Ngày 3/5, Ban phát triển các chương trình môn học báo cáo kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, kết quả được ban xây dựng đưa ra sau 1 tháng thực nghiệm chương trình các môn học tại một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ - đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước.
Mỗi vùng chọn 1 tỉnh, mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông đại diện cho các địa bàn phát triển khác nhau để thực nghiệm.
Thầy Thuyết cho rằng, các thầy cô ở bậc tiểu học tích cực trong việc đổi mới hơn, các thầy cô các lớp càng cao thì điều này càng có xu hướng giảm (Ảnh: Thùy Linh) |
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, thời gian triển khai thực nghiệm cho thấy một số tiết học thành công, một số tiết thất bại.
Những tiết học thành công do 3 yếu tố, trong đó thầy cô có phương pháp dạy học mới, nắm vững được nội dung vấn đề, bài soạn vừa đủ thời lượng nên không quá tải.
“Ví dụ, bài dạy thực nghiệm Lịch sử và Sử học, một chủ đề mới được coi là khô và khó trong chương trình Lịch sử lớp 10, dạy ở Trường Trung học phổ thông số 2 thành phố Lào Cai được đánh giá là rất thành công”, ông Thuyết cho hay.
Ngoài ra, thầy và trò các trường đều tích cực hưởng ứng bài thực nghiệm.
Chương trình môn học đã xác định đúng phẩm chất và năng lực học sinh.
Phần lớn bài học thực nghiệm xác định đúng những yêu cầu cần đạt, chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác của học sinh.
Tuy nhiên thầy Thuyết cũng thừa nhận, mặt hạn chế của chương trình mới là một số yêu cầu còn cao so với trình độ của học sinh, nội dung nhiều bài thực nghiệm tương đối khó.
Có bài vẫn nặng về trang bị kiến thức.
Dung lượng của một số bài chưa phù hợp thời lượng dạy học.
Việc bố trí nhiều đơn vị kiến thức trong một bài học không tạo điều kiện cho học sinh thực hiện hoạt động khám phá, luyện tập và vận dụng kiến thức vào đời sống.
"Sau khi thực nghiệm, thành viên ban soạn thảo đã chỉnh sửa chương trình hoàn chỉnh và nhẹ nhàng cho học sinh", thầy Thuyết khẳng định.
Qua đánh giá chung, thầy Thuyết cho rằng, các thầy cô ở bậc tiểu học tích cực trong việc đổi mới hơn, các thầy cô các lớp càng cao thì điều này càng có xu hướng giảm.
“Không phải vì họ không có hay thua kém về năng lực đổi mới mà ở các lớp học, bậc học càng cao, giáo viên càng chịu nhiều sức ép từ các kỳ thi đã gây hạn chế cho việc đổi mới trong dạy học”, ông Thuyết lý giải.
Mời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trực tiếp hỗ trợ giáo viên về chương trình mới |
Chia sẻ với phóng viên, bà Ngô Thị Hồng Liên - Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông Tây Hồ, Hà Nội, cho hay trường có 24 giáo viên dạy thực nghiệm ở 12 bộ môn, gần 3.400 học sinh tham gia.
Chương trình giáo dục phổ thông giảm lý thuyết hàn lâm, tăng kiến thức thực hành, nhất là hướng đến giải quyết các vấn đề của học sinh.
Đó là điều mà thực tế các trường rất muốn đưa vào chương trình chính thức nhưng không có thời lượng.
Tuy nhiên, sau khi thực nghiệm, các giáo viên sau tập huấn cũng than phiền vẫn có những nội dung còn khó, nặng.