Chuyên gia nêu 5 giải pháp phát triển học liệu mở

14/04/2018 06:31
Thùy Linh
(GDVN) - Phát triển tài nguyên giáo dục mở một cách bền vững chính là cơ sở để thúc đẩy cho học liệu mở phát triển đáp ứng nhu cầu giáo dục trong hội nhập mới.

Phát triển hệ thống học liệu theo hướng mở, khai thác tài nguyên giáo dục mở là một trong những giải pháp cần thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW để giáo dục đại học Việt Nam theo kịp các nước trên thế giới.

Qua nghiên cứu, Tiến sĩ Đậu Mạnh Hoàn – trường Đại học Quảng Bình nhận định: “Phát triển tài nguyên giáo dục mở một cách bền vững chính là cơ sở để thúc đẩy cho học liệu mở phát triển đáp ứng nhu cầu giáo dục trong hội nhập mới”. 

Được biết, tài nguyên giáo dục mở (tiếng Anh là: Open Educational Resources, viết tắt là OER) được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2002 với mục đích là cung cấp  và chia sẻ tài nguyên thông tin trong giáo dục, sử dụng và sử dụng lại kiến thức phục vụ trong giáo dục.

OER đã áp dụng các nguyên tắc công khai - đặc biệt là quyền tự do sử dụng kho dữ liệu số đã được tích lũy và qua đó người dùng có thể nghiên cứu và điều chỉnh để mang lại lợi ích mới mà không hạn chế khả năng người khác sử dụng chúng

Hàng triệu tài liệu khoa học sẽ được tìm thấy ở Điểm truy cập mở thông tin khoa học và công nghệ quốc gia. (Ảnh minh họa: Vietnam+)
Hàng triệu tài liệu khoa học sẽ được tìm thấy ở Điểm truy cập mở thông tin khoa học và công nghệ quốc gia. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Có thể nói tài nguyên giáo dục mở đã mở ra một trang mới cho giáo dục, phá vỡ giáo dục truyền thống, kích thích nhiều phương pháp dạy học khác phát triển, thông qua OER để tiếp cận nhanh nhất, tốt nhất những tri thức của nhân loại.  

OER đã trở thành một công nghệ dạy học mở sáng tạo và khai thác một cách hiệu quả về tài nguyên thông tin giáo dục sẳn có để nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn lực đó. 

Theo đó, Tiến sĩ Đậu Mạnh Hoàn tập hợp đưa ra một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển học liệu mở thông qua tài nguyên giáo dục mở

Thứ nhất, khai thác nguồn học liệu mở bằng kỹ thuật khai phá dữ liệu

Tài nguyên giáo dục mở phát triển qua hệ thống các học liệu mở, đặc biệt là các dịch vụ số trên môi trường internet. 

Chuyên gia nêu 5 giải pháp phát triển học liệu mở ảnh 2Giáo dục mở theo nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu gồm 10 chiều đo

Do đó, việc sử dụng công nghệ luôn là phương pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả công việc. 

Thứ hai, đào tạo giáo viên sử dụng và sản xuất tài nguyên giáo dục mở bằng phương pháp đào tạo trực tuyến
 
Có thể nói đào tạo giáo viên sử dụng và sản xuất OER bằng con đường đào tạo trực tuyến được xem là một cách tiếp cận nhanh nhất để đào tạo giáo viên tiếp thu được công nghệ từ đó tiếp tục sản xuất ra OER và chính điều này sẽ là giải pháp khắc phục việc thiếu chuyên gia đào tạo về OER trong thời điểm hiện nay ở nước ta.

Thứ ba, nâng cao vai trò của giáo viên trong sử dụng và sản xuất tài nguyên giáo dục mở 

Trong nghiên cứu của Hylén (2009), đã chỉ ra rằng nhiều trường đại học đã sử dụng giảng viên của mình để sản xuất tài liệu của họ và qua đó phát triển người dùng. 

Nghiên cứu đã chỉ ra giáo viên là người khai thác và sử dụng chính của bất kỳ nội dung hoặc tài nguyên giáo dục nào, giáo viên là nhân tố quan trọng, cốt lõi để thúc đẩy và tạo điều kiện cho quá trình thích ứng và khai thác sử dụng tài nguyên giáo dục mở. 

Chính vì vậy cần nâng cao vai trò của giáo viên trong việc sử dụng và sản xuất OER. 

Chuyên gia nêu 5 giải pháp phát triển học liệu mở ảnh 3Ba chiến lược để phát triển giáo dục mở tại Nam Phi

Để giải pháp này thành công thì cần rất nhiều nỗ lực của các cấp thuộc ngành giáo dục với các mức độ khác nhau nhằm kích thích, động viên đội ngũ giáo viên phát huy hết vai trò của mình trong sử dụng và sản xuất OER.

Thứ tư, giải quyết vấn đề bản quyền

Một trong những khó khăn lớn nhất của việc quá trình sản xuất tài nguyên giáo dục mở đó là vấn đề pháp lý trong quyền sở hữu trí tuệ.

Vấn đề này trên thế giới đã có nhiều giải pháp nhưng đối với nước ta đang còn là một thách thức lớn và trở thành rào cản phát triển phong trào sản xuất tài nguyên giáo dục mở. 

Đối với tài nguyên giáo dục mở nguồn tài liệu trước khi xuất bản đều phải tuân thủ theo các quy định pháp lý được ghi rõ ràng trong giấy phép xuất bản Creative Commons. 

Trong thời gian qua đã có nhiều bài viết trong các hội thảo đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề này, tuy nhiên trên cơ sở văn bản hành chính thì đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào của Nhà nước ban hành theo hướng giấy phép bản quyền mở. 

Chính vì vậy các tổ chức giáo dục cần có kiến nghị, đề xuất lên các cấp cao hơn để có được một văn bản pháp lý chính quy tạo nền tảng và hành lang pháp lý cho tài nguyên giáo dục mở phát triển một cách bền vững.

Thứ năm, đề xuất mô hình tạo lập và khai thác học liệu mở tại các trường đại học Việt Nam

Cần sớm xây dựng mô hình tổ chức và khai thác OER trên hệ thống các trường đại học một cách thống nhất. Triển khai đại trà và nhân rộng mô hình khắp cả nước. 

Có như vậy OER mới phát triển và theo kịp thế giới đồng thời đảm bảo tính bền vững, qua đó OER thực sự nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của nước ta hiện nay.

Và chính những sản phẩm cuối của giáo dục sẽ mang lại tối đa lợi ích của xã hội, làm thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển. 

Thùy Linh