Giao hết cho các trường tự chủ
Việc nở rộ chương trình ngoại ngữ liên kết trong thời gian qua ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội dẫn tới tình trạng một học sinh học hai chương trình ngoại ngữ.
Trường tiểu học Nam Thành Công nơi triển khai chương trình dạy ngoại ngữ liên kết (ảnh Trinh Phúc). |
Trong khi phụ huynh tin tưởng, giao phó con cho nhà trường thì công tác đánh giá dạy và học ngoại ngữ đang tồi tại nhiều vấn đề.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có thể thấy, từ đầu năm học các trường tiểu học lập đề án liên kết với một chương trình ngoại ngữ đã được Sở cấp phép.
Sau khi lập đề án, các trường tiến hành báo cáo lên Phòng Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, Phòng sẽ tiến hành báo cáo lên Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội.
Khi được Sở chấp thuận, các trường tiểu học được quyền tự chủ triển khai theo đề án đã được duyệt.
Cuối năm học, các trường tiểu học lại tiếp tục thực hiện báo cáo kết quả lên Phòng Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, Phòng báo cáo lên Sở.
Việc thanh kiểm tra công tác giảng dạy liên kết ngoại ngữ gần như phó mặc hoàn toàn cho nhà trường tự quản lý và đánh giá.
Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội |
Thầy Nguyễn Văn Q. (một thầy giáo ở Hà Nội đề nghị giấu tên) cho rằng:
“Chương trình nào cũng có đặc trưng riêng, không giống nhau.
Việc đánh giá, so sánh chất lượng giữa các chương trình hiện nay gần như không thể”.
Cô D. Hiệu trưởng một trường tiểu học (xin phép được giấu tên) chia sẻ:
“Quá trình đánh giá, không có chuyện sai lệch về kết quả dạy học ngoại ngữ giữa chương trình của Bộ và chương trình tiếng Anh liên kết.
Em nào năng lực học tập ở chương trình chính khóa tốt thì sẽ có kết quả tốt ở chương trình tiếng Anh liên kết”.
Bảng đánh giá năng lực của một học sinh khi tham gia jọc một chương trình tiếng Anh liên kết (ảnh Trinh Phúc). |
Không chỉ việc giám sát quá trình thực hiện chương trình, mà việc giám sát đánh giá chất lượng giáo viên hiện còn tồn tại nhiều bất ổn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, công tác đánh giá chất lượng giờ dạy của những giáo viên người nước ngoài và những giáo viên người Việt trong chương trình liên kết đang rất mơ hồ.
Cô giáo Nguyễn T.H, một giáo viên dạy ngoại ngữ tiết lộ:
“Mỗi tiết học ngoại ngữ liên kết có sự tham gia của giáo viên người nước ngoài và một giáo viên ngoại ngữ người Việt.
Thường giáo viên ngoại ngữ công tác tại trường được các trung tâm liên kết mời tham gia làm trợ giảng trong chương trình liên kết.
Do đó, giáo viên người nước ngoài dạy như thế nào đều được phản ánh kịp thời".
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Việc Hiệu trưởng các trường tự quyết định liên kết với chương trình nào, giáo viên trong trường được chia lợi ích (các trung tâm sẽ trả tiền thù lao trong việc trợ giảng) dẫn tới công tác kiểm tra, đánh giá, phản biện luôn trong tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Nhiều trường tiểu học, thậm chí việc giảng dạy còn phó mặc hoàn toàn cho các giáo viên do trung tâm liên kết giảng dạy.
Cô H., Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai (xin giấu tên) chia sẻ rằng:
"Đúng là chuyên môn ngoại ngữ của Ban Giám hiệu chưa thực sự tốt nên việc đánh giá công tác dạy và học tiếng Anh liên kết rất khó khăn.
Trường tôi có tiến hành liên kết dạy tiếng Anh với bên ngoài nhưng việc dạy và học hoàn toàn do giáo viên của trung tâm cử đến".
Trong khi dạy liên kết tiếng Anh phó mặc cho nhà trường quản lý nhưng trình độ quản lý của trường không đáp ứng với thực tế.
Việc giáo viên của các trung tâm cử đến giảng dạy chất lượng đến đâu đang là dấu hỏi lớn.
Học sinh Trường tiểu học Võ Văn Hát phải học 2 tiết tiếng Anh bản ngữ mỗi tuần |
Trên website của một trung tâm có chương trình liên kết ngoại ngữ đang triển khai ở Hà Nội đăng tải tuyển giáo viên.
Yêu cầu, có trình độ Cao đẳng, Đại học ngoại ngữ và có chứng chỉ sư phạm.
Đối với giáo viên người nước ngoài, yêu cầu có giấy phép lao động ghi rõ là chuyên gia giảng dạy tiếng Anh do Sở Lao động, Thương Binh & Xã hội cấp.
Trong khi nguồn giáo viên tiếng Anh cho học sinh tiểu học đang thiếu thì các trung tâm ngoại ngữ luôn đáp ứng được mọi nhu cầu về số lượng giáo viên giảng dạy.
Chị Trần Thu H. làm truyền thông cho một trung tâm ngoại ngữ có chương trình được cấp phép tiết lộ:
“Việc chọn lựa và huấn luyện giáo viên người nước ngoài cho chương trình tiếng Anh liên kết được tiến hành rất mau lẹ.
Sau khi được tuyển chọn, các giáo viên người nước ngoài sẽ được tham gia khóa đào tạo hai ngày về một số kỹ năng giao tiếp với trẻ em Việt Nam.
Xong lớp huấn luyện, các giáo viên này sẽ được bố trí đi giảng dạy tại các trường tiểu học”.
Trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, ông Phạm Gia Hữu chia sẻ:
“Trên địa bàn quận Thanh Xuân có nhiều chương trình tiếng Anh liên kết.
Mỗi chương trình ngoại ngữ liên kết đều có phương pháp khác nhau.
Để một chương trình vào trường học nào đó là chủ động của Hiệu trưởng các trường, Phòng không can thiệp.
Vào cuối năm học, phụ huynh bỏ phiếu đánh giá chương trình học.
Nếu có những thắc mắc hay tín nhiệm thấp thì chương trình đó sẽ được thay thế.
Tuy nhiên, đến nay việc dạy và học ngoại ngữ liên kết chưa xuất hiện tình trạng chương trình nào bị thay thế cả”.
Câu chuyện, từ chất lượng chương trình đến chất lượng giảng dạy luôn ở một khoảng cách quá xa.
Trong khi Sở Giáo dục & Đào tạo cấp phép căn cứ chủ yếu dựa vào nội dung chương trình và báo cáo từ cấp dưới thì việc học thực, dạy thực vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.