Đánh, mắng không phải là cách để học sinh học tốt

05/06/2019 06:49
Trần Phương
(GDVN) - Thay vì quát mắng các em, nếu kiên trì một chút thầy cô sẽ hiểu học sinh của mình, hiểu vấn đề của các em gặp phải từ đó đưa ra phương pháp sao cho phù hợp

Cô trò cùng đổi mới

Bên lề cuộc hội thảo Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại trường Trung học phổ thông Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) phóng viên đã có dịp trò chuyện với cô giáo Ngô Xuân Sương, tổ trưởng tổ Sinh học của trường về những buồn vui với nghề giáo trong thời đại 4.0.

Dù là trường đóng tại Trung tâm thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa nhưng công tác dạy và học trên địa bàn còn gặp một số khó khăn nhất định.

Những năm gần đây, cô giáo Sương cho biết, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đã giúp ích nhiều cho công việc dạy học của các thầy cô.

Thay vì truyền đạt lý thuyết một chiều, giáo viên nói chung và giáo viên bộ môn sinh học nói riêng có nhiều thuận lợi trong việc định hướng học tập cho các em học sinh.

Thông qua mạng internet, các em học sinh có nhiều điều kiện tiếp xúc với tri thức khoa học hơn, nhất là với các bài tập ứng dụng của môn sinh học.

Cô giáo Ngô Xuân Sương cho rằng đánh, mắng không phải là cách để học trò học tốt hơn. (Ảnh: LC)
Cô giáo Ngô Xuân Sương cho rằng đánh, mắng không phải là cách để học trò học tốt hơn. (Ảnh: LC)

Tuy nhiên, cô Sương cũng cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin này cũng sẽ có rất nhiều vấn đề nếu giáo viên không biết định hướng tốt cho học sinh, bởi tâm lý lứa tuổi các em rất dễ sao nhãng và sa đà vào các vấn đề khác trên mạng.

Bản thân thầy cô giáo cũng không ngừng cập nhập nâng cấp kiến thức cho bản thân nếu không có thể bị tụt hậu so với chính học trò của mình.

Khi được hỏi việc học sinh Trung học phổ thông ít hứng thú với môn Sinh học, cô Sương cho biết, cũng không hẳn là các em ít hứng thú với môn sinh học. “Đúng là những em nào xác định theo học những ngành có tuyển dụng tổ hợp có môn Sinh các em mới tập chung vào những kiến thức sâu. Còn những em khác thì học chỉ chủ yếu tập trung vào việc ôn thi để cho qua.

Tuy nhiên, theo cô giáo Sương, các em học môn sinh lớp 10 và lớp 11 các em cũng rất hào hứng, các bài học có thể áp dụng thực tế các em tham gia rất hào hứng.

Tại trường Hướng Hóa, giáo viên thường giao bài học thực tế về nhà để các em nộp kết quả học tập cho giáo viên. Những bài học được áp dụng ngay tại thực tế vừa giúp các em học tập vừa có thể ứng dụng ngay trong cuộc sống.

Còn lớp 12 thì chủ yếu vẫn là việc các em phải học để thi nên cô Sương và  các giáo viên trong tổ bộ môn sẽ định hướng giảng dạy và học tập cho các em bằng cách cho các em làm quen với các dạng đề thi, các câu hỏi thường gặp để các em học và thi đạt kết quả tốt.

Kiên nhẫn với học sinh

Tâm sự buồn vui với nghề, cô giáo Sương cho biết, đặc thù học sinh tại địa bàn miền núi nên cũng có nhiều đặc thù nên đòi hỏi ở giáo viên nhiều kỹ năng hơn.

Với cô Sương, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cô Sương cho biết, với các em học sinh ý thức chưa tốt hoặc là người dân tộc thiểu số, vùng nông thôn nên các em có những tính cách đặc thù các cô giáo ở đây còn phải vừa dạy vừa dỗ.

Bởi nếu để các em tự ái, mặc cảm hoặc tự ti là các em bỏ học ngay. Cùng với đó, bộ môn sinh học cũng không dễ để các em có thể tập trung hào hứng tiếp thu, do đó giáo viên cần phải kiên nhẫn.

Buổi truyền cảm hứng đặc biệt tại chiến trường xưa của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Buổi truyền cảm hứng đặc biệt tại chiến trường xưa của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Theo cô Ngô Xuân Sương tâm sự, với kinh nghiệm của mình, không ít lần cô đã kiên nhẫn với học sinh, tìm hiểu những tâm tư của các em, và sẵn sàng làm bạn với các em để có thể tư vấn những vấn đề mà các em gặp phải.

Từ những tâm sự của các em để đưa ra các vấn đề phù hợp với từng em. Ngay cả trong việc làm bài tập, làm bài kiểm tra cũng cần phải lựa chọn phù hợp cho sức học từng em, đảm bảo các em có hào hứng tiếp thu kiến thức khi học tập.

Nói về việc dùng kỷ luật, cô Sương cho biết, kỷ luật trong lớp học là cần thiết tuy nhiên, đánh, mắng không phải là cách kỷ luật để các em học tập tốt.

Quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để các em tự ý thức được bản thân, tự học bằng khả năng say mê môn học.

Để làm được điều đó, cô Sương cho biết giáo viên phải thật kiên nhẫn với các em, thậm chí cần phải kiên nhẫn với từng em.

Cô Sương nhận cuốn sách làm quà của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, với món quà của Giáo sư, cô Sương và các học trò của mình sẽ say mê hơn với bộ môn Sinh học. (Ảnh: LC)
Cô Sương nhận cuốn sách làm quà của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, với món quà của Giáo sư, cô Sương và các học trò của mình sẽ say mê hơn với bộ môn Sinh học. (Ảnh: LC)

Khi được hỏi những kỷ nệm với học sinh cô Sương cho biết, kỷ niệm thì rất nhiều, với môn Sinh học, rất nhiều em học tốt đã trở thành kỹ sư nông nghiệp, bác sĩ đi khắp nơi. Và kỷ niệm lớn nhất của cô chính là việc một học sinh của trường đã là thủ khoa của trường Y với điểm môn sinh học đạt được điểm tuyệt đối.

Với người thầy, người cô không gì hạnh phúc hơn khi thấy học trò, sản phẩm đào tạo của mình thành đạt và trở thành những người có ích cho xã hội, cô giáo Ngô Xuân Sương chia sẻ.

Trần Phương