Điểm sàn khối ngành sư phạm cao, phân loại tốt, nhưng cũng ...hơi lo

29/07/2018 06:43
Trương Lê
(GDVN) - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn cho các ngành sư phạm, nhiều trường đã khá lo lắng với mức điểm này đặc biệt là các ngành năng khiếu.

Điểm sàn cao giúp phân loại được thí sinh

Ngày 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm sàn cho các khối ngành sư phạm với phổ điểm 17 cho các tổ hợp xét tuyển 3 môn.

So với mọi năm thì năm nay Bộ đưa ra mức điểm sàn khá cao so với mọi năm (15-15,5 điểm), điều này đã khiến cho các trường sư phạm khá lo lắng, đặc biệt là khối ngành sư phạm năng khiếu.

Điểm sàn sư phạm khá cao khiến nhiều trường Đại học có đào tạo chuyên ngành này lo lắng không tuyển đủ thí sinh. Ảnh: TL
Điểm sàn sư phạm khá cao khiến nhiều trường Đại học có đào tạo chuyên ngành này lo lắng không tuyển đủ thí sinh. Ảnh: TL

Những năm trở lại đây nhiều ngành năng khiếu của Đại học Huế gặp khó trong việc tuyển sinh.

Để có thể tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã phải lấy điểm chuẩn ngang bằng với điểm sàn nhưng vẫn không tuyển đủ.

Năm nay, trường Đại học Nghệ thuật Huế tuyển 15 chỉ tiêu cho ngành sư phạm mỹ thuật với hai môn thi Ngữ Văn và năng khiếu.

Ngổn ngang bài toán đào tạo giáo viên và sự trì trệ của Bộ Giáo dục

Nếu như năm 2017, trường lấy điểm chuẩn với phổ điểm 15 điểm đã khá vất vả trong việc tuyển sinh thì năm nay với 17 điểm càng gặp khó hơn.

Với đặc thù riêng của mình, các thí sinh dự thi tại Khoa giáo dục thể chất - Đại học Huế chủ yếu dựa vào các môn thi năng khiếu để “vớt điểm” các môn văn hóa.

Năm nay, đề thi tương đối khó nên việc Bộ tăng điểm sàn như mọi năm sẽ là một thách thức cho các thí sinh dự thi vào khoa này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tình - Hiệu phó trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế), năm nay ngành sư phạm có 70 chỉ tiêu cho 3 ngành sư phạm tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nga.

Hàng năm, điểm chuẩn của trường này nằm trong phổ điểm từ 17-21 điểm. Với việc điểm sàn cao, trường có e ngại sẽ kéo điểm chuẩn lên.

Điều này khiến các thí sinh sẽ không nộp hồ sơ vào vì ngại điểm chuẩn cao sẽ không đủ đậu.

Theo ông Tình với phổ điểm như vậy sẽ có khó khăn cho các trường sư phạm, bởi lẽ từ năm trước việc tuyển sinh sư phạm đã khó.

Tuy nhiên, việc nâng điểm sàn cho ngành sư phạm sẽ làm tăng chất lượng giáo dục cho khối ngành này.

“Vừa rồi một số trường sư phạm công bố 14 - 15 điểm, điều đó nói lên mặt bằng đầu vào quá thấp.

Mặt ưu là nâng cao chất lượng, nhưng hạn chế là các ngành sư phạm nói chung sẽ rất khó tuyển sinh”, ông Tình nói.

Nhiều trường Đại học "bi quan" trước điểm sàn

Ông Hoàng Tịnh Bảo - Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng giáo dục Đại học Huế cho biết, theo đánh giá chung của các trường thì điểm sàn năm nay cao hơn nhiều so với mọi năm.

Ông Bảo đánh giá, việc điểm sàn tăng hơn năm ngoái rất nhiều sẽ là điều nan giải và gây tâm lý "bi quan" cho các trường vì sẽ tụt chỉ tiêu.

Miễn, giảm học phí chỉ là một phần để cầu người tài vào ngành sư phạm

Việc điểm sàn như vậy đối với trường Đại học Sư phạm Huế là điều bình thường vì là ngành đào tạo đặc thù.

Riêng đối với ngành sư phạm của Đại học Nghệ thuật Huế, nếu điểm sàn như vậy chỉ tiêu không thể đủ. Điều này dẫn đến việc trường xin với Bộ về chỉ tiêu tuyển sinh lại.

“Với phổ điểm như vậy thì hầu hết các trường sẽ lấy điểm chuẩn ngang bằng với điểm sàn.

Việc lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn cũng khó chứ đâu phải dễ vì điểm sàn quá cao, làm các trường bi quan”, ông Bảo cho biết.

Năm 2018, Đại học Huế tuyển gần 13 ngàn chỉ tiêu đại học chính quy đối với 11 trường đại học thành viên và khoa trực thuộc.

Kỳ tuyển sinh năm nay, Đại học Huế sẽ tổ chức thi tuyển với ba hình thức chính.

Cụ thể, tuyển sinh dựa vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, áp dụng cho tất cả 11 trường và khoa trực thuộc.

Phương thức thứ 2 xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 kết hợp với thi tuyển các môn năng khiếu.

Cuối cùng là xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông được áp dụng cho Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và một số ngành đào tạo của Trường Đại học Nông Lâm.

Trương Lê