Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đã chia sẻ một số ý kiến của thầy xung quanh việc triển khai cuộc thi Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến trong các nhà trường ở Hà Nội.
Theo thầy Phạm Tất Dong, hiện nay xã hội của chúng ta đã phát triển hướng đến một nền kinh tế số hóa thì các dịch vụ qua mạng là rất cần thiết.
Thầy Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
“Người dân đi mua hàng giờ cũng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh mà thôi.
Thậm chí ở nhà, cần mua gì, khách hàng đặt online là xong.
Việc Hà Nội triển khai các dịch vụ công trực tuyến để thuận tiện, cắt giảm thời gian, bớt phiền hà cho người dân là điều cần thiết.
Tuy nhiên, đối với trẻ con, các con học cái đó làm gì vội. Người lớn, các cơ quan công sở hiểu và làm được việc này là đủ”, thầy nói.
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, việc này thiên về các kỹ năng, thao tác thì cần tổ chức huấn luyện ở các cơ quan. Tại các xã, phường có người hướng dẫn cho người dân.
Việc này phải thành kỹ năng chứ không chỉ là nhận thức.
“Câu hỏi hoành tráng nhưng trả lời bằng cách tra cứu trên mạng, thi cho xong có khi được giải thật nhưng lại chẳng làm được khi cần.
Thậm chí kể cả có bộ đáp án nhưng nếu các con chưa cần dùng đến các dịch vụ này thì để làm gì?.”, Giáo sư Phạm Tất Dong băn khoăn.
Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, các con sử dụng thành thạo máy tính thì Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, các phòng giáo dục, các trường nên hướng dẫn các con kỹ năng học trực tuyến thì tốt hơn.
“Sở, phòng, trường hãy đưa các tài liệu cập nhật lên mạng, hướng dẫn các con tìm tài liệu và bằng cách nào có thể truy cập được, có thể học trực tuyến.
Việc đó thiết thực, lợi ích với các con hơn nhiều là tham dự các cuộc thi vì thành tích phải đạt 90-95% tham gia. 90-95% học sinh tham dự không là bệnh thành tích thì là gì.
Đã là cuộc thi thì phải là tự nguyện, ai tham gia thì tham gia, các cháu không thích thì thôi, đặt chỉ tiêu làm gì.
Cá nhân tôi mong những người quản lý giáo dục tập trung làm tốt nhiệm vụ dạy và học, giúp các con thành người tử tế thay vì trường học thành nơi thống kê số lượng người tham gia cho các cuộc thi”, Giáo sư Dong nói.
Ông nhấn mạnh: “Cái gì cũng vậy. Một khi người ta thấy lợi ích thiết thân, hiệu quả thì chả bắt người ta thi người ta cũng làm.
Nhiều phần mềm ứng dụng có tổ chức thi cử gì đâu mà người ta vẫn tải app, vẫn làm ầm ầm đấy thôi.
Nhật Cường bị khám xét, các dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội có bị ảnh hưởng? |
Quan trọng, các dịch vụ công trực tuyến tiện lợi, dễ thao tác, nhanh chóng, hệ thống chạy tốt thì không bắt thi người dân cũng tự tìm đến”.
Không chỉ Giáo sư Phạm Tất Dong, sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải 2 bài viết Bảo học sinh cấp 2 thi về dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội thực sự muốn gì?, Chủ trương của Sở, nói không bắt buộc nhưng áp chỉ tiêu cao nhất là 95%, nhiều độc giả cũng bày tỏ ý kiến về vấn đề này.
Bạn đọc Lê Tuấn cho rằng, rất nhiều địa phương, ban ngành phát động các "cuộc thi tìm hiểu" đủ các loại và để có số lượng bài tham gia, học sinh là đối tượng được hướng đến.
"Quản lí giáo dục phải xem xét cuộc thi nào có lợi cho học sinh và phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện", độc giả nêu quan điểm.