Học thêm càng nhiều, gánh nặng đè lên vai phụ huynh càng lớn

23/02/2019 06:39
NHẬT DUY
(GDVN) - Ngoài kia, biết bao những phụ huynh đang xách hồ, chạy xe ôm hay tăng ca trong nhà xưởng nhằm có thể kiếm thêm tiền trang trải việc học cho con em mình!

Một điều khiến đại đa số phụ huynh chưa đồng tình đối với ngành giáo dục đó là tình trạng dạy thêm hiện nay đang được nhiều nhà trường, thầy cô giáo mở lớp để giảng dạy một cách công khai, phổ biến ở nhiều khu vực đô thị.

Chi phí học thêm ngày càng được đẩy lên cao, nội dung giảng dạy của những buổi dạy thêm không có nhiều kiến thức mới.

Học sinh có thể là học trước hoặc học lại những điều mà thầy cô giảng dạy chính khóa trên lớp. Biết là vậy nhưng phần lớn phụ huynh bây giờ không có nhiều lựa chọn.

Khi nhà trường mở lớp hay thầy cô đang dạy con mình mở lớp cũng đồng nghĩa là họ sẽ phải đồng ý cho con em mình tham gia học thêm.

Sau học chính khóa, nhiều em học sinh lại được cha mẹ tất bật đưa đến lớp học thêm (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)

Sau học chính khóa, nhiều em học sinh lại được cha mẹ tất bật đưa đến lớp học thêm 

 (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)

Một điều rất lạ là nhiều trường tổ chức dạy thêm trái buổi ở nhà trường nhưng giáo viên bộ môn vẫn tổ chức dạy thêm vào buổi tối hoặc những ngày cuối tuần ở nhà mình.

Vẫn là cô thầy đó, vẫn là học sinh của mình, đơn vị kiến thức cũng chỉ có chừng ấy trong sách giáo khoa, chỉ có những học sinh cuối cấp là luyện thêm một số đề thi mới.

Thế nhưng, một số nhà trường, giáo viên vẫn miệt mài dạy thêm, vẫn tìm được lí do để thuyết phục phụ huynh đăng ký vào đơn “tự nguyện” để học thêm ở trường và cho học thêm một lần nữa ở nhà thầy cô giáo?

Tôi hỏi một người bạn đang là giáo viên dạy môn Ngữ văn của một trường phổ thông rằng: Mỗi lớp học bây giờ có khoảng 15-20  tác phẩm văn học của chương trình chính khóa, anh dạy gì mà… kĩ vậy?

Bởi, có chừng ấy tác phẩm mà dạy chính khóa, dạy thêm ở trường, dạy ở nhà thì liệu có đi vào lối mòn và khiến học sinh chán ngán không?

Anh bạn tôi trả lời là tôi phải có cách chứ. Việc “giẫm lại chân mình” trong giảng Văn là điều không tránh khỏi.

Nhưng, ở trên lớp thì mình dạy tác phẩm, dạy thêm thì rèn cho học sinh kỹ năng làm bài. Lúc thì hướng dẫn lập dàn ý, lúc viết đoạn văn, lúc viết mở bài, kết bài…chứ giảng suốt ngày làm sao giảng nổi.

Chủ yếu là đầu mỗi buổi học thêm, mình dạy một chút cho học trò nhập cuộc, sau đó ra bài tập cho học sinh làm và sửa bài cho các em.

Anh bạn dạy Toán thì tâm sự với chúng tôi: Mỗi buổi dạy có thời gian 90 phút, phần lý thuyết thì dạy trên lớp rồi nên khi dạy thêm thì mình dạy mẫu một bài tập, rồi yêu cầu các em làm các bài tập tương tự.

Học thêm càng nhiều, gánh nặng đè lên vai phụ huynh càng lớn ảnh 2Có tăng lương giáo viên cũng khó hạn chế dạy thêm học sinh chính khóa hiện nay

Chỉ vài em lên bảng giải bài tập là cũng hết thời gian. Quan trọng là hướng các em có kỹ năng tiếp cận và làm quen với các dạng bài tập.

Có một điều thực tế là nhiều giáo viên dạy thêm bây giờ quá tải. Chỉ dạy chính khóa thì họ có thể dạy theo một trình tự, bài bản.

Việc dạy thêm thì phải đi thật “chậm”, thật “kĩ” thì học sinh mới “hiểu” bài. Điều quan trọng là biết động viên, khích lệ, khen ngợi học trò trong những buổi học thêm để các em thích thú với việc đến lớp của mình.

Cũng phải thừa nhận một điều là nhu cầu học thêm ngày nay của một bộ phận phụ huynh đối với con em mình là có thật. Nhưng, số đó không nhiều.

Bởi, chỉ những phụ huynh mà quá bận công việc không thể quản lý, giám sát con mình mới mong muốn gửi con học thêm, hoặc khi các em chuẩn bị thi chuyển cấp.

Còn đa số phụ huynh vẫn mong muốn con không phải đến lớp học thêm để ngoài thời gian học chính khóa thì các em có thể tham gia giúp đỡ gia đình về công việc nhà, vui chơi, giải trí nhằm hình thành các kỹ năng cần thiết.

Điều đặc biệt là không ai muốn mỗi tháng phải chi một khoản tiền rất lớn để đóng học thêm cho con mình.

Những nhà có điều kiện thì số tiền này không phải là vấn đề quá lớn.

Những nhà mà phụ huynh làm nông, lao động phổ thông thì tiền học thêm, học chính khóa đã chiếm mất một phần rất lớn trong tổng thu nhập của gia đình trong tháng, thậm chí có những lúc phải vay mượn để đóng tiền học cho con.

Áp lực học thêm ở các nơi đô thị hiện nay đang rất lớn, điều này cũng đồng nghĩa những phụ huynh có điều kiện kinh tế khó khăn, đang phải oằn vai làm lụng, phải tính toán thật kỹ càng mới có thể cho con mình đến với các lớp học thêm.

Không đi, thì con mình thua thiệt. Hơn nữa, một số thầy cô bây giờ có rất nhiều chiêu thức để kéo học sinh đến với mình.

Những em không đi học thêm, khi kiểm tra thường rất khó đạt điểm cao trên lớp, vài lần như vậy thì đương nhiên đó sẽ là lí do để phụ huynh phải “suy nghĩ lại” việc cho con mình đến lớp học thêm.

Học thêm càng nhiều, gánh nặng đè lên vai phụ huynh càng lớn ảnh 3Khi học trò trở thành nạn nhân của việc dạy thêm, học thêm

Một số giáo viên bộ môn bây giờ họ rất cao tay để duy trì lớp học.

Ngay từ đầu năm học, đầu học kỳ là cho học sinh đăng ký học thêm. Và, họ sẽ thu luôn tiền học thêm cho cả một học kỳ.

Điều này cũng đồng nghĩa là giáo viên sẽ có một khoản tiền cọc rất lớn và đương nhiên là học sinh cũng không thể bỏ lớp được. Bỏ hay nghỉ học thêm cũng đồng nghĩa là mất tiền mà cha mẹ các em đã đóng ngay từ đầu khóa.

Những thầy cô tâm huyết với nghề, yêu học trò vẫn còn nhiều nhưng trong cùng một trường, cùng một địa bàn mà đồng nghiệp khác dạy thêm được thì đương nhiên sẽ có phản xạ dây chuyền và rồi thầy cô nào có cơ hội dạy được là họ mở lớp.

Học sinh cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở thường phải học từ 4-5 môn để định hướng cho khối thi và nghề nghiệp của mình sau này.

Vì thế, chỉ riêng tiền học thêm mỗi tháng phụ huynh đang phải đóng hết mấy triệu đồng. Nhiều giáo viên bây giờ họ còn liên kết với những giáo viên môn khác để cùng dạy một địa điểm nhằm cho học sinh, phụ huynh tiện lợi đăng ký và đưa đón.

Bởi, thực tế học thêm như vậy thì khỏi phải đưa đón nhiều ca học trong ngày nên nhiều phụ huynh cũng đồng tình với cách học này của con em mình.

Không chỉ liên kết dạy mà nhiều điểm dạy thêm còn cung cấp luôn dịch vụ ăn, uống cho học trò nếu học sinh học liên tục nhiều ca không có điều kiện về nhà ăn cơm.

Phải nói rằng thời đại bây giờ một số giáo viên nơi thị thành họ cũng rất thức thời để tạo nên những cơ sở dạy thêm cho mình.

Ngoài kia, biết bao những phụ huynh đang xách hồ, chạy xe ôm hay tăng ca trong nhà xưởng nhằm có thể kiếm thêm tiền trang trải việc học cho con em mình!

Hay, các bậc phụ huynh đang phải tất bất đưa con “chạy sô” học thêm từ nhà thầy này đến nhà cô khác trong ngày…

Lẽ nào ngành giáo dục và các ban ngành địa phương lại không tìm ra giải pháp tối ưu cho vấn đề này?

NHẬT DUY