LTS: Đưa ra quan điểm cũng như mong muốn của mình về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thêm vào “Quy định về đạo đức nhà giáo” nội dung: “Không nhận quà hoặc phong bì từ phụ huynh học sinh trong các ngày Lễ, Tết”, thầy giáo Trần Vũ đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vợ, chồng bạn tôi là công nhân ở một khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh, có 2 con đi học trong năm học này.
Mỗi năm, cứ đến các ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Tết Âm lịch là hai vợ chồng bạn tôi phải lo âu, không biết nên mua quà gì tặng thầy cô, để hy vọng được thầy cô vui lòng và con mình được quan tâm chăm sóc tốt hơn.
Cháu nhỏ học tiểu học, chỉ có cô chủ nhiệm, một phần quà là đủ; còn cháu lớn học lớp 10, tổng cộng có 13 thầy cô, không lẽ chỉ tặng một mình thầy chủ nhiệm và 5 thầy cô bộ môn chính?
Thế còn cô Hiệu trưởng, thầy Giám thi và thầy cô các môn phụ khác phải tính sao đây?
Các bậc phụ huynh có nên biếu quà thầy cô giáo vào mỗi dịp lễ, tết (Ảnh minh họa: LAP). |
Đáng nói hơn, là mấy năm trở lại đây, quà tặng như: hoa, sổ tay, viết, vải quần áo…trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hoặc trà, bánh mứt… trong ngày Tết Âm lịch, nhiều thầy cô nhận nhưng không vui và không ít thầy cô thích nhận phong bì, vừa gọn nhẹ, vừa tiện lợi cho cả phụ huynh.
Thế là trong mỗi một dịp Lễ, Tết vợ chồng bạn tôi phải có ít nhất 1 phong bì cho con học tiểu học và 6 phong bì cho con học lớp 10 để gửi tặng thầy cô, mỗi phong bì ít nhất 200.000 đồng.
Không những thế, học sinh trung học phổ thông còn góp tiền mua quà tặng thầy cô dạy thêm theo nhóm, rồi thêm quà sinh nhật cho thầy cô chủ nhiệm.
Không biết thầy cô các cơ sở trường học có thấu hiểu những khó khăn của phụ huynh, khi nhận quà (phong bì) của phụ huynh hay không?
Nếu như tất cả thầy cô nói “không” với phong bì (quà tặng) trong dịp Lễ, Tết thì chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ bớt đi băn khoăn, lo lắng, mỗi khi Tết đến Xuân về hoặc đến ngày 20/11 hàng năm.
Nhất là với những phụ huynh là người lao động ở ngoại Tỉnh đến làm việc ở các khu công nghiệp, với thu nhập khoảng 4- 5 triệu đồng/người/tháng, phải thuê nhà trọ để ở như vợ chồng bạn tôi.
Ngoài sách, vở, dụng cụ học tập, quần áo phụ huynh phải mua sắm; các khoản học phí, phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, học bạ, sổ liên lạc điện tử, hội phí Ban đại diện cha mẹ học sinh… phải đóng cho nhà trường thì phụ huynh còn chi khoản học thêm của con: tiểu học 200.000 đồng/tháng, trung học phổ thông 200.000 đồng/môn/tháng với từ 4 - 5 môn học…
Lại phải chi cho khoản phong bì (quà) Tết Âm lịch, rồi quà sinh nhật, quà ngày 20/11 cho thầy cô. Quả là gánh nặng cho người lao động có con đi học hiện nay.
Tôi tự hỏi: Không biết có bao nhiêu phụ huynh, mỗi năm cứ đến ngày Lễ, Tết phải âu lo như bạn tôi?
Liệu những học sinh mà phụ huynh không có quà (phong bì) thì thầy cô sẽ đối xử ra sao?
Rồi liệu những thầy cô đó họ có nói “không” với việc phải có nhận quà (phong bì) khi phụ huynh nhờ vả để xin cho con được lên lớp, chuyển trường, chuyển lớp hay không?
Nghề dạy học là một nghề cao quý, giáo viên làm nghề này là những người được xã hội quý trọng thì dù chưa có quy định cụ thể về việc không được nhận quà (phong bì) trong “Quy định về đạo đức nhà giáo” của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhưng nếu còn có lòng tự trọng và biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, các thầy cô hãy nói “không” với quà tặng (phong bì) trong dịp Tết Âm lịch, trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và sinh nhật từ phụ huynh học sinh.
Bởi, một khi đã nhận quà (phong bì ) rồi thì thầy cô trong trường khó lòng đối xử công bằng với tất cả học sinh.
Từ năm 2016 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 11 ngày 20/12/2016 về việc tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, nêu rõ: “Nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức”.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 11/2016, Thủ tướng chính phủ yêu cầu: “Không tổ chức chúc Tết, tặng quà trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017”.
Rồi nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo cũng ra văn bản chỉ đạo yêu cầu các cơ sở trường học không tổ chức đi chúc Tết, tặng quà cho lãnh đạo các cấp.
Thế nhưng, việc không ít phụ huynh tặng quà Tết cho giáo viên, nhiều giáo viên tặng quà Tết cho Hiệu trưởng, nhiều Hiệu trưởng tặng quà Tết cho Trưởng phòng Giáo dục, cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hầu như vẫn giữ nguyên thông lệ trước đây.
Biếu quà Tết lãnh đạo huyện, chuyện kể của một cựu Hiệu trưởng |
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thêm vào “Quy định về đạo đức nhà giáo” nội dung: “Không nhận quà hoặc phong bì từ phụ huynh học sinh trong các ngày Lễ, Tết”.
Có như thế, tôi tin rằng, sẽ có thêm nhiều thầy cô trong ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt điều này, nhất là cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương.
Khi ấy mới có thể nói “không” với việc nhận phong bì (quà tặng) của phụ huynh học sinh và của cấp dưới trong dịp Lễ, Tết để nghề dạy học thật sự trong sạch đúng với bản chất của nó.
Bởi lẽ, ở điều 4 Quy định về đạo đức nhà giáo cũng chỉ nêu: “Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo”.
Do vậy, nếu nội dung trên đây được quy định cụ thể trong hệ thống văn bản của Ngành Giáo dục và Đào tạo thì cán bộ quản lý các cấp mới có cơ sở pháp lý để đánh giá, phân loại giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp (Ban hành theo Thông tư số: 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/ 8/ 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Bởi tiêu chuẩn về phẩm chất nhà giáo trong Chuẩn nghề nghiệp giáo viên có quy định: “Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo”.