Có ai quên “Vì nhân dân quên mình”?

16/04/2017 06:20
Đất Việt
(GDVN) - Không thể chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là lời nói, hãy hành động, hãy chứng minh chúng ta có rất rất nhiều người con, người cán bộ vì nhân dân quên mình.

LTS: Tác giả Đất Việt chia sẻ quan điểm cá nhân về một xã hội do dân vì dân, trong đó, mỗi cán bộ đều hết lòng phục vụ nhân dân quên mình như lời bài hát "Vì nhân dân quên mình".

Tác giả cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ nhà nước luôn sẵn sàng vì nhân dân, vì đất nước Việt Nam không chỉ bằng khẩu hiệu mà còn bằng hành động thực tế.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Có lẽ trong một thời gian rất dài, những thế hệ già đến thế hệ 7x đều thuộc lòng bài hát “Vì nhân dân quên mình”…

Với cá nhân tôi, có lẽ cũng vì có cái loa phường hát suốt ngày đêm nên biết và thuộc bài hát này.  

Tôi hiểu rất đơn giản là đất nước này là của nhân dân, tất cả các cơ quan nhà nước và cán bộ đều là người phục vụ nhân dân, và có lẽ đây là lý tưởng của một xã hội mà chúng ta phải phấn đấu hơn 70 năm để nỗ lực tiếp cận đến.

Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln cũng từng nói “Chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân và vì nhân dân sẽ trường tồn mãi mãi”.
Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln cũng từng nói “Chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân và vì nhân dân sẽ trường tồn mãi mãi”.

Khi sang Mỹ học, tôi biết khái niệm “Vì dân, do dân và của dân” được cấu trúc khá rõ nét qua những hệ thống tam quyền phân lập, giám sát của dân thông qua báo chí và các cơ quan đại diện nhân dân, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp hoạt động độc lập với các cơ quan nhà nước. 

Hệ thống thực thi pháp luật của Mỹ có thể coi là một mô hình tốt trên thế giới, nó đảm bảo nguyên tắc "Không ai đứng trên pháp luật" và buộc tất cả mọi người phải tuân thủ pháp luật ở mọi nơi mọi chỗ.  

Việc bạn không trung thực khi khai gian thuế, khi cán bộ nhà nước có nguy cơ gây ra mâu thuẫn quyền lợi của vị trí công tác, khi các hoạt động không vì quyền lợi của nước Mỹ, tất cả đều sẽ được xử lý chặt chẽ.

Mỹ không có sợ “Kỷ luật hết, lấy ai làm việc”. 

Nếu bạn không có đạo đức để thực thi chức phận cán bộ nhà nước, bạn không có năng lực thực thi công việc, bạn không nên tham gia vào hệ thống công chức và chính quyền nhà nước. 

Người giàu ngày nay, họ là ai?

Bởi đây là hệ thống xác định việc “phụng sự” nhân dân, đất nước, chứ không phải là nơi để mọi người khai thác vị trí, quyền lực để mưu lợi cá nhân cho gia đình, cho họ hàng và cho quê hương địa phương mình.

Khi tôi nghe đi nghe lại bài hát “Vì nhân dân quên mình”, lời bài hát thật giản dị, nó nói rõ một chân lý từ bao năm nay mà các lãnh đạo chính phủ Việt Nam đã xác lập từ khi thành lập.  

Nó không hề khác với nguyên tắc “Vì dân, do dân, và của dân” của Mỹ. Nó không hề khác với những nguyên tắc của một hệ thống dân chủ lấy nhân dân làm trọng.

Vậy chúng ta hôm nay thế nào? Mới quay đi quay lại, chúng ta cứ tự hào về những quá khứ trong chiến tranh, nhưng mức độ suy giảm “niềm tin” của nhân dân với cán bộ thì thực đáng ngại.

Cán bộ chúng ta có người vi phạm nghiêm trọng pháp luật, từ bổ nhiệm cán bộ đến tham nhũng, lợi dụng chức vụ kiếm chác, tạo dựng những vụ thất thoát lớn cho ngân sách và đẩy các khoản nợ nước ngoài lên cao. 

Chỉ trong vài năm, tỷ lệ nợ nước ngoài chia trên đầu người ở Việt Nam tăng đột biến, lên gần 2.000 đô la Mỹ/ một người dân với gần 90 triệu người dân Việt Nam hiện nay.  

Một lãnh đạo của Việt Nam đã phải thốt lên “Ăn của dân không từ một cái gì”, thì bảo nhân dân còn gì mà sống?

Có ai chịu trách nhiệm về những khoản nợ nước ngoài, về thâm hụt ngân sách, về những dự án thua lỗ chục ngàn tỷ đồng ấy? 

Có ai quên “Vì nhân dân quên mình”? ảnh 3

“Quy trình cãi...”

Có cán bộ nào, đẩy nhân dân vào vai người gánh nợ, vào tình trạng không đất đai, không có tương lai, mà vẫn tự hào là mình đang “phụng sự” nhân dân, mình vẫn đang là cán bộ tốt, cán bộ tử tế?

Nước Mỹ hiện tại cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cho cơ chế “Vì dân, do dân và của dân” mà các nhà sáng lập nên nước Mỹ đã ghi vào Hiến pháp. “Nhân dân” Mỹ đã giám sát rất chặt việc các ban lãnh đạo đất nước đang làm gì.  

Chúng ta hãy nhìn đến một ví dụ đơn giản, là tất cả cán bộ của chính phủ đều phải ra điều trần và chứng minh năng lực trước Quốc hội. 

Bất kỳ vấn đề gì có câu hỏi, có nghi vấn, dù từ cuộc gặp với nhân viên nước ngoài hay lợi dụng chức vụ để quảng cáo hay kiếm chác cho bản thân và gia đình, thì dù là Tổng thống Mỹ và gia đình của ông, vẫn sẽ được những cơ quan giám sát đặc biệt điều tra và báo cáo Quốc hội.  

Giám đốc FBI hay An ninh quốc gia cũng phải ra điều trình công khai trước Quốc hội và công khai cho toàn dân nắm bắt thông tin…

Mỹ và cấu trúc tam quyền phân lập vẫn luôn phải nỗ lực để hoàn thiện hệ thống của mình, trong quá trình đấu tranh chống lại sự lũng đoạn quyền lực của chính quyền được điều chỉnh bởi các tập đoàn lợi ích, bởi các tổ chức “lobby” chính phủ, bởi những lợi ích nhóm đứng đằng sau tất cả những bề nổi thông tin mà chúng ta vẫn đang được nghe nhìn.  

Có ai quên “Vì nhân dân quên mình”? ảnh 4

“Chống lạm dụng quyền lực phải làm từ trên xuống dưới”

Nhưng nếu hỏi tôi một điều chúng ta cần trân trọng ở Mỹ, đó là quyền được tự do phát biểu và yêu cầu bất kỳ cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước phải giải trình về những việc họ đã làm (trong quá khứ), đang làm và sẽ làm… nhằm đảm bảo rằng đã là chính phủ, đã là cán bộ nhà nước, bạn phải phục vụ nước Mỹ và nhân dân Mỹ. 

Bất kỳ điều gì trái với điều này, bạn sẽ “lên đường” và thậm chí, luận tội, dù là Tổng thống, cũng đã có quy định sẵn trong quy trình quản lý cán bộ của Mỹ.

Tôi mong là dù bao nhiêu khó khăn trước mặt, “Vì nhân dân quên mình” không chỉ là bài hát, mà nó phải là một điều nằm lòng, trong trái tim và tư tưởng của tất cả các cán bộ đang ăn lương của nhân dân Việt Nam.  

Không thể chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là lời nói, hãy hành động, hãy chứng minh chúng ta có rất rất nhiều người con, người cán bộ vì nhân dân quên mình.

Hành động và kết quả về đời sống tốt đẹp hơn của nhân dân sẽ chứng minh điều mà chúng ta tin tưởng, hãy vì nhân dân Việt Nam, vì đất nước Việt Nam.

Đất Việt