Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Tuy nhiên ngày 16/10/2019, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ trong đó có một số nội dung đi trái với chủ trương tự chủ đại học trong Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017; cũng như trái với quy định trong Luật số 34/2018/QH14.
Trong số các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có hai trường đại học (gồm Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Công đoàn). Hai trường này vừa là đối tượng điều chỉnh của Luật số 34/2018/QH14 và các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tự chủ đại học, vừa là đối tượng nội bộ bị điều chỉnh bởi Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ.
Trước vấn đề này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Việt Nam cho rằng:
“Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, tinh thần chính của Luật này là làm sao phát huy được nội lực tiềm năng của từng trường đại học để tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả của nhà trường tốt hơn. Điều này vừa phù hợp với xu thế của thế giới và cũng là yêu cầu của đất nước.
Ngoài ra, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) cũng đưa ra nội dung về tự chủ đại học để tránh những ràng buộc làm mất đi tính chủ động, sáng tạo của các nhà trường. Phải nói rằng đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Do đó, việc thực hiện Luật này hết sức quan trọng, đòi hỏi các bộ, các cơ quan chủ quản của các trường đều phải có trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện.
Giáo sư Vũ Văn Hiền - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (Ảnh: tuyengiao.vn) |
Cơ quan nào đưa ra văn bản, quyết định mang tính “ngăn sông cấm chợ” để quản lý, ràng buộc các cơ sở giáo dục đại học là đều trái với pháp luật”, Giáo sư Vũ Văn Hiền nhấn mạnh.
Trước nội dung Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có một số nội dung đi ngược lại so với Luật số 34/2018/QH14, Giáo sư Vũ Văn Hiền cho rằng, trước tiên Bộ Tư pháp cần xem xét lại văn bản này và có phương án xử lý bởi đây cơ quan giúp Chính phủ kiểm soát việc ban hành văn bản để thực hiện các luật.
Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lê Thanh Vân - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Luật số 34/2018/QH14 đã có hiệu lực nên không thể có một cơ quan, tổ chức nào được phép đi ngược lại”.
Ra văn bản trái Luật, vô tình hay hữu ý? |
Do đó, theo Đại biểu Lê Thanh Vân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội được Nhà nước trao cho một số quyền hạn, nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý trong các đơn vị trực thuộc nên việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành một văn bản trái Luật là điều không thể chấp nhận được.
Nói về phương án xử lý, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh: “Việc một cơ quan, tổ chức ban hành văn bản trái luật sẽ có 3 cách xử lý.
Thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải tự rà soát lại việc chấp hành pháp luật của mình đã đúng hay chưa đồng thời cần hủy bỏ Quyết định 1584 bởi lẽ Luật số 34/2018/QH14 đã có hiệu lực pháp lý.
Thứ hai, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ tư pháp – cơ quan giúp Chính phủ kiểm soát việc ban hành văn bản để thực hiện các đạo luật của Quốc hội cần phải tuýt còi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thứ ba là con đường giám sát của Quốc hội”.
Cũng theo ông Vân, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực thi Quyết định 1584 cần có kiến nghị gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về những nội dung đi ngược lại so với Luật số 34/2018/QH14.
Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không giải quyết thì cơ sở thực thi Quyết định này có quyền khiếu nại lên Thủ tướng và gửi các văn bản kiến nghị lên các Ủy ban của Quốc hội để phản ánh, cụ thể là Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.