Của bề bề không bằng có nghề trong tay

03/06/2019 06:25
Tùng Dương
(GDVN) - Con trai tôi sau khi tốt nghiệp Đại học đã nói: Nếu mẹ cho con học nghề công nghệ ô tô từ 8 năm trước, có phải bây giờ con đã có một tay nghề giỏi rồi không?.

“Bản thân con trai tôi sau khi học xong Đại học đã trả cho tôi một cái bằng và nói: Thôi mẹ nhé, bây giờ con đi học nghề đây, mà nếu mẹ cho con học nghề công nghệ ô tô mà con thích từ 8 năm trước thì có phải bây giờ con đã có một tay nghề giỏi rồi không.

Bây giờ con đi học lại nghề thì phí nhiều thời gian quá. Và câu nói đó của con trai tôi sau những gì cháu đã trải nghiệm thực tế đã làm cho tôi rất là trăn trở.

Việc phân luồng cho học sinh lớp 9 học nghề rất quan trọng, người xưa có câu: Của bề bề không bằng có nghề trong tay.

Thực tế hiện nay có nhiều em đã cất bằng cử nhân để bắt đầu quay trở lại học nghề”, cô giáo Đoàn Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Đoàn Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Cô Đoàn Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Phân luồng học nghề đã thực hiện từ nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có, thực tế sau vài ba năm hầu hết những em học sinh chuyển sang học nghề thì giờ đây công việc của các em rất là tốt.

Có em hiện nay đã mở Công ty điện lạnh, có em mở nhà hàng, có em mở Công ty bảo vệ quản lý tòa nhà…có em mở thầu xây dựng.

Việc học nghề sớm có lợi hơn so với các em học hết cấp 3 rồi mới quay lại học nghề, rất lãng phí thời gian và kinh tế,  còn em nào xuất sắc thì cứ việc học tiếp lên Đại học hoặc cao hơn nữa.

“Từ những định hướng phân luồng đó thì năm nay tôi lại biết thêm Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long - Hà Nội, có chương trình 9+ dạy nghề, và trong học nghề có học tiếng. Tôi thấy đây là một mô hình khá mới và độc đáo, mô hình này của Đức vừa được áp dụng tại trường này.

Chỉ mất 3 năm là các em học sinh vừa có bằng cấp 3, có vốn ngoại ngữ lại có nghề trong tay, lúc đó các em có thể tự phát triển kinh tế cho bản thân với nghề đã được học, thậm chí những em có tay nghề giỏi sẽ được mời sang Đức định cư và làm việc.

Những em học xong cấp 3 rồi mới quay lại học nghề là mất 6 năm, trong khi các bạn học nghề song song chỉ cần 3 năm thực hành là đã có một tay nghề rất tốt”, bà Hương cho biết.

Vậy có thể nói hướng đi này rất phù hợp với những em có tư chất để làm nghề. Thực tế khoa học đã chứng minh, có người làm nghiên cứu rất giỏi và có những người sinh ra đã có tố chất thực hành.

Vậy ta nên chọn hướng đi phù hợp với tố chất của bản thân, có như vậy mới phát huy hết được khả năng trong khi thực tế xã hội hiện nay đang thừa thầy thiếu thợ.

“Cách đây hơn 10 năm tôi cũng đã chia sẻ về định hướng nghề cho nhiều phụ huynh, có gia đình đã hiểu và cho con theo hướng học nghề luôn mặc dù đủ điểm đỗ vào cấp 3.

Tại trường tôi mấy năm trước có trường hợp học sinh tiên tiến, điểm thi tổng kết rất cao nhưng cháu và bố mẹ vẫn quyết định đi học nghề, lúc đó nhiều phụ huynh xôn xao nhưng bản thân tôi rất ủng hộ.

Một thời gian sau phụ huynh này có gọi điện báo cho tôi biết việc học nghề của cháu rất tốt, bản thân em đó rất có năng khiếu về công nghệ thông tin. Sau 3 năm ra trường và hiện nay cháu đang làm ở FPT với mức thu nhập rất khá.

Việc định hướng nghề phải xóa bỏ những định kiến, suy nghĩ rằng học kém, không thi nổi vào cấp 3 thì mới đi học nghề, những suy nghĩ này cần phải thay đổi nhất là trong một xã hội hiện đại và phát triển nhanh như hiện nay.

Tôi thấy cần phải thay đổi nhận thức của từng giáo viên và đặc biệt là phụ huynh học sinh, khi thấy con mình giỏi nghề nào thì hãy tạo điều kiện cho con phát huy nghề đó, như vậy mới thực tế”, cô Hương nêu quan điểm.

Được biết, hàng năm Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội đều có mời giáo viên nghề đến trường nói chuyện, tư vấn về học nghề để học sinh có nhiều lựa chọn, đồng thời mời phụ huynh và học sinh đến trường nghề để tham quan.

Chỉ mất 3 năm là các em học sinh vừa có bằng cấp 3 lại có nghề trong tay, lúc đó các em có thể tự phát triển kinh tế cho bản thân với nghề đã được học. Ảnh: Tùng Dương.
Chỉ mất 3 năm là các em học sinh vừa có bằng cấp 3 lại có nghề trong tay, lúc đó các em có thể tự phát triển kinh tế cho bản thân với nghề đã được học. Ảnh: Tùng Dương.

Mô hình đào tạo kép

“Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long - Hà Nội là một trong những trường nghề mà bản thân tôi đã đến tìm hiểu rất kỹ, khi học sinh của tôi lựa chọn và quyết định theo học 9+ tại đây thì tôi luôn theo sát, đồng hành cùng các em trong 3 năm cho đến khi ra trường.

Thực tế hiện nay các em học sinh được tiếp xúc với rất nhiều thông tin, hiểu biết hơn về xu hướng xã hội cũng như những nghề mới phát triển, chính vì vậy hãy để các em tự quyết định và lựa chọn nghề phù hợp với bản thân các em.

Suy cho cùng thì học hay làm nghề gì đi nữa thì mục đích cuối cùng cũng là để phát triển sự nghiệp bản thân, làm kinh tế cho gia đình đồng thời góp phần phát triển xã hội.

Của bề bề không bằng có nghề trong tay ảnh 3Học gì, làm gì, con hãy tự quyết định vì chính cuộc đời của mình

Thật sự là tôi rất thích chương trình phân luồng học sinh và đặc biệt là đào tạo kép, học nghề song song với học văn hóa, cụ thể ở đây là mô hình 9+.

Đào tạo nghề song hành cùng với ngoại ngữ, hướng đầu ra của các em học sinh trên cơ sở là liên kết mô hình đào tạo và doanh nghiệp đón nhận các em sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra các em có tay nghề giỏi sẽ được sang đức làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp”, cô Hương nói.

Để đạt được mục tiêu từ 35 - 40% học sinh phân luồng thì khó khăn lớn nhất ở đây chính là nhận thức của phụ huynh học sinh, lúc nào họ cũng có suy nghĩ phải có cái bằng Đại học mới là quan trọng nhất.

Chỉ khi nào chúng ta thay đổi được suy nghĩ đó thì công tác phân luồng mới thực sự có hiệu quả, có thể nói đây là giai đoạn bắt đầu nên còn rất nhiều khó khăn, cần có sự vào cuộc của nhiều ngành và cụ thể là khối Trung học cơ sở, của cha mẹ học sinh, đặc biệt là truyền thông, báo chí cần tuyên truyền mạnh hơn nữa.

Thế mạnh của bản thân

Cô Hương chia sẻ: “Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần vượt qua bản thân từng ngày một; Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn; Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn là người có nụ cười ấm áp.

Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn lại rất có thẩm mĩ về thời trang; Chắc chắn mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn và chính bạn hơn ai hết phải biết mình và tự nhận ra.

Với những bài giảng từ lớp 6 như vậy, dần dần sẽ ngấm vào từng học sinh để các em tự biết và hiểu bản thân, tự nhận ra mình giỏi cái gì nhất để đi theo.

Cách đây hơn 10 năm, tôi có tư vấn cho một phụ huynh ở Trường Cầu Diễn, cụ thể con của phụ huynh đó rất vất vả trong kì thi vào cấp 3, lúc nào điểm văn và toán của em đó cũng chỉ đạt 2-3.

Bù lại em học sinh này có một chiều cao lí tưởng và đặc biệt là chạy rất giỏi. Tôi có tư vấn là nên cho em đó phát huy hết mức với tư cách là một vận động viên điền kinh.

Quả nhiên sau này em đó đã đỗ vào đội tuyển Quốc gia của Trường Thể dục Thể thao Từ Sơn, hiện nay em đó trở thành một giáo viên dạy môn điền kinh.

Phụ huynh nên hiểu rõ vấn đề ở đây không phải là dạy con ra làm quan, thành những người áo trắng cổ cồn…Mà quan trọng nhất là dạy cho con biết giá trị bản thân và phải có một nghề trong tay”, cô Hương nhấn mạnh.

Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ quan điểm: “Phân luồng không hiệu quả sẽ tất yếu dẫn đến mất cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu nguồn nhân lực.

Bình thường thì tháp nguồn nhân lực phải càng lên trên càng nhọn, càng lên cao thì nguồn nhân lực trình độ cao, lao động gián tiếp phải ít hơn lao động trực tiếp.

Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, người làm trực tiếp thì ít mà người làm gián tiếp thì nhiều. Hệ lụy là nhiều người học Đại học nhưng sau khi tốt nghiệp không có việc làm, có khi lại đi làm công nhân.

Đây là sự lãng phí lớn. Mất cân đối cơ cấu nguồn nhân lực Quốc gia sẽ dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng thấp, thu nhập thấp. Hệ lụy rộng hơn nữa là kinh tế - xã hội chậm phát triển”.

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong Giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, đã được Thủ tướng chính phủ thông qua, đây là một hướng đi đúng.

Mục tiêu chung của đề án là tạo bước đột phá về chất lượng Giáo dục hướng nghiệp trong Giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Học sinh vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và Quốc tế.

Tùng Dương