Học sinh khối 10 Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ban Mai đã tổ chức buổi báo cáo trải nghiệm thực tế dự án "Theo ánh Sao Khuê" vào ngày 10/1 ngay tại đền thờ anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trong di tích Côn Sơn (Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Với mong muốn tái hiện phần nào cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, học sinh khối 10 với dự án văn thuyết minh đã sân khấu hóa toàn bộ những mốc quan trọng trong cuộc đời anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi và gia quyến trước giờ bị giết hại. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Dự án "Theo ánh Sao Khuê" là dự án dạy học trải nghiệm tích hợp 4 môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân với phương pháp học tập mới. Những nội dung kiến thức trong sách giáo khoa trở nên sinh động, thiết thực và hấp dẫn hơn rất nhiều.
Mở đầu buổi báo cáo, học sinh khối 10 đã thuyết minh về quần thể di tích Côn Sơn bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Với phần thuyết minh giới thiệu về di tích bằng tiếng Anh, các em đã gây bất ngờ cho các hướng dẫn viên làm việc tại di tích, khách tham quan và đặc biệt sự quan tâm lắng nghe của các du khách nước ngoài.
Trọng tâm của dự án là việc sân khấu hóa cuộc đời Nguyễn Trãi với các màn Bút tích Thái Sinh; Lam Sơn đại sự; Vụ án Lệ Chi Viên; Lê Thánh Tông giải oan Lệ Chi Viên.
Với những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ đất nước đặc biệt là sự nghiệp Bình Ngô cùng nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi, Nguyễn Trãi là một trong nhưng nhân vật lịch sử toàn tài lỗi lạc và có nhiều oan khuất nhất trong lịch sử văn học và lịch sử các triều đại phong kiến của dân tộc.
Em Nguyễn Trường Giang – học sinh lớp 10i, người đóng vai Nguyễn Trãi trong màn Vụ án Lệ Chi Viên tâm sự: “Được hóa thân thành anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và đặc biệt thể hiện lại một trong phân cảnh có tính cao trào nhất của vở diễn ngay tại đền thờ ông là một kỷ niệm khó phai trong cuộc đời học sinh của em.
Để có ít phút biểu diễn trên sân khấu, tập thể lớp đã làm việc, gắn bó cùng nhau. Từ kịch bản, trang phục, các hoạt động hậu kỳ…đều được đầu tư bằng rất nhiều tình cảm, tâm huyết, trí tuệ.
Quá trình chuẩn bị cho vở diễn, mỗi học sinh trong lớp được phân công các nhiệm vụ cụ thể. Mỗi bạn phải tự tìm hiểu về quá trình, sự nghiệp, bối cảnh xã hội, gia thế của ông nên các kiến thức về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi được tự bản thân chúng em tìm tòi, ghi nhớ.
Thông qua dự án, chúng em còn được rèn luyện 7 thói quen như: Sống chủ động, bắt đầu với mục tiêu, tư duy cùng thắng, ưu tiên việc quan trọng, hợp lực và đặc biệt đó là rèn giũa bản thân”.
Và để tăng tính hấp dẫn cho buổi báo cáo, có một hội đồng ban giám khảo chấm điểm cho các vở diễn. Thành phần hội đồng giám khảo gồm toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh có mặt tại chương trình; toàn thể học sinh tham dự; khách thăm quan thập phương.
Ông Nguyễn Cao Cửu – phụ huynh một học sinh khối 10 trực tiếp tham gia chương trình cho biết, bản thân ông thực sự vô cùng xúc động trước sự hóa thân, nhập vai một cách tuyệt vời của các con.
“Đặc biệt ở phân cảnh Nguyễn Trãi nâng vò rượu được dân làng biếu tặng lên và nói những lời gan ruột trước khi cùng cả gia đình bị giết hại, đôi môi run run, ánh mắt buồn bã của em học sinh hóa thân Nguyễn Trãi khiến tôi cay xè mắt.
Chắc chắn các con đã phải tìm hiểu, đọc rất kỹ về Nguyễn Trãi mới có thể truyền tải được cảm xúc tuyệt vời đến vậy”, phụ huynh học sinh tâm sự.
Thầy Nguyễn Văn Khoa – Tổ trưởng tổ xã hội Trung học phổ thông của trường, người chỉ đạo chương trình chia sẻ: “Có thể lúc bắt đầu dự án, nhiều phụ huynh, giáo viên lo lắng không biết các con có làm được không. Nhưng tôi luôn cho rằng, chúng ta, các giáo viên hãy trao cơ hội cho các con. Các con sẽ làm được vì tự các con tìm tòi, các con sẽ có sự hứng thú, sáng tạo hơn rất nhiều.
Một ngày báo cáo kết quả dự án nhưng các con đã phải làm việc một cách chủ động trong cả tháng trước đó.
Các con phải tìm hiểu về cuộc đời của anh hùng dân tộc-danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, từ ngôn ngữ thời đại đó, bối cảnh lịch sử, trang phục, âm nhạc…để sân khấu hóa khắc họa thành công cuộc đời của ông.
Chính vì thế, tôi tin những gì thể hiện trong một ngày trải nghiệm và báo cáo dự án theo phương thức trên, các kiến thức sẽ khắc sâu trong tâm trí các con hơn rất nhiều việc giáo viên giảng nhiều giờ trên lớp. Đặc biệt, nó sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh với tất cả các con để đúng là học mà chơi, chơi mà học”.
Tại buổi báo cáo, thầy Nguyễn Khánh Chung – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ban Mai gửi lời cảm ơn đến các con học sinh khối 10 đã tham gia dự án.
“Các con đã mang đến rất nhiều cảm xúc cho các giáo viên, phụ huynh, du khách tham quan di tích với quá trình chuẩn bị chu đáo và thể hiện thành quả bằng các màn biểu diễn tuyệt vời”, thầy Chung nói.
Đại diện nhà trường nhấn mạnh, dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy khả năng, năng lực học sinh.
Hình thức này đã và sẽ được Ban giám hiệu nhà trường triển khai sâu rộng trong hoạt động dạy và học.
Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng của dự án:
Màn Bút tích Thái Sinh của tập thể lớp 10S. Ảnh: Đỗ Thơm |
Phân cảnh Nguyễn Trãi đọc Cáo Bình Ngô trong màn Lam Sơn Đại sự do tập thể lớp 10T thể hiện. Ảnh: Đỗ Thơm |
Phân cảnh Nguyễn Trãi uống vò rượu dân làng gửi tặng như lời tiễn biệt ông trước giờ ra đi trong màn Vụ án Lệ Chi Viên do lớp 10i thể hiện. Ảnh: Đỗ Thơm |
Màn Lê Thánh Tông giải oan cho Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi Viên do tập thể lớp 10M thể hiện. Ảnh: Đỗ Thơm |
Buổi báo cáo nhận được sự quan tâm theo dõi của rất nhiều du khách nước ngoài tham quan di tích. Các học sinh của trường đã chủ động mời các du khách cùng chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Đỗ Thơm |