Ở phần đỉnh kim tự tháp giáo dục đại học là các viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu và tinh hoa với sứ mạng dẫn đầu hoạt động nghiện cứu ở mọi lĩnh vực và đào tạo tài năng chất lượng cao từ bậc đại học đến tiến sĩ.
Ở vị trí trung tâm của kim tự tháp giáo dục đại học là các viện đại học đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng với nhiệm vụ tập trung vào việc đào tạo và cung cấp cho xã hội những người có trình độ đại học với số lượng lớn và với kỹ năng đáp ứng nhu cầu của khu vực và địa phương.
Các viện đại học loại giảng dạy này được phân bố theo điều kiện địa lý và dân số để phần lớn sinh viên có thể theo học mà không phải đi xa nhà.
Ở phần dưới của kim tự tháp giáo dục đại học là các trường cao đẳng cộng đồng, các trường cao đẳng chuyên ngành và các trường dạy nghề hậu trung học. Các trường cao đẳng cộng đồng có mục đích đào tạo đại chúng tương tự các viện đại học giảng dạy khu vực và địa phương nhưng với trình độ tương đối thấp hơn và chuẩn bị cho sinh viên liên thông lên đại học.
Các trường cao đẳng chuyên ngành chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành cần thiết cho những công việc cụ thể trong các lĩnh vực sữa chữa cơ khí, xây dựng, sữa chữa điện và điện tử, tin học, chế tạo cơ khí, kế toán, điều dưỡng, dịch vụ…
ĐH Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh mang tính chất minh họa. |
“Đề án cải cách giáo dục Việt Nam” của Nhóm nghiên cứu giáo dục Việt Nam cũng phân tích vai trò quan trọng của đại học tinh hoa kết hợp nghiên cứu và giảng dạy (không thể nhằm vào số đông), và nhu cầu phục vụ nền kinh tế của đại học phổ cập cho số đông (hay đại học đại chúng).
Điều 9 của Luật Giáo dục Đại học 2012 có nêu: “Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng thành: a) Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; b) Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng; Cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành. Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học…” Tuy nhiên các tiêu chí và tiêu chuẩn để phân tầng các cơ sở giáo dục đại học còn chưa rõ ràng.
Hiện nay Việt Nam hầu như không có các viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu và tinh hoa trong đó bao gồm các viện nghiên cứu và phần lớn sinh viên là trên đại học. Mặt khác Việt Nam cũng rất thiếu các trường cao đẳng cộng đồng và cao đẳng chuyên ngành ở các tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu gia tăng sinh viên đại chúng mà không làm giảm chất lượng của các viện đại học tinh hoa.
Việt Nam cũng thiếu các các viện đại học đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng mà chỉ có phần lớn là các trường đại học chuyên ngành riêng lẻ như sư phạm, y dược, khoa học, nông lâm, kỹ thuật, kinh tế, kiến trúc… Đây là các trường đại học mà giảng dạy là chủ yếu nhưng có mục tiêu đào tạo những nhà chuyên môn theo những chương trình đào tạo tương đối hẹp và có ít phần giáo dục tổng quát hơn khi so với các viện đại học đa lĩnh vực.
“Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020” cũng đưa ra giải pháp về việc tổ chức kiểm định chất lượng và tổ chức xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo. Tuy nhiên các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam rất khác biệt nhau về mặt tổ chức chuyên môn nên không thể nào so sánh và xếp hạng chung các cơ sở đó được.
Chẳng hạn không thể so sánh và xếp hạng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng Đại học Huế hay Đại học Quốc Gia Tp Hồ Chí Minh được vì chúng không cùng loại.
Trong khi Đại học Huế có hầu hết các lĩnh vực như sư phạm, kinh tế, nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn và nghệ thuật… của một viện đại học đa lĩnh vực thì Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về chuyên môn chỉ tương đương lĩnh vực kỹ thuật của một khoa (Faculty) trong viện đại học đa lĩnh vực, còn Trường Đại học Xây dựng Hà Nội về chuyên môn chỉ tương đương một ngành hay một phân khoa (Department) như các ngành cơ khí, kỹ thuật điện điện tử, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật hàng không… của lĩnh vực kỹ thuật trong một viện đại học đa lĩnh vực.
Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam rất phức tạp, gồm đủ các loại trường mà theo GS Hoàng Tụy “Chỉ nhìn qua hệ thống đại học VN hiện nay cũng đã thấy cảnh tượng lộn xộn, rất khác mọi nơi trên thế giới: trường nào, kiểu gì, cũng gọi là đại học, trong một đại học lại có thể có nhiều đại học thành viên, dịch ra tiếng Anh tất cả đều là university, không phân biệt university với school, ai muốn hiểu ra sao thì hiểu. Đành rằng đây chỉ là vấn đề tên gọi, nhưng nó cũng phản ảnh một nét riêng “không giống ai” của đại học VN".
Hầu hết các trường đại học các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới là loại viện đại học đa lĩnh vực, trong khi đó phần lớn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam là loại trường chuyên ngành hẹp. Vì thế Luật Giáo dục Đại học lẻ ra cần có những qui định để thúc đẩy việc sáp nhập các trường chuyên ngành và tái cấu trúc theo mô hình viện đại học đa lĩnh vực để phù hợp với việc hội nhập và hợp tác quốc tế. Chỉ có “Viện” Đại học Quốc gia mới được xác định là “đa ngành, đa lĩnh vực” trong Luật Giáo dục Đại học (Điều 8) và đó là lần duy nhất từ “đa lĩnh vực” xuất hiện.
Sau khi bị các các trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Kiến trúc, Đại học Luật… ly khai năm 2000, “Viện” Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây mới dần dần mở thêm các Khoa Kinh tế, Luật, Y... để có thể trở thành “viện” đại học đa lĩnh vực thực sự.
Mô hình viện đại học đa lĩnh vực lẻ ra cần được quy định rõ ràng trong Luật Giáo dục Đại học để tạo cơ sở pháp lý cho việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đại học và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học. Khi đó các loại trường đại học chuyên ngành như xây dựng, kiến trúc, nha y dược, luật, ngân hàng, bưu chính viễn thông… mới được sáp nhập với nhau để trở thành các trường thành viên, các khoa của các viện đại học đa lĩnh vực và không còn trực thuộc bộ chủ quản nào nữa mà chỉ chịu trách nhiệm trước công chúng, trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Khi đó các viện đại học đa lĩnh vực sẽ mang lại hiệu quả kinh tế về qui mô và về lĩnh vực (economy of scale and economy of scope), giúp phát triển vùng giao giữa các lĩnh vực (như giữa y và kỹ thuật, giữa luật và kinh tế, giữa kinh tế và kỹ thuật…) và tổ chức đào tạo các bằng đôi (double degree) giữa các lĩnh vực đó.
Cấu trúc hệ thống giáo dục đại học Việt Nam không được cải tổ như ở Trung Quốc. Trong thập niên 1990, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu một loạt nỗ lực để tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học quốc gia. Tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học trở thành một chiến lược quan trọng trong cải tổ hành chính năm 1998 của Trung Quốc. Số cơ sở giáo dục đại học cũ được sáp nhập với nhau và tái cấu trúc được tăng tốc từ 16 năm 1997 đến 177 năm 1998, 226 năm 1999 và 509 năm 2000.
Trung Quốc có kế hoạch xây dựng những viện đại học đẳng cấp thế giới bằng biện pháp cải tổ hành chánh để sáp nhập các cơ sở giáo dục đại học cũ với nhau và kết hợp với chính sách cấp ngân sách hào phóng cho những viện đại học mới có chất lượng ở tốp trên. Năm 1998 Viện Đại học Bắc Kinh và Viện Đại học Thanh Hoa được chọn làm hai viện đại học hàng đầu. Năm 1999 có thêm 7 viện đại học hàng đầu nữa.
Năm 2001 và trong vài năm sau đó có thêm 30 viện đại học nữa thuộc tốp thứ hai. Đến 2004 có 420 đại học mới được tái cấu trúc bằng cách sáp nhập từ trên 1000 cơ sở giáo dục đại học cũ. Trung bình có 2 đến 3 cơ sở giáo dục đại học cũ được sáp nhập để thành lập một đại học mới, có trường hợp một đại học mới được thành lập từ 7 cơ sở giáo dục đại học cũ.
Bài tới: Tự trị đại học như thế nào?
Nguyễn Thiện Tống