LTS: Quy định của sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng về số lượng biệt phái viên chức đến công tác tại các phòng giáo dục không quá 30% số biên chế công chức được giao, được xem là giải pháp nhằm cắt giảm biên chế của địa phương này.
Tuy nhiên, quy định này đang gây khó khăn cho các phòng giáo dục vì không đủ người đảm đương công việc chuyên môn.
Nhiều phòng giáo dục phải tự tìm giải pháp điều động, trưng tập nhân sự để đảm bảo các hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài phản ánh về thực trạng cũng như giải pháp tạm thời tại các phòng giáo dục.
19 người “cắt” còn 8
Theo công văn số 2578/SNV-XDCQ ngày 14/9/2017 của sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng về việc biệt phái viên chức đến công tác tại phòng giáo dục, quy định số lượng biệt phái viên chức công tác tại phòng không quá 30% số biên chế công chức được giao tại phòng.
Phòng Giáo dục quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đang chật vật xoay sở vì thiếu người làm việc. Ảnh: TT |
Theo giải thích của sở này thì giáo viên đang thiếu rất nhiều nhưng biệt phái lên phòng giáo dục thì rất đông, thậm chí có nơi biệt phái tới 15-16 người.
Tuy nhiên, thực tế có phòng giáo dục áp dụng theo quy định về “biệt phái” này thì không đảm bảo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyên môn các bậc học của quận.
Điển hình như tại phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn chỉ có 7 người. Trong đó có 4 lãnh đạo và 3 chuyên viên gồm: 1 người phụ trách Kế toán, 1 người phụ trách Tổng hợp – Thi đua và 1 người phụ trách chuyên môn bậc mầm non). Không có công chức chuyên môn phụ trách bậc học tiểu học và trung học cơ sở.
“Tảng băng chìm” của biệt phái tại Hà Tĩnh |
Việc biệt phái không quá 30% (2 người) không đảm bảo cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyên môn các bậc học trên địa bàn quận;
Cũng như triển khai thực hiện đề án phát triển giáo dục và đào tạo quận Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Lâm – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trước khi có chính sách siết cán bộ biệt phái của sở Nội vụ thì phòng có 19 cán bộ quản lý, chuyên viên và giáo viên biệt phát, trong đó, số lượng biệt phái 12 người.
“Với số lượng gần 1.000 giáo viên (không kể tư thục) và trên 12.000 học sinh thì đội ngũ 19 người của Phòng giáo dục còn khó khăn trong quản lý.
Khi có quy định mới, Phòng phải trả 12 giáo viên biệt phái về trường, giờ chỉ còn 7 cán bộ mà cũng quản lý số lượng đầu việc lớn như vậy thì làm không xuể.
Trong khi số lượng đầu việc tăng lên do các trường tư thục mới ra đời, rồi đổi mới chương trình sách giáo khoa nó sẽ tác động rất lớn đến các phòng giáo dục và đào tạo nữa”, thầy Lâm cho hay.
“Không kham nổi công việc”
Tương tự, tại phòng Giáo dục quận Hải Châu (một quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng), nơi có hơn 2.700 giáo viên và 50.000 học sinh (trực thuộc quản lý của phòng) cũng đang gồng mình xoay sở trước quy định “siết” biệt phái của sở Nội vụ.
Giáo viên cấp 2 ở Hải Phòng hỏi mình bị điều động đi dạy tiểu học hay biệt phái? |
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục quận Hải Châu cho biết, hiện phòng có 13 người thuộc biên chế chính thức của phòng và 4 giáo viên biệt phái.
Với số lượng nhân sự như vậy thì phòng không thể kham hết nổi công việc quản lý chuyên môn tại 76 trường học công lập và tư thục, chưa kể 90 nhóm trẻ và trung tâm lưu trú.
“Các nhân viên trong phòng phải gồng ghánh thêm rất nhiều công việc. Nếu chỉ làm mỗi công tác văn thư, lưu trữ thì khác nhưng ở đây còn đi kiểm tra thực tế cơ sở, dự giờ… nên rất khó khăn”.
Cũng theo bà Hà, nếu như cách đây vài năm, theo quy định thì tùy theo nhu cầu công tác mà Trưởng phòng Giáo dục có quyền trưng tập, điều động hoặc tuyển thêm biên chế cho phòng. Số lượng cán bộ phòng thời điểm đó lên đến hơn 30 người.
Nếu so với công việc trước đây thì hiện tại phòng Giáo dục phải đảm đương rất nhiều việc. Ngoài lĩnh vực quản lý chuyên môn còn nhiều chủ đề khác như: tăng cường kỹ năng sống, giám sát các trung tâm lưu trú…
Trong khi biên chế thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận phân về các phòng, ban không thể phình thêm.
Tại một số phòng Giáo dục trên địa bàn Đà Nẵng, nhiều lãnh đạo ở cấp phó phòng phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực như vừa phụ trách trung học cơ sở vừa kiêm khuyến học, hoạt động ngoài giờ, cơ sở vật chất...
Trong khi chuyên viên phụ trách các lĩnh vực ở tầng bậc học cụ thể lại bị bỏ trống.
Trước việc bị siết giáo viên biệt phái, các phòng giáo dục đã đưa ra những phương án tạm thời nhằm "lấp chỗ trống" và duy trì công việc. Vấn đề này sẽ được đề cập trong số tới.