Theo quy định hiện nay, hiệu trưởng các trường phổ thông bắt buộc phải dạy 2 tiết/ tuần vì nếu không dạy sẽ bị cắt 30% -35% phụ cấp (tùy cấp học).
Vậy hiệu trưởng dạy dỗ học trò ra sao, họ có thực hiện tốt vai trò của một nhà giáo không?
Nói thật, nếu nói có nhiều hiệu trưởng quản lý giỏi có thể nhiều giáo viên tin, chứ nói hiệu trưởng các trường công lập giỏi chuyên môn e rằng có phần khiên cưỡng.
Những hiệu trưởng tự đi lên bằng năng lực của mình hiện nay không nhiều (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: tuyengiao.vn) |
Hiệu trưởng có giỏi chuyên môn không?
Nói một cách công bằng, khách quan thì nhiệm vụ, chức năng chính của hiệu trưởng các trường phổ thông công lập không phải là giảng dạy mà là quản lý đơn vị nhà trường.
100% hiệu trưởng hiện nay không có ai học quản lý trước khi học nghề sư phạm. Quá trình được đào tạo thì ai cũng 1 chuyên ngành như nhau và mỗi một giáo viên chỉ có thể am hiểu sâu được 1 chuyên ngành, khi đi dạy cũng chỉ dạy 1 môn học đó.
Những giáo viên đào tạo cao đẳng thì được học 2 chuyên ngành nhưng thường có 1 chuyên ngành chính và 1 chuyên ngành phụ. Ra trường cũng chỉ được phân công dạy chuyên ngành chính.
Có hiệu trưởng nói rằng “hiệu trưởng không cần giỏi chuyên môn thì đó là chuyện tào lao”, nhưng theo quan sát của chúng tôi, trong thực tế có mấy người giỏi chuyên môn?
Có chăng là có những vị hiệu trưởng vẫn tự đánh giá là mình giỏi, họ giỏi nên mới có quyền phê phán giáo viên trong trường khi đi dự giờ môn khác chuyên ngành đào tạo của mình hay tổng kết một phong trào nào đó.
Suy cho cùng, dù có giỏi thì cũng chỉ giỏi được một môn mà bản thân họ được đào tạo…
Vì sao hiệu trưởng trường công ngày càng không được lòng giáo viên?
Những năm đất nước còn bao cấp hoàn toàn, những thầy cô được đề bạt, phân công làm hiệu trưởng thường là những nhà giáo uy tín, có năng lực, có nhân cách tốt và họ có cái nhìn bao quát, vị tha hơn.
Vì thế, đa phần những hiệu trưởng đó nhận được sự cảm phục của đồng nghiệp và học trò kể cả khi họ đương chức hay lúc cả về hưu.
Hiệu trưởng mà không giỏi chuyên môn thì quản lý cái gì? |
Khi đất nước đổi mới, đặc biệt là khoảng 20 năm nay, nhà nước đầu tư cho giáo dục nhiều hơn qua từng năm học.
Việc trường công lập xã hội hóa giáo dục cũng nở rộ, nạn dạy thêm trong trường công lập được mở tràn lan, giáo viên ra trường không xin được việc phải cậy nhờ hiệu trưởng.
Vì thế, làm hiệu trưởng trường công hiện nay sẽ có thêm nhiều nguồn thu nhập ngoài lương từ kinh phí đầu tư, mua sắm, hoa hồng từ các dịch vụ... đem lại. Vậy nên, “ghế” hiệu trưởng một trường công ngày càng có nhiều người hướng tới, thậm chí là “đầu tư” cũng không phải chuyện gì khó hiểu.
Nếu khảo sát ý kiến giáo viên một cách nghiêm túc, khách quan, chúng tôi tin rằng không khó để nhận ra thực tế đa phần hiệu trưởng bây giờ đều là những người có thế lực, có quan hệ họ hàng hoặc thân thiết với lãnh đạo địa phương.
Những hiệu trưởng "do lịch sử để lại", những hiệu trưởng thân cô, thế cô dù có giỏi bao nhiêu cũng dễ dàng bị “bật ghế” tức thì sau một nhiệm kỳ, hoặc chỉ một vài năm khi cấp trên lấy cớ luân chuyển, điều động công tác.
Có người được luân chuyển đi làm hiệu trưởng ở các trường khó khăn, ít “màu mỡ” hơn, có nhiều hiệu trưởng ngậm ngùi sang trường khác làm phó hiệu trưởng, thậm chí có người bất mãn xin xuống làm giáo viên.
Những phó hiệu trưởng đi lên bằng năng lực thì cứ mãi “yên vị” ngồi ghế phó hiệu trưởng và có người “ngồi” mãi vị trí này cho đến khi về hưu.
Những năm gần đây, mỗi xã có một giáo viên được điều sang công tác ở trung tâm giáo dục cộng đồng. Quan sát thực tế chúng tôi thấy những người được biệt phái sang đây có không ít người đã từng là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp trung học cơ sở.
Có nhiều ý kiến thắc mắc hiệu trưởng không giỏi sao làm lãnh đạo nhà trường được? Thực tế làm hiệu trưởng một trường phổ thông công lập bây giờ cũng đâu có cái gì là cao siêu.
Bởi trong nhà trường công lập, có thầy cô nào được đào tạo để làm hiệu trưởng đâu, đều đi lên từ giáo viên, đều xuất phát từ nghề dạy nghề cả. Chuyên môn đã có phó hiệu trưởng chuyên môn phụ trách chung, các môn học có các tổ trưởng chuyên môn đảm nhiệm.
Tài chính có kế toán, thủ quỹ tham mưu. Hồ sơ, kế hoạch chủ yếu là mang tính “kế thừa” từ năm này sang năm khác.
Ngày trước khi chỉ có nguồn thu từ ngân sách, hiệu trưởng phải liệu cơm gắp mắm cân đối chi tiêu vì ngân sách có hạn, thì nay trường công lại được "xã hội hóa" nhiều dịch vụ để tạo nguồn thu.
Đấy là chưa kể tới quyền quyết định lựa chọn nhà cung cấp cho hàng trăm, hàng nghìn học sinh (bếp ăn bán trú, đồng phục, đồ dùng học tập, sửa chữa cơ sở vật chất cho tới tiền dạy buổi 2...), vì thế không khó lý giải tại sao đồng lương công chức còn thấp, nhưng nhiều vị lại có cuộc sống khá sung túc.
Trường càng đông học sinh thì nguồn thu càng dồi dào.
Còn về quản lý, lúc mới lên làm hiệu trưởng thì xin kế hoạch của trường khác, của người đi trước, lên lâu thì cứ hồ sơ, kế hoạch cũ sửa năm là xong cả. Nếu không tin, thầy cô cứ nhìn vào kế hoạch năm sau so với năm trước chỉ khác nhau mỗi ngày tháng.
Nhiều kế hoạch nhà trường được chuyển lên email của nhà trường và tổ trưởng chuyên môn để đóng góp trong mỗi đầu năm học nên cần so sánh nội dung thì thầy cô trong trường chỉ cần in ra vào sẽ thấy nó có khác nhau chữ nào về nội dung đâu.
Những biểu mẫu mới phần nhiều đã có phần mềm mặc định sẵn, hiệu trưởng giao cho kế toán, văn thư thực hiện các công việc này.
Vậy nên, trong giới hiệu trưởng vẫn truyền tai nhau, hiệu trưởng giỏi là hiệu trưởng không làm gì hết mà chỉ cần biết phân công và kiểm tra là…giỏi.
Những hiệu trưởng trường công giỏi bây giờ có nhiều không?
Tất nhiên, trong hàng ngàn hiệu trưởng các trường phổ thông công lập hiện nay cũng không hiếm những người ưu tú, những người toàn tâm, toàn ý cho giáo dục. Nhưng nhìn chung những người như vậy không nhiều.
Rất nhiều hiệu trưởng bây giờ không đi lên bằng năng lực, chuyên môn mà đi lên bằng nhiều cách khác nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị phản biện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 22/4/2019 vừa qua thì Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), đã nêu quan điểm:
“Không nên viết như nghị quyết những điều chung chung về tiêu chuẩn đạo đức mà cần ghi rõ quyền, trách nhiệm đến đâu và tiếp đó là tiêu chuẩn, tiêu chí để làm cán bộ quản lý giáo dục.
Điều này để tránh hiện tượng cứ "con ông cháu cha" là vào hệ thống quản lý giáo dục. Quản lý giáo dục là khó nhất vì họ quản lý những "máy cái" đào tạo ra con người, không ra gì là hỏng”.
Hiện tượng một số “con ông cháu cha” vào ngành mấy năm là bỗng nhiên được cử đi học lớp cán bộ quản lý và rất nhanh chóng được bổ nhiệm phó hiệu trưởng, mấy năm sau là lên hiệu trưởng.
Những hiệu trưởng các trường phổ thông lớn bây giờ phần nhiều là những người có “gốc bự” mới được ngồi vào cái ghế này.
Dù biết “sự thật bao giờ cũng mất lòng” nhưng mọi người cứ nhìn vào đội ngũ hiệu trưởng bây giờ sẽ hiểu họ giỏi chuyên môn hay giỏi “thứ khác”, họ đi lên bằng năng lực hay được một ai đó đã nâng đỡ rồi “đặt họ ngồi” vào cái ghế ấy!
Những hiệu trưởng giỏi chuyên môn, có năng lực, có tâm, có tầm với giáo dục bây giờ có nhiều không? Mọi người cứ nhìn vào hiệu trưởng trường mình, địa bàn mình sẽ có câu trả lời chính xác nhất!
Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả.
Tài liệu tham khảo:
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hieu-truong-ma-khong-gioi-chuyen-mon-thi-quan-ly-cai-gi-post199488.gd
//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tranh-hien-tuong-cu-con-ong-chau-cha-la-vao-quan-ly-giao-duc-525550.html&usg