Trường đại học ra khỏi nội đô, quỹ đất ở trụ sở cũ sẽ sử dụng vào việc gì?

23/12/2023 06:17
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số ý kiến cho rằng, nhiều trường đại học khó di dời vì không có quỹ đất, điều kiện để xây dựng các cơ sở vật chất mới. 

Năm 2011, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (Bộ Xây dựng) đã đề xuất di dời một số trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô Hà Nội.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Trường Đại học Y tế Công cộng hoàn thành việc di dời; còn lại, có trường tiến hành di dời một phần phòng ban chức năng và sinh viên năm nhất đến cơ sở mới, một số trường vẫn chưa có động thái di dời.

Thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2011, Hà Nội yêu cầu di dời một số cơ sở giáo dục ra khỏi nội đô.

Theo đó, một số cơ sở giáo dục cần thực hiện di dời ra khỏi nội đô Hà Nội gồm: Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y tế công cộng, Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội,...

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số trường đại học trong diện di dời cho thấy, việc xây dựng các đề án di dời, nguồn ngân sách bố trí cho di dời, quỹ đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối,… là những nguyên nhân khiến các sở giáo dục chưa thể di dời.

Mới đây, tại tổ thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội cần có cơ chế bỏ tiền ngân sách ra giải phóng mặt bằng, thậm chí xây trụ sở mới cho trường đại học, bệnh viện.

Trường Đại học Công đoàn là 1 trong những trường thực hiện di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Cao Thắng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công đoàn cho biết, nhà trường có cơ sở 2 ở tỉnh Hưng Yên nhưng chưa xây dựng xong (bắt đầu khởi công cách đây 10 năm, đến nay mới xây dựng được 1 toà ký túc xá và 1 toà hiệu bộ), chưa có đầy đủ cơ sở vật chất do việc giải ngân gặp khó khăn.

Khuôn viên Trường Đại học Công đoàn. Ảnh trên website trường.

Khuôn viên Trường Đại học Công đoàn. Ảnh trên website trường.

“Nhà trường được cấp ngân sách để xây dựng cơ sở hai ở tỉnh Hưng Yên nhưng chưa đồng bộ cơ sở vật chất nên chưa thể di dời trường từ Hà Nội đến địa điểm mới.

Cơ sở ở tỉnh Hưng Yên chỉ đang phục vụ việc đào tạo Quốc phòng an ninh cho sinh viên của trường. Còn việc học tập của sinh viên vẫn tập trung tại cơ sở trong nội đô Hà Nội. Hiện nhà trường vẫn đang tiếp tục thi công ở Hưng Yên nhưng gặp khó trong nguồn vốn”, thầy Thắng chia sẻ.

Trước đề xuất dùng ngân sách di dời trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội, thầy Thắng bày tỏ, hầu hết các trường đều mong muốn điều này. Hiện không phải trường đại học nào cũng đủ năng lực để tự triển khai xây dựng khuôn viên trường học mới, khang trang, đáp ứng điều kiện dạy và học. Việc di dời cũng phải đồng bộ từ cơ sở vật chất đến hạ tầng giao thông đô thị thì mới thuận lợi cho trường thực hiện di dời.

Thêm nữa, nếu một trường di dời khỏi nội đô trong khi một số trường không di dời thì ngay cả việc thu hút sinh viên đối với trường di dời cũng gặp khó khăn. Bởi, một ngành học hiện nay có nhiều trường đại học đào tạo, sinh viên khi chọn trường cũng sẽ ưu tiên học trường ở nội thành Hà Nội hơn để các em có điều kiện vừa đi học, vừa nhiều việc làm thêm, giao thông thuận tiện.

“Sử dụng ngân sách để trường đại học ở nội đô di dời ra các khu vực, tỉnh lân cận Hà Nội sẽ tạo sự đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở giáo dục”, thầy Thắng chia sẻ.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng nằm trong danh sách các cơ sở giáo dục ở Hà Nội phải di dời ra khỏi nội đô nhưng nhiều năm nay vẫn chưa có động tĩnh mới.

Chia sẻ về thực tế này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, tinh thần chung, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chuyển về khu vực Hoà Lạc nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, chính sách chưa bắt buộc nên nhà trường chưa di dời.

Di dời trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội là một chủ trương lớn, liên quan đến việc quy hoạch mạng lưới của vùng Thủ đô, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng sự phát triển xã hội nên nhà trường ủng hộ.

Theo thầy Thi, cơ sở giáo dục di dời ra khỏi nội đô nếu tăng cường được hiệu quả trong công tác đào tạo, mở rộng diện tích khuôn viên trường sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của cơ sở giáo dục đại học thì sẽ rất tốt.

Tuy nhiên, sau khi các trường đại học di dời, cần xem xét sử dụng đất ở trụ sở cũ sao cho hiệu quả. Nên chăng, vẫn giữ sự kết nối giữa cơ sở mới (nơi trường chuyển đến) và trụ sở cũ, đồng thời đặt trụ sở cũ làm đơn vị truyền thống để thuận lợi cho vị trí đối ngoại quốc tế của trường.

Đề xuất di dời trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô Hà Nội đã có cách đây hơn chục năm nhưng đến nay nhiều trường chưa thực hiện di dời, thầy Thi cho rằng, chủ trương được đưa ra muốn thực hiện cũng phải tuỳ thuộc vào điều kiện thực tiễn. Không có cơ sở để nói việc di dời cơ sở giáo dục như hiện nay là chậm hay nhanh vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể bắt các trường di dời trong khi không có quỹ đất, điều kiện để xây dựng các cơ sở vật chất mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.

“Đề xuất Thành phố Hà Nội sử dụng ngân sách để trường di dời ra khỏi nội đô có thể hỗ trợ các trường đủ cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đang thực hiện tự chủ tài chính nhóm 3 (đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên) theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, nếu di dời trường mà không có ngân sách hỗ trợ, nhà trường không những gặp khó khăn mà việc di dời không biết bao giờ mới thành hiện thực.

Kể cả trường đại học tự chủ tài chính nhóm 1 cũng không có đủ tiềm lực để tự xây dựng một trường đại học khang trang. Hay trong một gia đình, bố mẹ muốn cho con cái chuyển ra ở riêng cũng phải cho các con một khoản vốn nhất định để xây, hoặc mua nhà, chứ không các con biết chuyển ra ở đâu, ở như thế nào?”, thầy Thi chia sẻ.

Ngọc Mai