Có tăng lương giáo viên cũng khó hạn chế dạy thêm học sinh chính khóa hiện nay

19/02/2019 06:35
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Mảnh đất dạy thêm đang rất màu mỡ, phì nhiêu và nhiều lợi ích, làm sao một số giáo viên có thể buông bỏ được?

Nhiều khi một số giáo viên cứ lấy lí do là lương thấp nên phải dạy thêm. Chúng tôi cho rằng mấu chốt của vấn đề không phải là vậy mà chính là khoản thu nhập từ dạy thêm của một số giáo viên đang khá hấp dẫn.

Hiện nay, chỉ có giáo viên tiểu học và trung học cơ sở ở những vùng quê nghèo, giáo viên dạy các môn phụ ở thành phố không dạy thêm được mà đúng hơn là không có học sinh học thêm mới không mở lớp.

Còn lại, đa phần những giáo viên tiểu học, giáo viên dạy các môn được xem là các môn chính ở cấp trung học cơ sở nơi đô thị là họ đều dạy thêm.

Đặc biệt là những giáo viên dạy ở cấp trung học phổ thông đối với những môn có liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là họ đều dạy thêm hết công suất.

Và tiền dạy thêm nhiều khi lại là nguồn thu nhập chính của một số giáo viên.

Dạy thêm đang là nguồn thu nhập chính của nhiều giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn)
Dạy thêm đang là nguồn thu nhập chính của nhiều giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn)

Nhiều giáo viên hiện nay không nghèo, nói đúng ra là họ có thu nhập rất tốt từ tiền dạy thêm hàng tháng. Nhất là những giáo viên ở thành phố lớn thì tiền dạy thêm của họ hơn nhiều lần lương chính.

Bởi mỗi em học thêm bây giờ, một tuần học 2-3 buổi/môn thì ít nhất cũng phải đóng tiền học thêm 300-500 ngàn đồng/tháng.

Mỗi thầy cô chỉ cần dạy thêm 2 lớp thì thu nhập từ tiền dạy thêm cũng có mức thu nhập dao động từ 10-20 triệu đồng.

Những thầy cô chủ nhiệm ở cấp tiểu học ở thành phố chỉ cần nuôi 15 em tại nhà, cho ăn buổi trưa và dạy kèm buổi chiều cũng có mức thu nhập tương tự.

Từ khoản tiền dạy thêm, cộng với lương chính hàng tháng thì nhiều thầy cô  có thu nhập tương đối cao. Mức thu nhập này nếu so sánh với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện nay không hề thấp chút nào.

Thực tế, nhiều giáo viên dạy các môn tiếng Anh từ cấp tiểu học trở lên và các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh…thì luôn có mức thu nhập rất cao.

Vì mỗi thầy cô này dạy ở trường dao động từ 4 -6 lớp (tùy từng môn) thì chỉ cần một nửa số này tham gia học thêm cũng có hàng trăm em theo học thường xuyên.

Chưa kể những thầy cô giáo có tăm tiếng thì học sinh trường khác cũng tìm đến tham gia đăng ký học thêm, nhiều thầy cô còn không bố trí được lịch dạy.

Tất nhiên, càng nhiều học sinh theo học thì thu nhập càng cao. Nhất là các thầy cô dạy thêm tại nhà thì không phải chi cho bất kỳ khoản tiền nào nên làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.

Có tăng lương giáo viên cũng khó hạn chế dạy thêm học sinh chính khóa hiện nay ảnh 2Khi học trò trở thành nạn nhân của việc dạy thêm, học thêm

Nếu chúng ta quan sát sẽ thấy rất rõ việc dạy thêm hàng ngày của một số giáo viên ở các thành phố.

Những buổi không dạy ở trường, giáo viên thường dạy 2 ca, mỗi ca học bây giờ có thời gian là 90 phút nên những con đường gần nhà giáo viên luôn thấy phụ huynh đưa đón, chờ đợi đông nghịt.

Nhất là vào các buổi tối, đa phần các phụ huynh chờ để đón con bên ngoài gần giờ tan học tạo nên một khung cảnh ồn ào, chen lấn.

Chính từ việc thầy cô dạy thêm có mức thu nhập ổn định, thường xuyên như vậy, thử hỏi làm sao những giáo viên này chấp nhận bỏ dạy thêm? Và làm sao tình trạng dạy thêm cho học sinh chính khóa có thể cấm được đây?

Phải thừa nhận một điều là tình trạng dạy thêm hiện nay các cơ quan chủ quản không thể giám sát, quản lí được.

Giáo viên thì quá nhiều, mỗi xã (phường) ở những khu vực đông dân cư có hàng trăm, thậm chí là vài trăm giáo viên các cấp thì quản lý làm sao xuể.

Nhất là khi có một vấn đề nào phát sinh từ việc thanh tra, kiểm soát hoạt động dạy thêm học sinh chính khóa thì một số giáo viên người ta rất biết cách quan hệ để vẫn có thể duy trì việc dạy của mình.

Thực ra, khi có tiền rồi thì mọi thứ cũng đều dễ dàng và thông thoáng cả nên dù đâu đó có lên tiếng, có kiểm tra thì sau mỗi đợt kiểm tra vài ngày là tình trạng dạy thêm lại trở lại bình thường.

Nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục còn nặng thi cử, nặng điểm số và xếp loại học trò như hiện nay thì việc đầu tư của phụ huynh cho con em mình cũng là điều dễ hiểu.

Nỗi lo con em mình không đạt được thành tích cao, lo con mình bị thầy cô làm khó dễ trên lớp, lo con mình không đậu khi thi chuyển cấp…Trong hàng loạt nỗi lo đó thì việc cho con đi học thêm trước tiên là giải quyết được vấn đề tư tưởng của phụ huynh.

Bức tranh dạy thêm, học thêm đang làm méo mó ngành giáo dục và tạo nên cái nhìn không mấy thiện cảm từ dư luận xã hội.

Có tăng lương giáo viên cũng khó hạn chế dạy thêm học sinh chính khóa hiện nay ảnh 3Chưa đến trường, đầu năm đã phải học thêm

Tiền học phí, tiền sách vở, tiền sinh hoạt ở trường của học sinh hiện nay chỉ chiếm một lượng rất ít so với tiền học thêm hàng tháng mà phụ huynh phải đầu tư cho con em mình.

Chính vì thế, đây là vấn đề cơ bản nhất mà Bộ Giáo dục cần phải tính toán kỹ trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây.

Thứ nhất: Việc thiết kế những bộ sách giáo khoa cần phải nhẹ nhàng về kiến thức, phù hợp với lứa tuổi học trò để không gây nên tình trạng quá tải cho các em học sinh.

Điều quan trọng hơn là hướng tới việc giáo viên không còn lý do nào có thể vận động phụ huynh cho con em mình đến nhà học thêm tại nhà.

Thứ hai: Việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ trên lớp nên ít lại, không nên nhiều như chương trình hiện hành. Các kỳ thi cũng cần nhẹ nhàng, kể cả kỳ thi chuyển cấp, thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Xét đến cùng, cũng có chừng ấy học sinh, chừng ấy chỉ tiêu thì việc ra đề đánh đố học trò càng làm cho bức tranh học thêm thêm phức tạp.

Những địa bàn ở các thành phố cần đa dạng các loại hình đào tạo trường công, trường tư và định hướng tốt nghề nghiệp cho học trò để giãn tỉ lệ chọi cho các trường ở những địa bàn đông dân cư.

Thứ ba: Ngành giáo dục nên phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể địa phương, cương quyết trong việc cấm dạy thêm học sinh chính khóa của giáo viên tràn lan như hiện nay để tạo nên sự cạnh tranh công bằng giữa các học sinh với nhau.

Thứ tư: Mô hình trường chuyên, trường điểm chỉ nên duy trì ở các thành phố lớn, những nơi mà có chất lượng đào tạo cao, có mật độ dân số đông.

Những tỉnh lẻ, dân cư ít nên chuyển đổi mô hình trường chuyên thành các trường đại trà, đừng duy trì trường chuyên mà tạo nên áp lực học thêm cho học trò bởi đó là mảnh đất màu mỡ cho nhiều thầy cô giáo mở lớp dạy thêm.

Cứ như hiện nay, các cơ quan chức năng không giám sát, quản lý được thì việc tồn tại các lớp dạy thêm ở trường, ở nhà, ở trung tâm gia sư là đương nhiên.

Mảnh đất dạy thêm học sinh chính khóa đang rất màu mỡ, phì nhiêu và nhiều lợi ích làm sao một số giáo viên có thể buông bỏ được. Lòng tham của con người là không có giới hạn và giáo viên không phải là một trường hợp ngoại lệ.

NGUYỄN NGUYÊN