Được xây tối đa 5 tầng, trường phổ thông ở nội đô sẽ không cần chia ca học

14/01/2025 06:13
Vân Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Trường ở nội thành các đô thị có diện tích hẹp, khi được xây 5 tầng tối ưu hóa không gian sử dụng, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, không cần phải chia ca học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020. Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 31/01/2025.

Theo đó, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho các hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng; bảo đảm điều kiện cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng. Như vậy, so với quy định cũ (Theo Thông tư số 13) các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được phép xây dựng tối đa 5 tầng, tăng thêm 1-2 tầng.

Đồng thời, với bậc tiểu học, mỗi trường có quy mô tối đa 40 lớp, tăng thêm 10 lớp so với quy định hiện hành. Còn ở bậc trung học phổ thông, số lớp tối đa là 50, tăng thêm 5 lớp, giúp đáp ứng nhu cầu tuyển sinh trong bối cảnh quỹ đất xây dựng trường tại các thành phố đang hạn chế. [1]

Biểu đồ: Vân Anh.

Biểu đồ: Vân Anh.

Thuận lợi cho trường có diện tích nhỏ, quỹ đất hẹp, không còn phải chia ca để học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Đức Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT hoàn toàn hợp lý, thể hiện một bước tiến lớn.

Trong nội thành, diện tích đất hạn hẹp, việc xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn cũ thường không đủ phòng học cho học sinh. Trước đây, có những trường trung học phổ thông chỉ xây 30 phòng học với 3-4 tầng; còn theo quy định mới, có thể xây lên 5 tầng, đáp ứng đến 45-50 phòng học

Thông tư số 23 đặc biệt tạo thuận lợi cho các trường có diện tích nhỏ, quỹ đất hẹp. Việc cho phép các trường phổ thông được xây 5 tầng, đồng thời, các trường trung học phổ thông được tăng thêm 5 lớp so với quy định là giải pháp hợp lý, khả thi để giải quyết các vấn đề thiếu quỹ đất ở các thành phố lớn”.

unnamed-48-2523.png
Thầy Hoàng Đức Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát chia sẻ thêm: “Thời gian qua, nhiều trường học tại các đô thị lớn rơi vào tình trạng quá tải do số lượng học sinh tăng nhanh, trong khi quỹ đất dành cho việc xây dựng trường học ngày càng hạn chế. Tình trạng này không chỉ gây áp lực lên cơ sở vật chất, mà còn khiến các trường ở các khu vực này gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia.

Việc thiếu không gian không chỉ ảnh hưởng đến việc xây dựng các phòng học mà còn hạn chế khả năng bố trí các khu vực sinh hoạt, sân chơi, phòng thực hành và các không gian chức năng cần thiết. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, cân bằng giữa phát triển số lượng học sinh. Việc mở rộng thêm cơ sở vật chất và số lượng dân cư xung quanh cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường”.

Theo thầy Hoàng Đức Thuận, việc các trường phổ thông được phép xây 5 tầng là phù hợp, thiết thực. Tuy nhiên, thực tế mỗi trường sẽ khác nhau, việc mở rộng, điều chỉnh cần linh hoạt theo nhu cầu và điều kiện của từng trường, từng khu vực.

Cụ thể, thầy Hoàng Đức Thuận chỉ ra: “Việc cho phép xây dựng thêm tầng, tăng số lượng phòng học tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà trường, đặc biệt với các trường trung học phổ thông.

Hiện nay, có rất ít trường trung học phổ thông ở Hà Nội có thể học 2 buổi/ngày. Nếu tăng thêm phòng học, học sinh ở Hà Nội sẽ được học 2 buổi/ngày, các em có thêm thời gian nghỉ vào thứ bảy, chủ nhật giống như học sinh ở một số tỉnh thành khác.

Chẳng hạn, Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát hiện đang có 45 lớp học và học sinh phải chia 2 ca để học trong ngày. Ca sáng 15 lớp khối 12 và 8 lớp khối 11; ca chiều 15 lớp khối 10 và 7 lớp khối 11. Khi mở rộng lên 50 lớp, trường có thể tổ chức học cho học sinh toàn trường vào 1 ca, ca còn lại dành cho các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ. Điều này, sẽ giúp học sinh thuận lợi trong việc tham gia các hoạt động bổ trợ”.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, thầy Nguyễn Phước - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Thành Tài (Hòa Vang, Đà Nẵng) bày tỏ: “Theo tôi, việc cho phép xây thêm tầng ở các trường phổ thông là rất cần thiết, hợp lý trong bối cảnh số lượng học sinh ngày càng tăng, nhưng quỹ đất ở nhiều trường còn hạn chế, không thể mở rộng theo chiều ngang. Việc cho phép xây thêm tầng không chỉ giải quyết vấn đề phòng học cho học sinh, tăng thêm nhiều phòng học chức năng, mà còn giúp tối ưu hóa không gian sử dụng, giảm tải số lượng học sinh trong mỗi lớp và mỗi tầng”.

Hiện tại, Trường Trung học phổ thông Phan Thành Tài xây cao nhất là 3 tầng, quỹ đất khoảng 20.000m2. Năm học 2023-2024, nhà trường có 33 lớp với tổng số học sinh là 1.450 em, sĩ số bình quân khoảng 44 học sinh/lớp; về cơ sở vật chất, trường có 20 phòng học và 6 phòng học bộ môn. Dự kiến trong những năm học sắp tới, trường vẫn giữ nguyên quy mô số lớp học.

Thầy Phước cũng nhấn mạnh, khi các cơ sở giáo dục triển khai xây dựng thêm số tầng, mở rộng số phòng học, cần đảm bảo giữ lại đủ không gian sân chơi, không gian sinh hoạt và các khu vực thực hành, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh. Ngoài ra, việc xây dựng trường học cần đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, trong đó, hệ thống phòng cháy chữa cháy phải được ưu tiên trong các quy chuẩn xây dựng.

Đáp án cho bài toán giải quyết vấn đề thiếu quỹ đất trường học ở các thành phố lớn

Cùng chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng có những đánh giá tương tự: “Quy định mới theo Thông tư số 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất hợp lý, hiện nay, quỹ đất ngày càng ít, nhu cầu phòng học ngày càng tăng cao, nên việc cho phép xây dựng theo hướng tăng không gian sử dụng là cần thiết. Đây được coi là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu quỹ đất ở các trường phổ thông. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh”.

Theo cô Nguyễn Thị Như Quỳnh, hiện tại, các tòa nhà của Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh mới được xây dựng tối đa 3 tầng. Nhà trường có 46 lớp với tổng số học sinh là 2.070 em, sĩ số bình quân khoảng 45 học sinh/lớp.Việc cho phép xây dựng tăng thêm tầng, thêm lớp học sẽ đáp ứng được nhu cầu về số lượng học sinh và lớp học không chỉ tại nhà trường, mà còn nhiều trường khác ở các thành phố lớn.

“Hiện nay, nhà trường đang xin phép đầu tư xây mới một tòa nhà cũ chỉ có 2 tầng (vốn đã được xây dựng từ năm 1995). Nếu được phép xây tòa nhà mới với kết cấu 5 tầng, sẽ giúp nhà trường tận dụng tối đa không gian, tránh lãng phí diện tích, đáp ứng thêm nhu cầu học tập của học sinh” - cô Như Quỳnh bày tỏ.

z6173680411827_4c9133d86907debfd728b0c5702900c7 (1).jpg
Học sinh tại Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2024. Ảnh: NVCC.

Mặt khác, cô Quỳnh lưu ý, song song với việc cho phép xây dựng trường học tối đa 5 tầng, cũng cần đảm bảo an toàn học sinh tại các tầng cao. Khi thiết kế, phải ưu tiên tính toán phương án an toàn cho học sinh, bao gồm việc xây dựng lan can chắc chắn, đủ chiều cao và sử dụng vật liệu không gây nguy hiểm...

Cô Nguyễn Thị Như Quỳnh cũng đề cập: “Nên quy hoạch các tòa nhà dạy học cao tầng như một giải pháp hiệu quả để tiết kiệm quỹ đất, đặc biệt tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư cao.

Bên cạnh đó, khi triển khai, cần chú trọng việc bố trí hợp lý các phòng học, khu vực chức năng để đảm bảo tiện ích và an toàn cho học sinh như: Các tầng cao hơn có thể được sử dụng cho các khối lớp lớn, có khả năng tự quản tốt hoặc làm các khu vực hành chính, thư viện. Đồng thời, cần thiết kế hệ thống thang bộ đảm bảo đủ rộng rãi, thông thoáng và đáp ứng tiêu chuẩn thoát hiểm.

Ngoài ra, việc kết hợp với công nghệ hiện đại trong thiết kế như hệ thống phòng cháy chữa cháy, giám sát an ninh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường là những yếu tố cần được cân nhắc, để các tòa nhà này không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà còn hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://img.giaoduc.net.vn/Uploaded/doannhan/2024_12_20/232024ttbgddtsigned-1-6292.pdf

Vân Anh