Trong bối cảnh mà khoa học công nghệ đang phát triển như bão hiện nay, đòi hỏi mọi công chức, viên chức phải nắm được nhưng kiến thức nhất định về tin học và ngoại ngữ mới có thể tiếp cận công việc của mình được tốt nhất.
Đối với giáo viên, ngoài chuyên môn ra mà biết sử dụng được ngoại ngữ và nắm được những kiến thức cơ bản về tin học thì thuận lợi vô cùng trong công việc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy giáo viên không dạy ngoại ngữ rất nhanh quên cho dù đã học, còn tin học thì gần như sử dụng hàng ngày. Vì vậy, giáo viên mà yếu hoặc không am hiểu về tin học sẽ rất vất vả trong quá trình thực hiện công việc hàng ngày của mình.
Giáo viên am hiểu về tin học rất thuận lợi trong công việc của mình (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Thực tế cho thấy, giáo viên bây giờ mà không biết về tin học, không sử dụng được mạng Internet thì rất khó để làm cho bài giảng của mình được phong phú, lôi cuốn được học trò trong suốt quá trình dạy học của mình. Thế nhưng, thực tế đội ngũ giáo viên yếu và không biết về tin học vẫn còn.
Trong khi hiện nay chỉ trừ những trường vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn thì yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy mới chưa được chú trọng.
Những trường ở khu vực đồng bằng, thành thị thì yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đã là yêu cầu bắt buộc. Nhiều người chưa thành thạo, am hiểu về công nghệ thông tin cho rằng dạy bằng máy chiếu là chuyển từ “đọc- chép”, sang “chiếu- chép”.
Tuy nhiên, thực tế thì những người mà am hiểu về công nghệ thông tin không ai làm thế bao giờ. Dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin thường đem lại sự thích thú cho học trò nếu người thầy tận dụng tối đa về lợi thế của công nghệ thông tin.
Người thầy nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tin học người ta không chiếu- chép mà sẽ chiếu những hình ảnh, những thước phim tư liệu quý, những ca khúc phù hợp để minh họa, lồng ghép vào bài giảng của mình hiệu quả hơn, giúp cho học sinh dễ lĩnh hội được kiến thức bài giảng.
Chẳng hạn, khi giảng về môn Lịch sử đến một giai đoạn lịch sử, một chiến dịch nào đó thì người thầy chiếu những thước phim tư liệu lịch sử sẽ làm cho bài giảng sống động và thuyết phục hơn. Học sinh dễ mường tượng hơn rất nhiều điều mà sẽ hiểu một cách tường tận vấn đề của bài học.
Hay, khi giảng một tác phẩm văn học như Lão Hạc, Chí Phèo, Vợ chồng A Phủ...thì giáo viên cắt một số đoạn phim tiêu biểu lồng ghép vào bài giảng của mình sẽ làm cho học sinh thích thú hơn.
Dạy môn Địa lý, nếu ứng dụng công nghệ thông tin sẽ chiếu về các vùng kinh tế, các nguồn lực, các loại khoáng sản...học sinh sẽ nhanh hiểu hơn bởi các em có cái nhìn cận cảnh về môn học của mình.
Rõ ràng, “kênh hình” sẽ giúp cho người học thêm nhiều điều bổ ích mà ngôn ngữ chưa thể diễn tả hết được.
Điều đơn giản nhất là soạn thảo giáo án, làm đề kiểm tra, các loại văn bản hàng ngày thì bây giờ không có đơn vị nào lại yêu cầu bản chép tay nữa. Tất cả phải thực hiện bằng việc đánh máy và in vào giấy A4 để nộp.
Khi làm đề kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ, nhà trường cần trộn đề thì các giáo viên gửi đề kiểm tra lên Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, họ chỉ cần trộn các câu hỏi của các đề lại với nhau cũng rất thuận tiện.
Các loại văn bản hành chính, các kế hoạch của ngành bây giờ đa phần cũng được chuyển qua đường email, nó vừa nhanh, thuận tiện và lưu lại được, khi cần thì thầy cô sẽ nhanh chóng tìm thấy.
Vì thế, giáo viên không biết về tin học thì phải nhờ, phải thuê người khác làm. Nhưng, nếu làm đề kiểm tra định kỳ, đề kiểm tra học kỳ mà phải nhờ (thuê) người khác làm thì rất dễ dẫn đến chuyện lộ đề.
Thậm chí những việc như làm các bản đăng ký thi đua, đánh giá hàng năm cứ phải nhờ giáo viên khác làm. Tất nhiên, người khác sẽ làm thay nhưng năm nào cũng nhờ thì rõ ràng bất tiện vô cùng.
Những tiết dạy công nghệ thông tin bắt buộc theo quy định của nhà trường thì phải nhờ giáo viên trong tổ, trong trường soạn giúp. Vào điểm phần mềm điện tử cũng nhờ người khác, nhận xét hạnh kiểm học sinh hàng tháng cũng phải nhờ...
Những lúc rảnh rỗi thì không sao, cuối học kỳ, cuối năm thì ai cũng bận rộn mà mình lại nhờ đồng nghiệp nữa thì coi sao đành.
Hơn nữa, khi biết về tin học, giáo viên sẽ thường xuyên cập nhật trên các chuyên trang của ngành, nắm được các văn bản mới, các bài giảng hay để mình có thể tham khảo, học hỏi và biết được chủ trương của ngành mà thực hiện nhiệm vụ hàng ngày.
Việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên hiện nay cũng chủ yếu là qua các module được cấp trên gửi qua email trường. Nếu giáo viên không có kiến thức tin học cũng không biết mở như thế nào để đọc, để lưu mà bồi dưỡng.
Chính vì thế, nói gì thì nói, các thầy cô giáo chưa biết về tin học cũng cần tranh thủ học và nắm được những kiến thức cơ bản. Chứng chỉ không quan trọng mà quan trọng nhất là biết sử dụng tin học vào những việc hữu ích hàng ngày cho công việc của mình.
Đối với giáo viên cũng không nhất thiết phải biết quá sâu về tin học nhưng tối thiểu phải biết soạn thảo văn bản, biết soạn bài giảng điện tử, biết lưu văn bản, biết sử dụng email...
Những điều tối thiểu này nếu học ở các trung tâm sẽ rất lâu và khó hiểu bởi có nhiều lý thuyết mà tâm lý khi lớn tuổi rất ngại học ở trung tâm.
Vì thế, các thầy cô giáo chưa biết về tin học hoặc biết mà chưa thể sử dụng trong công việc chỉ cần chịu khó nhờ những đồng nghiệp trong trường chỉ trực tiếp cho một và buổi là có thể làm được.
Đổi mới giáo dục là sự chung tay của nhiều người, trong đó, người thầy lại đóng một vai trò quan trọng, quyết định cho sự thành công.
Nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây rất nặng và cũng rất khác với chương trình hiện hành nên đòi hỏi mỗi người thầy phải thực sự cố gắng và thường xuyên học hỏi mới có thể đáp ứng được.
Và, muốn tiếp cận dễ dàng nhất, nhanh nhất thì không có con đường nào thuận tiện hơn là có được những kiến thức cơ bản về tin học.