Gieo ước mơ từ những sáng tạo
Ngày cuối tháng 5, những ngày “ước hẹn mùa thu” gần như sôi nổi với học sinh cuối cấp thì với cậu bé đạt giải Nhì quốc gia cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật khu vực phía Nam lại tất bật hơn.
Trò chuyện với em Lê Quang Trí – học sinh lớp 11A7, Trường Trung học phổ thông Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) mới thấy được quá trình rèn luyện phấn đấu để đạt được thành tích tốt là không dễ.
Cậu học sinh nhớ lại kỷ niệm khi đến với con đường sáng tạo khoa học bằng sự cởi mở vô tư. Trong tâm thức của Trí, ngay từ nhỏ em đã đam mê sáng tạo.
Học sinh Lê Quang Trí. (Ảnh: Q.T) |
Năm học lớp 3, thay vì sử dụng máy vi tính vào việc lên mạng vô bổ thì Trí đã biết tìm hiểu các sáng chế của nhiều nhà khoa học. Trong đầu Trí đặt những câu hỏi xoay quanh các sáng chế là, làm sao để các thiết bị có thể vận hành.
Trí bắt đầu với các loại thiết bị một cách khái quát xen lẫn mơ hồ. Những năm lớp 4 và lớp 5, Trí mạnh dạn tham dự các cuộc thi, nộp đề tài sáng tạo các ý tưởng của mình từ tranh vẽ. Thế nhưng, các cuộc thi này vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh và em chưa thể đoạt giải.
Trí chỉ nghĩ, là những cuộc thi nên có đoạt giải hay không cũng không quan trọng mà thích thì đi thi. Đến năm Trí bước vào lớp 6, anh ruột của Trí học ở Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Thị xã Long Khánh) nói về cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật.
Trí bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về cuộc thi. Do mới học lớp 6, Trí chưa được tham gia nên nuôi hy vọng đến khi đủ tuổi. Suốt quãng thời gian ấy, Trí tiếp tục miệt mài tìm hiểu nhiều về các thiết bị điện tử.
Trí học rất giỏi ngoại ngữ mà nhất là tiếng Anh nên có thể đọc được các bài viết thông qua mạng internet.
Đến năm lớp 8, Trí đã nghe giới thiệu về cuộc thi do Thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) tổ chức. Cuộc thi này, Trí đã trình bày đề tài “Hệ thống tắt điện khi đóng cửa”. Đề tài của cậu học sinh rất đơn giản nhưng đã đoạt giải Nhì cấp Thị xã.
Trí tiếp tục mang đề tài đi dự thi cấp tỉnh nhưng rớt ngay do mới tham gia cuộc thi nên chưa có kinh nghiệm. Ở vòng 1, Trí nộp bài báo cáo qua mạng trực tuyến không thành công nên bị đánh rớt.
Lên năm học lớp 9, Trí nghĩ đến đề tài “Hệ thống cảnh báo tất cả các loại xe”. Cậu học trò lại tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các hệ thống cảnh báo dành cho phương tiện giao thông nhưng chỉ thấy áp dụng riêng cho xe ô tô.
Ở Việt Nam, hệ thống này khó có thể áp dụng mang tính cộng đồng do người dân chủ yếu sử dụng phương tiện xe gắn máy. Thế là, Trí đặt quyết tâm phải gắn cảnh báo này phù hợp với đường giao thông tại Việt Nam.
Ý tưởng của Trí là hệ thống sẽ được gắn trên các tuyến đường để phương tiện đang lưu thông có thể cảnh báo với nhau ở những khúc cua. Các bóng đèn được gắn trên đường có thể tắt – mở khi xe qua khúc cua và thời điểm tắt – mở phải chính xác, trong một thời gian phù hợp.
Nâng cấp ước mơ
Quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, Trí mang đề tài đi dự thi và đạt giải 3 của tỉnh. Lần thi này, Trí tích lũy cho bản thân một số kinh nghiệm đáng kể. Đặt chân vào cuộc thi cấp tỉnh, Trí học được ở các anh chị lớp trên rất nhiều điều và thấy được nhiều dự án tầm cỡ hơn.
Trí thấy dự án mình còn quá nhỏ bé và đề tài chưa thể bắt kịp với các công nghệ đang được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống. Trí thấy hiểu được rằng, các dự án trong cuộc thi là những dự án táo bạo nhưng việc đưa vào sử dụng trong cộng đồng, trong xã hội lại là một vấn đề khác.
Năm lớp 10, Trí nuôi ý tưởng cho dự án “Thiết bị chống tiếng ồn có áp suất cao”. Cuộc thi là nghiên cứu khoa học và Trí đã nghiên cứu các đại lượng, như: Tần số, áp suất, cường độ…
Học sinh Lê Quang Trí (ngoài cùng bên phải) trong một hoạt động hưởng ứng bảo vệ môi trường tại Thị xã Long Khánh. (Ảnh: Q.T) |
Thiết bị này của Trí có thể giúp con người chủ động hơn trong việc ngăn chặn tiếng ổn bên ngoài công trường, cân bằng âm thanh, chủ động điều chỉnh tiếng ồn ở lỗ tai. Thiết bị là dụng cụ đeo vào tai có thể khiến các công nhân, kỹ sư ở công trường không còn nghe tiếng ồn có tần số cao.
Người đeo thiết bị vào có cảm giác yên tĩnh như đứng ở cánh rừng và cân bằng âm thanh một cách nhất định.
Trí tìm mua các thiết bị để chế tạo, lắp ráp mạch. Những phiên bản thử nghiệm lần lượt được ra đời nhưng khá thô và cồng kềnh. Trí nói muốn đưa đưa thiết bị vào sử dụng phổ biến phải tối giản mạch…
Của bề bề không bằng có nghề trong tay |
Với dự án này, Trí đạt giải 3 của cuộc thi cấp tỉnh nhưng vẫn chưa thể tiến sâu vào giải quốc gia.
Năm lớp 11, Trí lại đến với đề tài “Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị định hướng di chuyển trong các tòa nhà”. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, Trí nghĩ đến người khiếm khuyết, người khuyết tật.
Những dự án trước đây, Trí nghiên cứu phục vụ cho người bình thường thì dự án năm nay, Trí muốn có sự khác biệt.
Trong buổi sáng mùa hè đi ăn với gia đình, cậu học sinh thấy người đàn ông khiếm thị được hỗ trợ bởi thiết bị điện tử có thể nhận biết được các vật cản, biết được đồ vật nhưng chưa xác định được hướng đi.
Một câu hỏi trong đầu lóe lên và Trí tập trung vào dự án để nghiên cứu “Định hướng cho người khuyết tật”.
Bắt đầu từ ý tưởng đến khi thực hiện dự án là cả một quá trình. Trí lên mạng tìm hiểu, xem thử người khuyết tật định hướng.
Trí đưa ra ví dụ, người khuyết tật dùng con chó để dẫn đường, dùng gậy để dò đường và chỉ dành cho con đường quen thuộc. Vấn đề cần giải quyết là, đến những nơi mới, nơi lần đầu tiên đến, không quen nhưng vẫn hình dung được hướng đi.
Trí nghĩ đến việc tiết kiệm chi phí, đơn giản, không cầu kỳ đối với các tòa nhà và đặc biệt đề tài phải hướng đến người Việt Nam đang cần được giúp đỡ.
(Còn tiếp)