Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam gửi kiến nghị khẩn về Luật giáo dục nghề nghiệp

02/09/2015 06:34
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 1/9, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã gứi công văn số 68/HH-VP tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khẩn về một số điều Luật giáo dục nghề nghiệp.

Trong công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,  Hiệp hội đã nêu 5 bất hợp lí ở Luật Giáo dục Nghề nghiệp do không kế thừa thực tiễn, không đảm bảo hội nhập quốc tế và làm biến dạng hệ thống giáo dục. 

Mới đây, Hiệp hội nhận được Công văn số 3876/LĐTBXH-TCDN của Bộ Lao động Thương binh và xã hội gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình về các kiến nghị của Hiệp hội do Văn phòng Chính phủ chuyển cho. 

Đọc những giải trình này, Hiệp hội hoàn toàn không thỏa mãn vì Công văn số 3876/LĐTBXH-TCDN đã hoặc né tránh những băn khoăn của Hiệp hội, hoặc cố hiểu sai những kiến nghị của Hiệp hội hoặc đưa ra những minh chứng không xác thực. 

Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam gửi kiến nghị khẩn về Luật giáo dục nghề nghiệp ảnh 1
Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: vtv.vn)

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng như sau: 

Khi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục Nghề nghiệp tại Công văn số 28/ĐKN-HH và tại công văn này, Hiệp hội đã dựa vào 2 tư liệu rất quan trọng: 

Một là, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị 8 Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. 

Hai là, phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED 2011 (UNESCO ban hành, có hiệu lực trên toàn thế giới). 

Đối chiếu các nội dung của Luật Giáo dục nghề nghiệp với những tư tưởng và những quy định cơ bản của 2 tư liệu trên, Hiệp hội thấy những giải trình của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tại Công văn số 3876/LĐTBXH-TCDN còn chưa thỏa đáng. 

Thứ nhất, trong kiến nghị Thủ tướng, Hiệp hội cho rằng coi giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân (Khoản 1 Điều 3 Luật GDNN) là không đúng mà nó chỉ là một lĩnh vực của giáo dục đào tạo, có thể hàm chứa các chương trình thuộc nhiều bậc học khác nhau

Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã không trả lời nhận xét này của Hiệp hội. Hiệp hội không phản đối về sự tồn tại của Luật giáo dục nghề nghiệp nhưng Hiệp hội kiến nghị cần hiểu cho đúng khái niệm “giáo dục nghề nghiệp” và phải xem đó chỉ là một lĩnh vực giáo dục đào tạo, không phải là một bậc học, cho phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Nếu được hiểu như vậy chắc chắn những người soạn thảo GDNN đã không cố kéo toàn bộ cấp độ Cao đẳng (vốn thuộc bậc giáo dục Đại học) về “bậc” giáo dục nghề nghiệp đến nỗi hàng trăm trường Cao đẳng chuyên nghiệp không kịp được thông báo và lấy ý kiến trước khi Quốc hội họp, cũng không đến nỗi khiên cưỡng đưa vào các điều 76 và 77 để làm cho hệ thống giáo dục quốc dân (hệ thống giáo dục “mẹ”) cũng như Luật giáo dục bị xáo tung lên. 

Những ai đã đọc Luật Giáo dục, sau khi đã sửa lại theo điều 76 Luật GDNN đều có nhận xét rằng Luật đó đã trở nên lộn xộn, mất đi hoàn toàn tính chặt chẽ vốn có của nó. 

Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam gửi kiến nghị khẩn về Luật giáo dục nghề nghiệp ảnh 2

Chuyên gia chỉ ra những nhầm lẫn trong Luật giáo dục nghề nghiệp

(GDVN) - TS. Lê Viết Khuyến qua đọc và tìm hiểu kĩ đã phát hiện ra một số điều nhầm lẫn về nội dung trong Luật giáo dục nghề nghiệp vừa mới được Quốc hội thông qua.


Thứ hai, theo ISCED 2011 của UNESCO thì “các cấp độc giáo dục phải được thiết kế theo trình độ học vấn đề đảm bảo tính liên thông giữa các trình độ với nhau”.

Tuy nhiên theo Luật GDNN (Khoản 1, Điều 3) “bậc” giáo dục nghề nghiệp có 3 trình độ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Trong đó 2 trình độ đầu được thiết kế theo tiêu chí tay nghề (không càn trình độ học vấn đầu vào, không tương đương với các cấp độ của ISCED 2011), còn trình độ Cao đẳng lại được thiết kế theo tiêu chí học vấn (phải có bằng THPT hoặc tương đương). 

Do đó, “sẽ không có sự liên thông giữa các trình độ trong “bậc” GDNN”. Đây là điều khác lạ với thông lệ quốc tế tại ISCED 2011 và trái với tinh thần ở Nghị quyết 29 (Điểm 5, Mục I, Phần B).

Để bảo đảm tính nhất quán giữa các trình độ đào tạo theo cùng một tiêu chí tay nghề nên trong Luật GDNN có thể thay trình độ “cao đẳng” bằng trình độ “cao cấp”. 

Còn trình độ cao đẳng (vốn được thiết kế theo tiêu chí học vấn) nên trả lại bậc giáo dục đại học (với các cấp độ cao đẳng, cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ) như ở ISCED 2011 hoặc Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học (trước khi bị Luật GDNN sửa). 

Thứ ba, theo ISCED 2011, theo tiêu chí học vấn (để đảm bảo liên thông) hệ thống giáo dục quốc dân được thiết kế thành 9 cấp độ: giáo dục mầm non (0), Tiểu học (1), trung học bậc thấp (2), trung học bậc cao (3), trung cao – sau trung học, dưới đại học (4), cao đẳng (5), cử nhân (6), thạc sỹ (7) và tiến sỹ (8). 

Nét đặc biệt (mà Luật GDNN quên không tính đến) là ở các cấp độ từ 2 đến 4 tách thành hai luồng: phổ thông (general) và nghề (vocational). Các cấp độ từ 5 đến 8 tách thành hai luồng: hàn lâm (academic)và chuyên nghiệp (professional)

Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam gửi kiến nghị khẩn về Luật giáo dục nghề nghiệp ảnh 3

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phớt lờ Bộ Giáo dục và Đào tạo?

(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không biết hay đang cố lờ đi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Các luồng khác nhau có nhiều mục tiêu đào tạo và cấu trúc nội dung khác nhau. Do đó, không thể gom tất cả các luồng ở cấp độ cao đẳng (hàn lâm, chuyên nghiệp và nghề) thành một luồng nghề nghiệp duy nhất như ở Luật GDNN). 

Thứ tư, quy định người tốt nghiệp cao đẳng được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành tại Khoản 1, Điều 38 Luật GDNN là sai.

Tại công văn số 3876/LĐTBXH-TCDN của Bộ Lao động Thương binh và xã hội có biện dẫn tại Đức người tốt nghiệp các trường Hochschule và Fachhochschule vẫn được cấp bằng kỹ sư thực hành nhưng những trường đó là trường đại học (cùng với Universitat), chứ không phải đó là các trường cao đẳng như Bộ Lao động Thương binh và xã hội nhầm lẫn (trường Cao đẳng là Fachschule). 

Kiến nghị của Hiệp hội: 

1.Qua những ý kiến đã trình lên Thủ tướng tại công văn trước đây cũng như tại công văn này, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng những sai sót ở Luật GDNN là quá rõ và nghiêm trọng, cần sớm được Chính phủ trình Quốc hội sửa.

Theo Hiệp hội, việc sửa càng sớm càng tốt vì để lâu tác hại sẽ càng lớn và càng khó sửa, do đây là lỗi hệ thống. 

2. Do Luật GDNN vừa ban hành mới chỉ bao quát được khu vực giáo dục nghề (hay dạy nghề) và hoàn toàn chưa đề cập tới khu vực giáo dục chuyên nghiệp nên để bảo toàn hầu hết nội dung của Luật này, cách tốt nhất là đổi tên Luật GDNN thành Luật giáo dục nghề, sửa cụm từ “nghề nghiệp” thành từ “nghề” và bỏ đi các điều 76, 77 để trả các Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học trở lại như cũ. 

Trường hợp nếu vẫn giữ nguyên tên gọi “Luật GDNN” thì cần phải bổ sung thêm rất nhiều nội dung, chủ yếu liên quan đến khu vực giáo dục chuyên nghiệp vào Luật này.

Trong trường hợp này vẫn cần phải bỏ đi các Điều 76 và 77 nếu hiểu rằng giáo dục nghề nghiệp không phải là một bậc học mà là một lĩnh vực của giáo dục và đào tạo nên không ngại sự trùng lặp nội dung của các luật đó. 

Trước đó, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng đã có bản kiến nghị lần thứ nhất về những bất cập trong Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 3334, ngày 12/5/2015 gửi các Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng về kiến nghị trên của Hiệp hội.

Nội dung Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đã được nhiều chuyên gia phân tích, chỉ rõ những hạn chế, bất cập cần sớm được điều chỉnh. Độc giả có thể xem tại đây.

Thùy Linh