Bàn về chuyện giáo dục xưa và nay, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đã có nhiều chia sẻ và ý kiến có giá trị.
Theo thầy Khuyến, bản chất của nền giáo dục xưa và nay đang có sự chuyển đổi từ hướng tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận theo năng lực.
Trong bối cảnh vận động đó, giáo viên ít nhiều bị ảnh hưởng và phải thay đổi để bắt kịp xu hướng đào tạo các nhà giáo dục trong tương lai.
Thưa Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, theo đánh giá và quan điểm của ông: Bản chất của nền giáo dục xưa và nay có những điểm gì giống và khác nhau?
Để trả lời toàn diện và cặn kẽ câu hỏi này thì rất khó. Tôi chỉ nêu lên cảm nghĩ của tôi thôi.
Hiện nay có rất nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau về nền giáo dục Việt Nam hiện nay thậm chí có không ít quan điểm trái chiều và xung đột nhau.
Ý xưa - Ngẫm lại trong sự nghiệp giáo dục nước ta hiện nay |
Nhưng tôi cảm nhận, giáo dục Việt Nam hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi để tiếp cận những cái tốt hơn.
Trước đây, nền giáo dục truyền thống ưu tiên hướng tiếp cận về nội dung.
Đây cũng là đặc điểm của nền giáo dục thế kỷ trước.
Thế nhưng từ cuối thế kỷ trước đến nay, nền giáo dục nói chung đang chuyển dần sang hướng tiếp cận theo năng lực và giáo dục của ta hiện nay cũng đang chuyển biến theo hướng đó.
Tiến sĩ đánh giá như thế nào về việc chuyển đổi nền giáo dục từ hướng tiếp cận nội dung sang năng lực tại Việt Nam hiện nay?
Đối với giáo dục Đại học hướng tiếp cận theo năng lực còn hơi sớm. Tuy nhiên ở bậc phổ thông, một số năm gần đây, kể cả trong các văn bản chính thống của Đảng, Nhà nước cũng thể hiện được xu hướng giáo dục của ta chuyển sang hướng tiếp cận năng lực.
Song quá trình chuyển đổi đó không thể chóng vánh, mà đòi hỏi phải có thời gian. Các nước khác cũng phải mất nhiều thập niên mới có được kết quả như ngày hôm nay.
Nên nếu bây giờ chúng ta chỉ nhìn vào kết quả của các nước và sốt ruột, nghĩ rằng ta chuyển đổi đang quá chậm là không thỏa đáng.
Trên thực tế tôi nghĩ có thể chúng ta có chậm: về chuyển đổi tư duy, ý thức, phương pháp, cách làm nhưng không có nghĩa là không có sự biến đổi.
Nếu nhìn nhận và đánh giá lại ta sẽ thấy lẽ ra ta có thể chuyển đổi nhanh hơn. Rất tiếc do sự chuyển đổi tư duy chậm – từ cả phía hệ thống lãnh đạo ngành giáo dục và của cả người dân, đội ngũ giáo viên.
Nếu quá trình chuyển đổi đó, chúng ta chủ động thì hoàn toàn có thể tiến hành nhanh hơn.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng nền giáo dục đang chuyển từ hướng tiếp cận nội dung sang tiếp cận theo năng lực (Ảnh:T.L) |
Vậy việc chuyển đổi hướng tiếp cận từ nội dung sang năng lực có ảnh hưởng như thế nào đến đội ngũ giáo viên?
Việc này ảnh hưởng nhiều lắm chứ. Tôi nhớ đầu năm học vừa qua, Thủ tướng có phát biểu một câu: Đào tạo giáo viên hiện nay chúng ta cần phải thay đổi từ đào tạo thợ dạy sang đào tạo các nhà giáo dục.
Đó là một tư duy tiến bộ và chuyển đổi rất lớn. Ví dụ đối với thợ dạy việc thay đổi một cuốn sách giáo khoa, một chương trình mới là không thể dạy được, phải đi tập huấn lại.
Còn đối với các nhà giáo dục thì sách giáo khoa nào, chương trình nào cũng có thể dạy được.
Đây là sự chuyển đổi rất lớn mà cá nhân tôi cho rằng xã hội, người dân, đội ngũ giảng viên, giáo viên, những người lãnh đạo ngành giáo dục buộc phải có những suy nghĩ sâu hơn về ý kiến chỉ đạo đó của Thủ tướng.
Theo Tiến sĩ, tinh thần của một nhà giáo dục khác với một thợ dạy như thế nào cả về năng lực cũng như phẩm chất đạo đức?
Các nhà trường đang đào tạo giáo viên chủ nhiệm như thế nào? |
Tôi nghĩ tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất đạo đức…đã là nhà giáo thì ai cũng phải có.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh hơn yếu tố về năng lực, nhất là năng lực chuyên môn.
Đối với những sự thay đổi của xã hội, của nền giáo dục, của bối cảnh trong và ngoài nước, nếu là thợ dạy thì không bắt kịp được những thay đổi đó nhưng nếu là nhà giáo dục thì có thể bắt kịp được mọi sự thay đổi để làm cho giáo dục hoàn thiện hơn, cởi mở hơn cũng như đi vào guồng quay nhanh chóng hơn.
Bên cạnh tri thức, nhà giáo dục còn phải dạy dỗ học sinh những kiến thức nào khác?
Theo tôi, những điều này trước đây Bác Hồ đã nói: phải dạy tốt, học tốt. Nếu đào tạo trong việc giảng dạy, theo hướng tiếp cận cũ là hướng vào việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng của người thầy cho người học.
Còn theo hướng tiếp cận mới người thầy phải có khả năng phát hiện sở trường, ưu điểm của người học để hướng người học đến mức phát triển cao nhất những sở trường, năng lực đó.
Ngoài ra nhà giáo dục cũng phải hướng đến việc đào tạo toàn diện người học cả về những kỹ năng sống, kiến thức xã hội.
Trong bối cảnh chuyển đổi từ nền giáo dục cũ sang nền giáo dục mới không thể tránh khỏi những xung đột. Theo Tiến sĩ những xung đột đó là gì và làm thế nào để dung hòa những xung đột đó?
Tôi lấy một ví dụ về việc thưởng/ phạt học sinh và cách tổ chức các kỳ thi như hiện nay. Đó là những biểu hiện rõ nét của những xung đột khi chuyển từ hướng tiếp cận cũ sang mới.
Trong tiếp cận nội dung, quan niệm của đánh giá người học xuất phát từ triết lý sư phạm quyền uy thuộc người thầy. Nên trong đánh giá chuyên môn, thầy có quyền ra đề, và đề đó là đúng, đừng có thắc mắc.
Thầy làm barem, và barem đó cũng là đúng, đừng thắc mắc. Những năm trước đây, ta thấy các thầy ra đề là được đưa vào một phòng kín để bàn bạc, thảo luận với nhau, và thống nhất cho rằng đề đó là hợp lý, vừa phải.
Nhưng là hợp lý với thầy chứ không phải với người học, học sinh. Nên mỗi lần ra đề xong, các phóng viên của ta gặp các thầy, thì nói đề năm nay rất vừa, tỉ lệ đỗ sẽ cao. Nhưng có khi kết quả thực tế lại không phải thế.
Còn bây giờ chuyển sang hướng tiếp cận năng lực. Mấy năm gần đây ta có kỳ thi gọi là đánh giá năng lực, tiêu chuẩn hoá.
Đề thi phải lấy từ bộ đề thi, những câu đưa vào bộ đề thi phải được thử trên chính người học, hàng vạn hàng triệu học sinh để phân loại độ khó, dễ rồi mới đưa vào.
Đề thi đó, trên cơ sở xuất phát đó, sẽ dẫn tới đề thi ổn định hơn, điểm số cũng không phập phù tuỳ tiện theo cách ra đề như những năm trước. Việc thay đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực cũng đã thể hiện trong đề thi.
Giáo viên hiện nay đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức không nhỏ (Ảnh minh họa: Báo Thanh Tra) |
Khi chuyển từ triết lý sư phạm quyền uy sang tiếp cận đánh giá năng lực, thì triết lý sẽ là giáo dục tương tác.
Thầy và trò giúp nhau, để trò có thể tiếp thu kiến thức, kỹ năng cần thiết, cần có để phát triển năng lực của người học.
Bây giờ không ít thầy vẫn còn quan niệm yêu phải cho roi cho vọt thì trò mới nên người. Thế hệ của chúng tôi, các thầy rất yêu quý, rất nhiệt tình nhưng cũng sẵn sàng cho roi.
Còn hiện nay quan điểm yêu thương học sinh thì phải thế này thế khác, theo kiểu bình đẳng. Nên mới có sự xung đột giữa 2 luồng quan điểm.
Ngoài giáo dục sư phạm thì giáo dục hướng nghiệp cũng phải có những thay đổi khi chuyển hướng từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.
Những xung đột trong giai đoạn chuyển đổi đó thì mình phải chấp nhận, và chấp nhận cả hướng đi mới trong tương lai.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!