Để thực hiện tự chủ đại học, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy Hội đồng trường phải có thực quyền. Vì vậy, việc củng cố vai trò, vị thế và quyền lực của thiết chế Hội đồng trường trong trường đại học là cần thiết.
Tuy nhiên, thời gian qua, thực tế cho thấy, vai trò của Hội đồng trường cũng như mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng còn nhiều bất cập.
Những nội dung này đã được đưa ra tại nhiều hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung.
Qua góp ý, Ban soạn thảo cho hay, Dự thảo Luật giáo dục đại học đã sửa đổi, bổ sung quy định một số thẩm quyền trước đây do cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng quyết định sang cơ chế Hội đồng trường quyết định; chuyển từ chế độ Thủ trưởng sang chế độ quyết nghị của tập thể, theo đó, thực hiện quyền tự chủ thuộc về tập thể hội đồng trường.
Theo Dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung thì Hội đồng trường quyết định hướng phát triển trường, ban hành các quy định quan trọng của nhà trường, quyết định nhân sự hiệu trưởng ...(Ảnh minh họa dẫn từ Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh |
Cụ thể, Hội đồng trường quyết định hướng phát triển trường, ban hành các quy định quan trọng của nhà trường, quyết định nhân sự hiệu trưởng, các chính sách về phát triển hoạt động chuyên môn, cơ cấu tổ chức; chính sách nhân sự, tài chính bền vững.
Dự thảo Luật cũng thống nhất tên gọi Hội đồng trường ở trường công lập và tư thục; quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của Hội đồng trường và tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng;
Xác định rõ Hội đồng trường là tổ chức quản trị; đồng thời, phân biệt Hội đồng trường với Hội đồng đại học thông qua các quy định cụ thể về nhiệm vụ, chức năng, cơ cấu thành viên phù hợp với tính chất của từng loại hình, mô hình cơ sở giáo dục đại học.
Dự thảo quy định phù hợp hơn về các thành phần của Hội đồng trường:
+ Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, thành phần của hội đồng trường gồm các thành viên tiêu biểu trong và ngoài trường; đặc biệt, chú trọng thành phần giảng viên, lực lượng ưu tú đại diện cho cộng đồng xã hội và có sự tham gia của sinh viên, cựu sinh viên…
+ Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục, bỏ quy định bắt buộc về đại diện thành phần thuộc chính quyền địa phương tham gia hội đồng trường; hội đồng trường được quyết định nhân sự hiệu trưởng.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, thành viên hội đồng trường phải gồm các thành viên tiêu biểu trong và ngoài trường, đại diện cộng đồng xã hội, đại diện các nhà tài trợ, đầu tư xây dựng, phát triển trường.
- Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý nhà trường theo quy định của pháp luật, theo quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường và theo sự phân cấp, ủy quyền của Hội đồng trường.
Những quy định này mang tính định hướng cao, phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học trên thế giới.
Việc trao quyền tự chủ cho nhà trường thông qua Hội đồng trường cũng để bảo đảm cho hội đồng trường hoạt động hữu hiệu, từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản trong điều kiện triển khai tự chủ đại học.
- Dự thảo giữ nguyên Điều 13 về tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn thể và tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục đại học. Về việc thể chế hóa chức danh Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Bí thư Đảng ủy (theo Nghị quyết 19/NQ-TƯ) trong các cơ sở giáo dục đại học công lập nên quy định tại các văn bản hướng dẫn và trong các văn bản của Đảng sẽ phù hợp hơn đưa vào Luật.