Vấn đề phát triển giáo dục tư thục và giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành tương đối đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn. Tuy nhiên, điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành.
Thầy Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô :"Nghị quyết 35 của Chính phủ giao là hướng dẫn các địa phương, chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong quy hoạch mạng lưới, và các chiến lược kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn. Nội dung này Bộ Giáo dục lại không đưa vào". Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nhận diện những điểm nghẽn này, thầy Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội), đã chia sẻ quan điểm:
“Có 2 văn bản, một là Nghị quyết 35 của Chính phủ và hai là Kế hoạch số 1237 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai Nghị quyết 35, khi tôi đối chiếu giữa nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục để triển khai Nghị quyết thì tôi thấy rất cụ thể, giao từng bộ và làm những việc gì.
Tôi nhận thấy trong kế hoạch của Bộ Giáo dục cũng đã bám sát những nhiệm vụ của Chính phủ giao. Tuy nhiên ở đây tôi phát hiện ra một nội dung trong kế hoạch của bộ là chưa thể hiện rõ và chưa đầy đủ nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao.
Trong Nghị quyết 35 của Chính phủ thì Bộ Giáo dục có giao nhiệm vụ thường xuyên rà soát các điều kiện đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để cắt giảm các điều kiện không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nội dung này đã được Bộ đưa vào trong mục 2.
Nhưng có một nội dung thứ 2 cũng rất là quan trọng mà trong Nghị quyết 35 của Chính phủ giao là hướng dẫn các địa phương, chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong quy hoạch mạng lưới, và các chiến lược kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn. Nội dung này Bộ Giáo dục lại không đưa vào.
Hiện nay chúng ta đều hiểu từ sau Đại hội 6, rồi đến Đại hội 8 thì nhà nước đã mở rộng phát triển khối giáo dục ngoài công lập hay có thể nói rõ hơn là giáo dục tư thục.
Như vậy là chính từ cấp Trung ương đã rất cởi mở với bản chất của hệ thống trường tư thục này, như vậy chúng ta đều hiểu là giáo dục công lập và giáo dục tư thục được ví như 2 cánh của một con chim đại bàng của ngành Giáo dục Việt Nam.
Như vậy để giáo dục phát triển hài hòa, đồng bộ thì 2 cánh này phải đập cùng một nhịp, giáo dục công lập và giáo dục tư thục phải cùng nhau phát triển, bổ trợ cho nhau trong sự nghiệp phát triển nền giáo dục chung.
Hiện nay ở kế hoạch tổng thể thì chúng ta có đưa vào giáo dục ngoài công lập bên cạnh giáo dục công lập, nhưng khi đến địa phương, tỉnh, thành phố và đặc biệt thấp hơn nữa là quận huyện thì mảng ngoài công lập bị mờ nhạt và chỉ còn mỗi giáo dục công lập.
Đó cũng chính là suy nghĩ của các cấp quản lý chưa hài hòa trong việc đối xử với 2 hệ thống giáo dục công lập và giáo dục tư thục này. Hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung khai thác và quản lý hệ thống trường công lập thôi, còn ngoài công lập phát triển được đến đâu hay đến đấy, không có định hướng cho rõ ràng, không có quy hoạch cho rõ ràng.
Chúng tôi rất mong muốn là trong kế hoạch giáo dục của từng địa phương, từ Trung ương đến địa phương thì cần phải có 2 phần, cho ngoài công lập và cho công lập. Hiện nay chúng ta mới chỉ tập chung cho công lập còn tư thục thì chưa được bao nhiêu.
Trong quy hoạch cần có vấn đề gì phải đưa vào? Thứ nhất là mạng lưới các trường, ví dụ trên địa bàn quận huyện của Hà Nội ở quận này với số lượng học sinh hiện tại và trong tương lai thì cần bao nhiêu trường công lập và bao nhiêu trường ngoài công lập ở các bậc học, chúng ta phải có kế hoạch cho rõ.
Như vậy nhà nước căn cứ trên thực tế sẽ đầu tư trường công lập, còn khối ngoài công lập thì huy động xã hội hóa, nhưng phải có quy hoạch để những nhà đầu tư biết, chỉ cho họ thấy vị trí địa điểm xây dựng ngôi trường đó. Có như vậy thì việc quản lý của chúng ta mới hài hòa, thống nhất được.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội) trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Hiện nay những trường ngoài công lập cũng như người dân không biết là ngôi trường này xây ở đâu và quy mô ra sao? Bản thân những nhà giáo như chúng tôi cũng chưa hề nhìn thấy quy hoạch các trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội ở chỗ nào, và ở các quận huyện lại càng không thấy đâu.
Như vậy có thể nói về mặt lý thuyết thì ở cấp Trung ương rất coi trọng và tạo điều kiện cho xã hội hóa giáo dục, cho các trường ngoài công lập phát triển, nhưng ở cấp quản lý địa phương thì thực tế lại chưa vào cuộc.
Đó là những cái tắc nghẽn, nếu nói những giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ - CP thì đó là khâu triển khai ở cấp địa phương, quận huyện, cơ sở. Tôi nghĩ ở khâu này thì các cấp chính quyền địa phương phải vào cuộc sát sao hơn.
Hiện nay Hà Nội chưa ban hành kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, và cả nước mới có 2 tỉnh triển khai ban hành kế hoạch để thực hiện việc này, còn lại 61 tỉnh thành phố vẫn án binh bất động, chưa nhập cuộc với Nghị quyết 35/NQ - CP.
Trong khi 35/NQ - CP đề ra có 5 năm từ 2019 đến 2025. Tôi thấy thực trạng là từ khi có Nghị quyết cho đến khâu thực hiện thì độ trễ của nó rất lớn.
Nên cái mà chúng tôi lo lắng và muốn sau này Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có đề xuất với các cấp quản lý là phải nhanh chóng nhập cuộc để giải quyết những vấn đề trong việc này.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kế hoạch của mình cần phải đưa vào hướng dẫn cho các địa phương về việc xây dựng, quy hoạch mạng lưới trường học bao gồm cả trong và ngoài công lập. Hiện nay ngoài công lập gần như thả nổi, các trường tự lo lấy và không nằm trong mạng lưới quy hoạch ổn định rõ ràng.
Từ đó dẫn tới tình huống mà chúng tôi là những người làm trường ngoài công lập từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng chúng tôi nói mà chẳng có ai nghe cả. Tức là nếu chúng ta không có quy hoạch này thì sẽ dẫn đến tình trạng có một điểm hay một quận nào đấy thì số lượng trường ngoài công lập rất nhiều, nhưng ở quận huyện khác thì lại không có, hoặc rất ít.
Như vậy là không hài hòa, chỗ nào phát triển được thì chúng ta cứ cho phát triển, việc này không có kế hoạch cũng như quy hoạch đầu tư lâu dài. Nếu cứ như vậy thì không bao giờ phát triển được giáo dục, và nó dẫn tới việc trường ngoài công lập quá đông hay quá ít thì cũng không được.
Chúng ta thấy hiện nay ở nhiều khu đô thị mới có hiện tượng người dân phản đối vì chỉ thấy trường tư thục, trong khi không hề có trường công lập. Chúng ta phải phát triển hài hòa 2 hệ thống này, nhưng để hài hòa được thì nhà nước, chính quyền địa phương phải đưa nó vào quy hoạch và kế hoạch phát triển, chứ không thể các trường tự làm được.
Nếu làm một cách minh bạch thì nhà nước, chính quyền địa phương phải công bố công khai quy hoạch tất cả các địa điểm để xây dựng trường trong từng quận huyện cũng như trong thành phố.
Và nhà nước sẽ đầu tư từng này trường công lập, những địa điểm còn lại chuyển sang trường ngoài công lập. Còn trường nào và nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào trường đó thì xin mời đăng ký với thành phố để mà xây dựng.
Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ có một bức tranh rất đẹp, rất hài hòa, công khai minh bạch về sự phát triển hệ thống giáo dục. Tôi thấy hiện nay là quá tù mù”.
Hiện nay ở kế hoạch tổng thể thì chúng ta có đưa vào giáo dục ngoài công lập bên cạnh giáo dục công lập, nhưng khi đến địa phương, tỉnh, thành phố và đặc biệt thấp hơn nữa là quận huyện thì mảng ngoài công lập bị mờ nhạt và chỉ còn mỗi giáo dục công lập. Ảnh minh họa, nguồn: Nhà trường cung cấp. |
Cũng theo thầy Quân: “Trở lại vấn đề rà soát các điều kiện đầu tư các lĩnh vực, cắt giảm các điều kiện không cần thiết, với nội dung này tôi có đề nghị là trong Nghị quyết 35 hiện nay về chính sách thuế giao Bộ Tài chính thì có câu "rà soát sửa đổi các quy định về thuế nhằm khuyến khích giáo dục, đào tạo tự chủ tài chính có tích lũy đầu tư".
Nhưng hiện nay chính sách thuế đối với các trường ngoài công lập, tôi chỉ nói ở cấp phổ thông thôi chứ cấp dạy nghề vào cao đẳng đại học tư thục thì đương nhiên phải đóng thuế vì đây là đào tạo nghề nghiệp rồi.
Nhưng khối phổ thông mà chúng ta gọi là phổ cập, vậy thì đối với khối này đề nghị nhà nước phải nghiên cứu, quy hoạch cho hợp lý, thỏa đáng hơn. Hiện nay một số quy định chưa hợp lý.
Tôi lấy ví dụ Nghị định số 35 năm 2006 và Nghị định số 69 năm 2008 của Chính phủ đã quy định các trường ngoài công lập được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động, ở 2 Nghị định này đều nói rõ như vậy.
Tôi tin các tập đoàn tư nhân lớn sẽ làm thay đổi diện mạo giáo dục Việt Nam |
Nhưng đến Quyết định số 1466 ngày 10/10/2008 thì Thủ tướng lại quy định danh mục chi tiết các tiêu chí cụ thể mới được hưởng chính sách ưu đãi về xã hội hóa. Tôi đã nhiều lần nói đây là quy định giấy phép con.
Nghị định phải to hơn quyết định, đáng lẽ ra quyết định này phải tuân thủ Nghị định, nhưng quyết định này lại ngược lại với Nghị định nên đã dẫn đến việc các trường phải đóng thuế với mức 25%, đó là việc vô lý.
Trong đó có quy định là phải 6 mét vuông đất trên một học sinh thì mới được hưởng ưu đãi thuế 10%, trong khi điều đó là không thể với những trường trong nội đô khi có quỹ đất hẹp, tấc đất tấc vàng. Thực tế không có mấy trường đủ điều kiện 6 mét vuông đất cho một học sinh để được hưởng ưu đãi, quy định này rất lạc hậu, không sát với thực tế.
Nhưng các trường cấp phổ thông thì không có ai đại diện, không có một tổ chức nào đứng ra để kiến nghị với chính phủ.
Đây có thể nói là những điều kiện lạc hậu cản trở sự phát triển, nên dẫn tới việc chúng ta gọi là ưu đãi nhưng thực tế lại không hề có ưu đãi gì cả”.