Nguyễn Hà Đông - Chủ nhân sáng tạo ra trò chơi Flappy Bird |
Thế giới ngày hôm nay ngày càng phẳng do tốc độ phát triển và thâm nhập của mạng xã hội, ứng dụng OTT, điện thoại thông minh, internet. Chúng ta hân hoan khi dễ dàng tiếp cận và sử dụng thông tin và các giá trị từ những công cụ và công nghệ đó.
Nhìn lại, chúng ta chỉ đóng vai trò thụ động- thụ hưởng những gì người khác làm ra. Thế giới phẳng chính là hình thức nô lệ mới khi một cá nhân nói riêng hay một dân tộc nói chung đang chấp nhận sử dụng những cái có sẵn tạo ra do những người khác hay dân tộc khác mà không tạo ra bất kỳ giá trị nào ngược lại.
Trong những thập kỷ chưa có Internet, một cá nhân có một vài quyển sách quý hiếm có thể đứng đầu một lớp học hay một công ty. Câu chuyên ngày hôm nay đã khác khi một cú click Google không những cho ra những quyển sách đó mà còn rất nhiều thông tin.
Thế giới phẳng chính là sức ép vô hình làm tầm thường hóa mọi cá nhân. Flappy Bird đã đưa cho chúng ta một góc nhìn mới về thế giới phẳng. Muốn thành công trong thế giới phẳng, chúng ta phải đứng cao hơn mặt phẳng đó để tạo giá trị cho phần còn lại của thế giới phẳng.
Hay nói cách khác, một cá nhân hay dân tộc cần phải tự vươn mình lên trên thế giới phẳng để tránh tình trạng hòa tan hoàn toàn trong đó. Flappy Bird tự thân đã nói lên được giá trị hai chiều của thế giới phẳng - chiều đi đang hòa tan toàn bộ các dân tộc và chiều ngược lại chính nó cũng tạo ra công cụ để bất kỳ cá nhân nào cũng có thể vươn lên dẫn đầu thế giới phẳng trong một lĩnh vực, một khoảng không nào đó.
Thế giới phẳng rất công bằng khi tạo ra áp lực hòa tan nhưng cũng tạo ra vô số cơ hội cho những cá nhân hay dân tộc biết tận dung để vươn lên. Thông qua bài học Flappy Bird, các bạn trẻ Việt Nam có thể suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều giá trị thay vì "GATO" (ghen tị - PV) hoặc chém gió tiêu cực đối với tác giả
01- Hành động có kết quả : Cho dù thế giới phẳng hay thế giới gập ghềnh như ngày xưa, hành động và thực thi vẫn là tiêu chí cao nhất mọi cá nhân cần hướng tới. Thật đáng buồn chính điểm này cũng là điểm yếu của thế hệ trẻ Việt Nam khi anh hùng bàn phím ngày càng xuất hiện nhiều. Trong thế giới phẳng, nếu bạn không tạo ra kết quả và giá trị từ chính bản thân công sức của mình, bạn sẽ nhanh chóng bị nhấn chìm vì phẳng hóa sẽ truyền tải thông tin rất nhanh cho những hành động có kết quả.
02- Sáng tạo rất đơn giản: các bạn trẻ thường hay suy nghĩ sáng tạo là cái gì đó độc và lạ. Flappy Bird đã cho thấy sức mạnh của sáng tạo chính là biết kết nối, thay đổi và điều chỉnh những gì sẵn có ở quanh chúng ta. Sức mạnh của kết nối chính là năng lượng cho sáng tạo. Fapply Bird sẽ là động lực cho các bạn trẻ sử dụng sáng tạo nhằm tạo ra giá trị trong thế giới phẳng.
03- Tập trung tạo giá trị: Trong thế giới phẳng biết nhiều trở nên vô nghĩa khi não một cá nhân không thể nào sánh được với công cụ tìm kiếm Google. Tác giả Flappy Bird trên báo chí truyền thông dường như là một chàng trai chỉ tập trung chuyên môn vào phát triển Game và các ngành liên quan. Điều đó chuyển tải tới các bạn trẻ ham biết nhiều nhưng biết nông bài học của sự tập trung. Chúng ta cần tập trung khai thác sâu một lĩnh vực, một chuyên môn mới có thể hy vọng tạo ra giá trị gia tăng ngày hôm nay.
04- Kiên trì tạo thành công: Thế giới phẳng tạo ra sức cạnh tranh khủng khiếp cho các cá nhân vì nó mang tới các kiến thức và công cụ để cho mỗi cá nhân gửi giá trị ra thế giới. Chắc chắn để có được một game như Flappy Bird, tác giả đã phải kiên trì và đam mê trong lĩnh vực liên quan trong một thời gian dài. Mỗi cá nhân thông qua thế giới phẳng đều có khả năng tiếp cận thông tin như nhau. Bí mật của thành công chính là ai kiên trì hơn ai để đạt được kết quả tốt hơn.
Fapply Bird có thể hay có thể dở theo suy nghĩ của từng người. Giá trị của nó không phải nằm trong nội dung game mà chính là bài học cho chúng ta thực hiện theo nhằm vươn cao hơn thế giới phẳng thay vì chấp nhận chìm trong đó. Một quốc gia muốn định hình trên thế giới phẳng cần phải có nhiều những cá nhân và tổ chức vượt lên trên thế giới phẳng. Flapply Bird đã làm được tại sao chúng ta lại không ?