Ngày 27/8/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách của học sinh như thế nào?”
Theo ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh trong nhà trường cũng chính là góp phần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông năm 2018).
Buổi tọa đàm thói quen đọc sách trong học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 27/8 (ảnh: P.L) |
Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến việc hình thành, phát triển cho học sinh các phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm), 10 năng lực cốt lõi (Năng lực tự chủ và tự học, Năng lực giao tiếp và hợp tác, Năng lực giao tiếp và hợp tác, Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, và 7 năng lực đặc thù gồm ngôn ngữ, tính toán, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất).
Phát biểu tại tọa đàm, nhiều học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh đã cho rằng, chính nhờ đọc sách đã làm cho các em thay đổi hẳn về nhận thức trong cuộc sống.
Em Lê Nguyễn Vân Anh (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10) cho biết, từ một cô bé không biết nhường nhịn bạn, không biết nhận ra khuyết điểm của bạn thân, không biết nhận lỗi khi làm sai, chính nhờ quyển sách “Hạt giống tâm hồn – Cho lòng dũng cảm và tình yêu trong cuộc sống” đã khiến cho nhận thức của em thay đổi hẳn.
Lê Nguyễn Vân Anh tâm sự., chính nhờ những câu chuyện nêu trong cuốn sách nói trên, đã giúp cho em biết rằng, mình vẫn còn quá sung sướng, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót, phải biết tự chấp nhận để thay đổi chính bản thân mình.
Từ những câu chuyện này đã cho Vân Anh bài học là cần phải biết coi trọng cuộc sống của mình, bởi chúng ta còn may mắn hơn người khác rất nhiều.
Em Cao Thanh Hiếu (học sinh lớp 9, Trường trung học cơ sở Nguyễn Du, quận Gò Vấp) đánh giá, chính nhờ đọc sách đã giúp cho em có thêm nhiều kiến thức tốt hơn, nói năng lưu loát, giao tiếp tốt, phân biệt những điều tốt, xấu ở xung quanh mình, nhận ra các điểm mạnh, điểm tốt của bạn bè, để có thể mạnh dạn nhận lỗi khi có lỗi, biết giữ gìn trật tự, vệ sinh, ngăn nắp và đúng giờ.
Khi đọc sách, Hiếu hay có một cây bút cầm sẵn trên tay, thấy câu nào hay, kiến thức mới hay bài học ý nghĩa, em hay gạch dưới những ý đó. Khi về nhà, em hay ghi những điều chú ý đó vào một cuốn sổ, có thời gian thì em lại vẽ sơ đồ tư duy cho quyển sách, khi rảnh là em lại ngồi xem lại.
Lúc nào vào lớp, em hay ngồi tranh luận với bạn bè về những cuốn sách mà mình đã đọc, hay giới thiệu, chia sẻ với các bạn những sách hay, thú vị.
Dưới góc độ là một giáo viên lớp 3, cô Đỗ Hoàng Mai (Trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận 11) chia sẻ, học sinh của cô đã thay đổi rất nhiều khi có thói quen đọc sách, như viết văn sáng tạo hơn, nói năng lưu loát, có ý thức tự học cao hơn.
“Nhiều học sinh trung bình đã không còn dán mắt vào các bộ game, mà chuyển sang đọc các bộ sách phù hợp với lứa tuổi như: Mười vạn câu hỏi Vì sao, Thế giới khủng long, Vòng quanh thế giới…”
Theo cô Mai, các em học sinh trong độ tuổi từ 3 đến 9 tuổi thường như một tờ giấy trắng, là thời điểm tốt nhất để thói quen đọc sách được hình thành….Cô Đỗ Hoàng Mai kiến nghị, nên đưa môn Đọc sách vào chương trình giảng dạy chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (giáo viên Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10) nói, cần có một tiết Đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa, giúp cho giáo viên có thời gian giúp học sinh có thói quen đọc sách tốt hơn.
Trước mắt, cô Hạnh cho rằng, thành phố có thể tích hợp tiết Đọc sách vào trong tiết sinh hoạt lớp, giúp cho học sinh phát triển tốt về mặt trí tuệ, tình cảm.