới các trường đại học. Cùng với việc tinh giản biên chế sẽ là điều kiện để thực hiện việc này.
Nếu không tái cấu trúc, không quy hoạch lại mạng lưới thì sẽ không thể kiếm đâu ra nguồn tài chính đầu tư để nuôi bộ máy quá lớn như hiện nay” – ông Lê Viết Khuyến khuyến cáo.
Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 đưa ra nhiệm vụ đối với giáo dục đại học: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục. Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang. |