Quy định thời hạn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

25/11/2019 09:06
Cao Nguyên
(GDVN) - Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.

Riêng chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin không quy định thời hạn sử dụng.

Thời hạn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ

Chứng chỉ ngoại ngữ được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc từ bậc 1 đến bậc 6 (tương đương với chứng chỉ A, B, C hoặc A1, A2, B1, B2, C1, C2 trước đây).

Đến nay, chỉ có 8 trường đại học đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho người học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cụ thể: Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Cần Thơ.

Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể. (Ảnh minh họa: Công Tiến/ Giaoduc.net.vn)
Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể. (Ảnh minh họa: Công Tiến/ Giaoduc.net.vn)

Theo Khoản 2, Điều 3, Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT, thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.

Theo Công văn 3755/BGDĐT-GDTX, việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (nếu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền) xem xét, quyết định dựa theo yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với vị trí công việc.

Như vậy, thời hạn sử dụng của chứng chỉ ngoại ngữ do đơn vị sử dụng nhân lực quy định tùy thuộc yêu cầu công việc.

Thời hạn sử dụng của chứng chỉ Tin học

Việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT.

Đáng chú ý, Điều 16 của Thông tư này ghi rõ: 

Chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản được cấp cho cá nhân đạt yêu cầu của bài thi theo Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản (gồm đủ 6 mô đun cơ bản) quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT.

Do sức ép của trường, chỉ một tuần tôi đã có 2 chứng chỉ
Do sức ép của trường, chỉ một tuần tôi đã có 2 chứng chỉ

Cụ thể: Hiểu biết về công nghệ thông tin cơ bản; Sử dụng máy tính cơ bản; Xử lý văn bản cơ bản; Sử dụng bảng tính cơ bản; Sử dụng trình chiếu cơ bản; Sử dụng Internet cơ bản.

Chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao được cấp cho cá nhân có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, đồng thời đạt yêu cầu của các bài thi tương ứng với 03 mô đun trong số các mô đun của Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin nâng cao quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT.

Cụ thể: Xử lý văn bản nâng cao; Sử dụng bảng tính nâng cao; Sử dụng trình chiếu nâng cao; Sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu; Thiết kế đồ họa hai chiều; Biên tập ảnh; Biên tập trang thông tin điện tử; An toàn, bảo mật thông tin; Sử dụng phần mềm kế hoạch dự án.

Hiện nay, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin gồm 2 loại: Chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và Chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao.

Các chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin này đều không quy định thời hạn sử dụng. Việc chấp nhận, thời hạn áp dụng chứng chỉ tin học sẽ do Ủy ban nhân dâncấp tỉnh quy định tùy theo yêu cầu công việc cụ thể.

Lưu ý:

Theo Khoản 2, Điều 23, Thông tư liên tịch 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT, chứng chỉ Tin học ứng dụng A, B, C đã cấp trước ngày 10/8/2016(theo Quyết định 21/2000/QĐ-BGD&ĐT) vẫn có giá trị sử dụng tương đương với chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Tuy nhiên, nếu muốn sở hữu chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin mới thì người học cần phải thi hoặc học lại mà không thể chuyển đổi trực tiếp từ chứng chỉ cũ.

Về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 3755/BGDĐT-GDTX hướng dẫn quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ. 

Theo đó, cách quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ theo trình độ như sau:

1

Trình độ A theo Quyết định 177

Tương đương bậc 1 của Khung 6 bậc

Trình độ A1 theo Quyết định 66

2

Trình độ B theo Quyết định 177

Tương đương bậc 2 của Khung 6 bậc

Trình độ A2 theo Quyết định 66

3

Trình độ C theo Quyết định 177

Tương đương bậc 3 của Khung 6 bậc

Trình độ B1 theo Quyết định 66

4

Trình độ B2 theo Quyết định 66

Tương đương bậc 4 của Khung 6 bậc

Trình độ C1 theo Quyết định 66

Tương đương bậc 5 của Khung 6 bậc

5

Trình độ C2 theo Quyết định 66

Tương đương bậc 6 của Khung 6 bậc

Về việc quy đổi chứng chỉ Tin học

Hiện nay, việc thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng theo Điều 23, Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT.

Với các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ Tin học ứng dụng A, B, C theo Quyết định 21/2000/QĐ-BGDĐT đang triển khai trước ngày 10/8/2016 vẫn được tiếp tục thực hiện và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.

Đáng chú ý, các chứng chỉ Tin học ứng dụng A, B, C đã cấp có giá trị sử dụng tương đương với chứng chỉ công nghệ thông tin cơ bản.

Tài liệu tham khảo:

[1] Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT

[2] Công văn 3755/BGDĐT-GDTX

[3] Thông tư liên tịch 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT

Cao Nguyên