Gặp anh nông dân người Mông hiến hơn 1.000m2 đất để xây trường vùng khó

19/10/2022 06:54
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bản thân từng phải bỏ học từ lớp 5 vì đường đến trường xa quá, anh Sùng A Chìa hiến đất xây trường để con em địa phương có chỗ học gần nhà.

Huổi Lếch là một trong những địa bàn khó khăn nhất của huyện Mường Nhé (Điện Biên), được tách ra từ xã Mường Toong từ năm 2012, dân số chủ yếu là dân tộc Mông (chiếm hơn 92%) và dân tộc Dao.

Ở Huổi Lếch, thời tiết khắc nghiệt, mùa đông sương mù nhiều, giá lạnh, đường giao thông đi lại cách trở, việc bảo đảm nước sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bà con ở nơi đây.

Tuy nhiên, dù còn vất vả, khó khăn nhưng "sự học" ở Huổi Lếch vẫn từng ngày khởi sắc hơn bởi có sự đồng lòng của các thầy, cô giáo và bà con dân bản.

Thầy giáo Nguyễn Văn Quynh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch cho biết: “Vào đầu năm 2016 trong những buổi ban đầu, khi các thầy cô giáo cùng chính quyền địa phương đi khảo sát tìm địa điểm xây trường, quá trình này gặp rất nhiều khó khăn. Các thầy, cô đã phải đi tìm và khảo sát ở rất nhiều địa bàn nhưng không được như mong muốn. Chỗ thì người dân đòi giá đất quá cao, chỗ thì cuộc sống còn vất vả khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên có người chưa đồng lòng, tạo điều kiện với chính quyền trong việc xây trường cấp 2 tại địa bàn.

Cơ sở vật chất Trường Phổ thông bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch còn sơ sài nhưng cũng là sự phấn đấu, vượt khó của thầy, trò nơi đây cùng sự đồng lòng hỗ trợ của bà con dân bản, chính quyền địa phương. Ảnh: LC

Cơ sở vật chất Trường Phổ thông bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch còn sơ sài nhưng cũng là sự phấn đấu, vượt khó của thầy, trò nơi đây cùng sự đồng lòng hỗ trợ của bà con dân bản, chính quyền địa phương. Ảnh: LC

Tuy nhiên, nhờ các thầy, cô giáo, và chính quyền địa phương kiên trì vận động nên sau đó bà con dân bản ở Huổi Lếch cũng đã viết đơn, trình bày mong muốn cùng góp sức, góp của xây trường cấp 2 của xã. Lúc đó, có khoảng 3 - 4 hộ gia đình đồng ý hiến đất xây trường.

Trường thành lập năm 2016, lúc mới, cơ sở vật chất rất sơ sài với 6 phòng học, 9 phòng bán trú, 1 nhà bếp, 1 nhà ăn theo mô hình “3 cứng” (nền cứng, khung cứng và mái cứng), các phần còn lại sử dụng tôn, khung sắt... chứ không được khang trang như những ngôi trường được xây kiên cố hoàn toàn.

Đến nay, trường cũng đã được đầu tư cơ bản khi có nhà 2 tầng cho các em học, có nhà kiên cố để các em có thể ở bán trú… Tuy còn nghèo nàn nhưng với thầy cô giáo và học trò ở Huổi Lếch thì cơ sở vật chất như thế này, trước đây không ai dám nghĩ tới”.

Khi được hỏi về quá trình hiến đất của các hộ dân, thầy Quynh cho biết: thầy, cô giáo cũng phải mất nhiều tuần mới có thể vận động được. Tuy nhiên, có một gia đình ngay từ đầu đã tình nguyện hiến hơn 1.000m2 mà không lấy bất khoản tiền hỗ trợ nào.

Anh Sùng A Chìa, người hiến hơn 1.000m2 đất để xây trường học. Ảnh: LC

Anh Sùng A Chìa, người hiến hơn 1.000m2 đất để xây trường học. Ảnh: LC

Được sự giới thiệu của thầy Quynh, chúng tôi đến gặp anh Sùng A Chìa (dân tộc Mông, sinh năm 1983), người hiến hơn 1.000m2 đất để xây trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch.

Khi được hỏi vì sao tình nguyện hiến đất, bằng chất giọng thật thà của người Mông, anh Chìa cho biết, bản thân trước đây chỉ học đến lớp 5 thì bỏ, vì ngày ấy quãng đường đi học quá xa.

“Từ Huổi Lếch này phải ra đến Chà Cang (huyện Nậm Pồ ngày nay) mới học được cấp 2. Xa quá không đi được, lúc đó, đi bộ phải mất 3 – 4 ngày.

Nghĩ mình đã không được học vì xa, con cháu mình lại cũng thế nữa thì khổ, nên tôi hiến đất xây trường, cho con cháu mình, trẻ em ở đây được học gần nhà. Nếu không được học chữ thì chẳng bao giờ hết khổ, hết nghèo được.

Bây giờ nhà nước có tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân các địa phương vùng núi tiền vốn, giống cây trồng, vật nuôi, nhưng nếu không biết cách trồng trọt, không biết cách nuôi con gà, con lợn, thì hỗ trợ ấy sẽ lãng phí, bà con không tự phát triển sản xuất được.

Vì thế, phải biết đọc, biết viết, biết xem sách khoa học, biết nghe lời hướng dẫn của cán bộ thì mới trồng được cây ngô, cây lúa cho năng suất; nuôi bò, nuôi lợn mới không bị chết vì dịch bệnh, vì đói rét… Muốn vậy thì chỉ có cách phải học lấy con chữ mà thôi.

Tôi nghĩ, các con, các cháu, các trẻ em được học ở gần sẽ đỡ vất vả, vì thế cũng không chán việc đi học đâu”, anh Chìa tâm sự.

Từ đất anh Chìa hiến, nhiều khu phòng học, phòng chức năng đã được xây dựng phục vụ việc học cho các con em người địa phương. Ảnh: LC

Từ đất anh Chìa hiến, nhiều khu phòng học, phòng chức năng đã được xây dựng phục vụ việc học cho các con em người địa phương. Ảnh: LC

Cũng theo anh Chìa, anh không mất nhiều thời gian để thuyết phục người nhà bởi khi anh nói mục đích hiến đất để xây trường thì ai trong nhà cũng đồng ý.

“Khi tôi cho đất, cũng có người bảo "sao dại thế, đất nhà mình lại có bìa đỏ nữa", nhưng mình nghĩ đã cho rồi là cho, không lấy các khoản tiền hỗ trợ làm gì cả”, anh Chìa tâm sự.

Hiện trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch có 275 học sinh từ các điểm bản theo học. Cơ sở vật chất có thể chưa được bằng miền xuôi nhưng cũng đang tạm đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của giáo dục.

Trần Phương