Triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện thế nào trong Luật Giáo dục (sửa đổi)

29/06/2019 07:35
Đỗ Thơm
(GDVN) - Kỳ họp thứ 7 Quốc hội 14 đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Về triết lý giáo dục, một trong những nội dung được dư luận quan tâm, các chuyên gia bàn thảo rất nhiều trước khi dự thảo Luật được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình cụ thể.

Có ý kiến đề nghị cần đúc kết, chắt lọc để quy định một điều về triết lý giáo dục với những giá trị phổ quát nhất; làm rõ tinh thần học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong triết lý giáo dục Việt Nam.

Ảnh minh họa: Đỗ Thơm
Ảnh minh họa: Đỗ Thơm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, trong dự thảo Luật, triết lý giáo dục Việt Nam đã được thể hiện qua mục tiêu “phát triển toàn diện con người Việt Nam” (Điều 2); qua tính chất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa: nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại (Điều 3); qua nội dung, phương pháp giáo dục và chính sách phát triển giáo dục được thể hiện xuyên suốt trong toàn Luật.

Về tinh thần học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, dự thảo Luật đã thể hiện trong Mục Giáo dục thường xuyên và các điều khoản liên quan.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ hơn mục tiêu giáo dục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại Điều 2 như quy định của dự thảo Luật. 

Cụ thể, Luật Giáo dục (sửa đổi) ghi: Điều 2. Mục tiêu giáo dục

Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục

1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

2. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Đỗ Thơm