Được cử đi học thạc sỹ đã xong, 63 GV bất ngờ khi Hà Nội không hỗ trợ kinh phí

10/06/2024 06:42
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - 63 giáo viên THPT đã học xong thạc sỹ theo diện được cử đi học nhưng không được nhận hỗ trợ kinh phí.

Phản ánh đến phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giáo viên có trình độ thạc sỹ đang giảng dạy tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, và là đối tượng từng nhận quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cử đi học thạc sỹ cho biết, họ đang bức xúc về việc sau khi học xong thạc sỹ đến nay đã hơn 3 năm nhưng vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội lại ra thông báo không hỗ trợ kinh phí.

Cụ thể, năm 2013 Chủ tịch ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3381/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo sau đại học của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Uỷ ban Nhân dân Thành phố giai đoạn 2013- 2020 [1].

Từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra các Quyết định về việc cử cán bộ quản lý, giáo viên đi học thạc sỹ năm 2019. Những đối tượng được Sở cử đi học là những người có thành tích trong giảng dạy, tham gia các hoạt động và đạt các thành tích như, chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm, bằng khen giáo viên giỏi...

gv-thpt-di-hoc-thac-sy-khong-duoc-tra-tro-cap5555.jpg
Quyết định cử giáo viên đi học thạc sỹ năm 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Tháng 2/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo tới 63 giáo viên trung học phổ thông được cử đi học thạc sỹ năm 2019 hoàn tất hồ sơ để đề nghị được cấp kinh phí đi học năm 2019.

gv-thpt-di-hoc-thac-sy-khong-duoc-tra-tro-cap2223.jpg
Danh sách một số giáo viên trong 63 giáo viên được yêu cầu hoàn tất hồ sơ để nhận kinh phí hỗ trợ. Những giáo viên này đều có quyết định cử đi học của Sở và giấy thông báo nhập học của cơ sở đào tạo.

Ngày 29/1/2021, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội - Nguyễn Quang Tuấn ban hành văn bản số 335 về việc nhận kinh phí và nộp hồ sơ bổ sung đối với người được Ủy ban Nhân dân Thành phố cử đi học sau đại học.

Theo đó, văn bản nêu, đối với cán bộ quản lý và giáo viên được Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành Quyết định cử đi học sau đại học từ năm 2017 trở về trước đến Sở Giáo dục và Đào tạo nhận kinh phí hỗ trợ vào ngày 1/2/2021.

Đối với đối tượng được cử đi học sau đại học năm 2017, 2018 sẽ làm hồ sơ và nộp chứng từ vào ngày 5/2/2021.

gv-thpt-di-hoc-thac-sy-khong-duoc-tra-tro-cap-222.JPG
Văn bản 335 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng nêu rõ, với đối tượng được cử đi học sau đại học năm 2020 sẽ không thuộc diện được cấp kinh phí hỗ trợ bởi Đề án cấp kinh phí đi học sau đại học giai đoạn 2013-2020 đã kết thúc.

Trong văn bản cũng nhấn mạnh lưu ý, đối với những trường hợp cán bộ quản lý và giáo viên được Sở Giáo dục và Đào tạo cử đi học sau đại học năm 2019:

"Trường hợp cán bộ quản lý và giáo viên được Sở Giáo dục và Đào tạo cử đi học sau đại học năm 2019 đã nộp hồ sơ đề nghị Thành phố xét duyệt (dự kiến có Quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố vào năm 2020) tạm thời chờ thông báo khi có Quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố".

Sau khi nhận văn bản trên, 63 giáo viên lại tiếp tục chờ đợi. Hơn 3 năm sau, họ mới lại nhận được câu trả lời từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Cụ thể, ngày 7/5/2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - Trần Thế Cương ban hành văn bản số 1351 về việc rà soát, tiếp nhận hồ sơ bổ sung, giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học.

gv-thpt-di-hoc-thac-sy-khong-duoc-tra-tro-cap-2333.JPG

Trong văn bản lại một lần nữa nhấn mạnh với đối tượng được Sở Giáo dục và Đào tạo cử đi học sau đại học năm 2019 và đã nộp hồ sơ đề nghị Thành phố xét duyệt với nội dung bôi đậm, in nghiêng khẳng định: "không được hưởng kinh phí hỗ trợ".

Lý do được Sở Giáo dục và Đào tạo nêu ra là: "Vì Ủy ban Nhân dân Thành phố không ban hành Quyết định hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học vào năm 2020".

"Chúng tôi không hiểu lí do vì sao Ủy ban Nhân dân Thành phố lại không hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho chúng tôi.

Chúng tôi hiểu rằng, mình vẫn thuộc đối tượng trong Quyết định 3381/QĐ-UBND ngày 29/5/2013, và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thực hiện đề án, ra quyết định cử chúng tôi đi học", giáo viên cho hay.

Những khó khăn, vất vả của giáo viên đi học thạc sỹ năm 2019

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô T. (giáo viên dạy tiếng Anh) cho hay, sau khi đăng kí hồ sơ để đi học sau đại học, nhà trường đã xét duyệt và gửi lên cấp Sở xem xét duyệt.

Khi được duyệt đi học, bên cạnh niềm vui được nâng cao chuyên môn với sự hỗ trợ kinh phí của Thành phố, cô T. còn gánh nỗi lo khi hai con còn nhỏ (một cháu 6 tuổi và cháu 10 tuổi) khiến vợ chồng cô phải gửi con nhờ người chăm hộ.

Thời gian cô T. đi học chính quy với thời gian cả ngày, thường sẽ là vào trong những ngày từ thứ Tư đến thứ Chủ Nhật. Nếu vào những ngày đi học, cô sẽ phải bố trí dồn tiết giảng dạy ở trường trung học phổ thông.

"Nhà trường nói rằng, tôi đi học như vậy là được sự hỗ trợ kinh phí từ Sở nên tôi vẫn phải đảm bảo số tiết giảng dạy. Tôi vẫn dạy đảm bảo số tiết trung bình 17-18 tiết/tuần", cô T. chia sẻ.

Trong quá trình học thạc sỹ, cô phải tự lực cố gắng, đầu tư thời gian công sức để nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ của Sở giao.

Theo cô T., nhà trường không hỗ trợ cho cô trong quá trình đi học thạc sỹ. Bởi vậy, kinh phí đi lại, học phí, bảo vệ luận văn đều được cô tự chi trả.

"Chúng tôi được Sở gọi lên để làm hồ sơ hỗ trợ kinh phí nhưng không hiểu vì sao sau đó lại không được. Bên cạnh đó, những người ký văn bản cho chúng tôi đi học giờ họ đã về hưu hoặc làm vị trí khác... khiến chúng tôi không biết hỏi ai để có câu trả lời thỏa đáng", cô T. bức xúc.

Cô T. cho biết thêm, vào năm 2020, sau khi nộp hồ sơ để nhận hỗ trợ kinh phí học xong thạc sỹ, bản thân cô và đồng nghiệp được cán bộ tại Phòng tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ về số tiền mỗi giáo viên có thể được hỗ trợ.

"Thời điểm đó, chúng tôi được thông báo là có thể được nhận hỗ trợ trên 100 triệu đồng", cô T. nói.

Cô T. chia sẻ, theo Quyết định số 01/2014 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức và giảng viên thỉnh giảng thuộc thành phố Hà Nội có nêu, cô và các giáo viên là viên chức được quy định tại Điều 26 của Quyết định trên là sẽ được hỗ trợ như công chức đi học thạc sỹ.

gv-thpt-di-hoc-thac-sy-khong-duoc-tra-tro-cap-2234.JPG
Tại Điều 26 của Quyết định 01/2014 có nêu, đối tượng là viên chức sẽ được hưởng hỗ trợ như công chức. (Ảnh: cắt màn hình)
ho-tro-hoc-thac-sy.JPG
Tại điều 14, Quyết định 01/2014 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có nêu đối với đối tượng được cử đi học trong nước sẽ được hỗ trợ học phí + tiền hỗ trợ hằng tháng (1,5 tháng lương cơ sở) + tiền hỗ trợ bảo vệ luận văn thạc sỹ và tương đương bằng 30 tháng lương cơ sở. (Ảnh: cắt màn hình)

Chia sẻ về mức hỗ trợ đối tượng được cử đi học sau đại học, cô V. (giáo viên dạy Giáo dục công dân) cho hay, tại Điều 14, Quyết định 01/2014 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có thông tin về mức hỗ trợ kinh phí cho đối tượng được cử đi đào tạo sau đại học.

Theo đó, tại thời điểm tháng 2/2020, tháng lương cơ sở vẫn là 1,49 triệu đồng. Với mức hỗ trợ 1,5 tháng lương cơ sở trong 2 năm học cô đi học dựa trên tháng lương cơ sở có thể được nhận là là 2,235 triệu đồng x 20 tháng đi học thạc sỹ = 44,7 triệu đồng.

Đối với mức hỗ trợ bảo vệ luận văn thạc sỹ, giáo viên được hỗ trợ 30 tháng lương cơ sở tương đương: 1,49 triệu đồng x 30 = 44,7 triệu đồng.

Cùng với đó là mức hỗ trợ học phí khoảng 30 triệu đồng. Tổng cộng số tiền cô V. có thể nhận được là khoảng 120 triệu đồng.

gv-thpt-di-hoc-thac-sy-khong-duoc-tra-tro-cap223.jpg
Bằng thạc sỹ của cô V. (Ảnh: NVCC)

Về hoàn cảnh gia đình, cô V. nói, bản thân cô giảng dạy môn phụ nên không có nguồn thu từ dạy thêm cho học sinh. Khi biết tin Sở Giáo dục và Đào tạo có chủ trương cử giáo viên đi học thạc sỹ và sẽ được nhận hỗ trợ theo Quyết định số 3381 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, cô đã quyết định đi học để nâng cao chuyên môn.

Cũng giống như các đồng nghiệp được cử đi học thạc sỹ, cô V. cũng phải ôn luyện tiếng Anh để trúng tuyển vào nhập học...

Trong quãng thời gian học tập từ năm 2019 đến năm 2021, cô không được đơn vị đang công tác hỗ trợ về kinh phí, chỉ được đơn vị bố trí giảng dạy ít số tiết.

"Tôi được nhà trường bố trí giảng dạy ít số tiết hơn là 12 tiết/tuần, thay vì 17 tiết/tuần như trước đây", cô V. nói.

Trong quãng thời gian đi học, cô V. phải bố trí sắp xếp công việc giảng dạy để đi học ở xa, còn công việc ở nhà, người chồng phải gánh vác giúp đỡ cô. Năm 2020, chồng của cô thất nghiệp do dịch Covid-19, quãng thời gian đó khá là khó khăn với gia đình cô.

Hai năm học thạc sỹ, cô phải chi khoảng gần 100 triệu đồng cho các chi phí.

"Chúng tôi đã viết đơn cho Sở, cùng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội để hỏi rõ, tại sao chúng tôi không được nhận hỗ trợ", cô V. chia sẻ.

Liên quan đến nội dung sự việc nêu trên, ngày 7/6, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với một lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, vị này cho hay: "Chúng tôi đang phối hợp với Sở Nội vụ để rà soát toàn bộ quy trình, bởi vì nội dung này là do Sở Nội vụ chủ trì. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin với phóng viên".

Mạnh Đoàn