Giáo viên đề nghị thay đổi học bạ nhận xét theo Thông tư 30

09/09/2016 08:01
Phan Tuyết
(GDVN) - Những cuốn học bạ không được đề cập để điều chỉnh cũng là một sự thiếu sót cần được xem xét lại.

LTS: Góp ý sửa đổi, điều chỉnh Thông tư 30 với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng giảm gánh nặng hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, cô giáo Phan Tuyết đã đưa ra quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới giảm gánh nặng về hồ sơ sổ sách cho giáo viên nhưng việc những cuốn học bạ vẫn không được đề cập để điều chỉnh cũng là một thiếu sót cần được xem xét.

Nếu so với những cuốn học bạ cũ của những năm về trước thì học bạ mới theo Thông tư 30 khá rườm rà. Mỗi học sinh có 4 trang để giáo viên ghi các thông tin, chỉ tính họ tên, năm học, lớp, trường cũng được ghi lập lại đến hai lần chỉ trong một năm học.

Thay chấm điểm bằng nhận xét học sinh tiểu học dù là một chủ trương đúng (Ảnh: thanhnien.vn).
Thay chấm điểm bằng nhận xét học sinh tiểu học dù là một chủ trương đúng (Ảnh: thanhnien.vn).

Học bạ chia làm 3 phần:

Phần 1 (các môn học và hoạt động giáo dục, phần này tích hợp điểm số, nhận xét về các môn học, các hoạt động giáo dục), phần này tương đối giống với học bạ cũ.

Phần 2, 3 (là lời nhận xét về năng lực và phẩm chất của học sinh), đây là điểm mới so với học bạ trước đây, phần này dài dòng, vô bổ và không cần thiết.

Nói là dài dòng vì trong từng phần của năng lực, phẩm chất có các tiêu chí rất nhỏ như về năng lực yêu cầu giáo viên nhận xét theo 3 ý:

Ý 1: là tự phục vụ, tự quản

Ý 2: Giao tiếp, hợp tác

Ý 3: Tự học và tự giải quyết vấn đề.

Về phẩm chất, giáo viên phải nhận xét theo 4 ý:

Ý 1: Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục.

Ý 2: Tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm.

Ý 3: Trung thực, kỉ luật, đoàn kết.

Ý 4: Yêu gia đình, bạn bè và những người khác.

Cuối học kì 1 giáo viên ghi học bạ và cuối năm học cũng ghi lại những điều này.

Nói là dài dòng, vô bổ và không cần thiết vì học bạ do giáo viên chủ nhiệm ghi lời nhận xét, Ban giám hiệu kí duyệt và lưu tại trường suốt 5 năm học. Bởi thế những lời nhận xét của giáo viên, chính cha mẹ và các em học sinh cũng không bao giờ được đọc.

Vậy ghi chi tiết, nhiều như thế có ích gì? Đó là chưa nói đến việc nhiều tiêu chí về phẩm chất khá trừu tượng với những học sinh mới độ tuổi lên 6, 7 tuổi cũng như khá khó khăn khi giáo viên phải ghi nhận xét từng em theo những yêu cầu này.

Cụ thể, tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm hay yêu gia đình, bạn bè và những người khác, thế nên mới có chuyện hầu như em nào cũng được nhận xét giống nhau.

Từ thực trạng trên, xin có một số kiến nghị:

Giáo viên đề nghị thay đổi học bạ nhận xét theo Thông tư 30 ảnh 2

Giáo viên góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 của Bộ

Cuối học kì, cuối năm giáo viên thường in bảng tổng hợp những nhận xét về học sinh cho phụ huynh xem để biết được việc học tập và rèn luyện của các em trên trường.

Bởi thế, cuốn học bạ chỉ có giáo viên chủ nhiệm nhận xét lưu hồ sơ làm cơ sở cho giáo nên năm học tới có thể tham khảo.

Bởi thế học bạ cần được thiết kế gọn nhẹ khoảng 2 trang cho cả năm học như trước đây. Phần các môn học và hoạt động giáo dục để nguyên nhưng các phần năng lực, phẩm chất chỉ nên đánh giá là “Đạt” hoặc “Không đạt” là được.

Hiện nay, các trường học trong cả nước đang lấy ý kiến của giáo viên về việc sửa đổi Thông tư 30, vì thế trước những tồn tại của cuốn học bạ cũng rất cần được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế giảng dạy.

Phan Tuyết