Thay đổi đánh giá, kiểm tra học sinh trung học là tốt nhưng không dễ thực hiện

25/05/2020 08:20
Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thay đổi trong đánh giá nhận xét học sinh là tốt, tuy nhiên giáo viên cho rằng sẽ có không ít lực cản khi thực hiện.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Trong đó, có 2 điểm thay đổi lớn được giáo viên quan tâm đặc biệt.

Thứ nhất, dự thảo tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Việc này thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục.

Khung cảnh trường học với nhiều cây và hoa được giáo viên và học sinh chung tay góp sức. Ảnh: N.T
Khung cảnh trường học với nhiều cây và hoa được giáo viên và học sinh chung tay góp sức. Ảnh: N.T

Theo đó, việc đánh giá bằng nhận xét này không chung chung mà đánh giá bằng những biểu hiện cụ thể về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh gắn với từng bài học, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Việc kiểm tra bằng điểm số thì đổi mới cách ra đề theo hướng thay vì kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của học sinh, thì đánh giá học sinh sử dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ học tập cụ thể nào đó.

Điểm mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Trước đây chúng ta chú trọng kiểm tra đánh giá bằng điểm số thông quá các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp (miệng).

Ở dự thảo này, có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá như: hỏi-đáp, thuyết trình, kiểm tra viết trên giấy hoặc trên máy tính, đặc biệt chú trọng kiểm tra đánh giá thông qua các sản phẩm học tập, sản phẩm thực hành.

Liên quan đến 2 điểm thay đổi trên, một giáo viên Sinh học tại một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc (đề nghị không nêu tên) đã chia sẻ một số băn khoăn với phóng viên Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, vị giáo viên này đánh giá, cái được ở tầm vĩ mô của dự thảo ai cũng có thể thấy.

Nếu thực hiện như đúng văn bản là rất tích cực, nhưng thực tế thì rườm rà và bệnh thành tích trong giáo dục sẽ là áp lực nặng nề, là lực cản cho việc thực hiện các thay đổi trên.

Tại trường nơi cô giáo này công tác, cũng đã áp dụng thử nghiệm mô hình trường học mới nhưng rất ít có sự thay đổi về kiểm tra, đánh giá.

Thực tế hiện nay, bản thân giáo viên chưa tự đổi mới thì làm sao học sinh đổi mới được?.

Kèm theo đó, trên ép thành tích xuống dưới theo cấp bậc. Giáo viên muốn thay đổi nhưng lại sợ không đạt chỉ tiêu được giao nên thường “dĩ hòa vi quý”.

Đặc biệt, ngoài dạy học, giáo viên còn phải làm sổ sách, phải chứng minh đánh giá, kiểm tra của mình với học sinh là chính xác, thuyết phục.

Giáo viên có thể nhìn thấy một số học sinh tự giác có hành động tích cực như chăm sóc hoa, cây cảnh trong trường. Các cây này sinh trưởng, phát triển tốt.

Giáo viên có thể cho 9 điểm và thông báo với cả lớp. Đấy là đổi mới trong cách đánh giá, nhận xét học sinh.

Nhưng rất ít giáo viên làm vì ghi sổ sách, chứng minh thế nào về điểm số đó để lúc kiểm tra không bị cấp trên vặn hỏi.

Cùng với đó, việc kết hợp đánh giá giữa định tính và định lượng phải có quy định cụ thể.

Nếu chỉ để xem xét phẩm chất, thái độ học tập tức lại giống hạnh kiểm thì theo vị giáo viên này là không cần thiết.

Việc đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá là rất tốt nhưng trong điều kiện thực tế lại chưa tiệm cận xuyên suốt trong công tác quản lý, điều hành.

Vì thế, vị giáo viên này e ngại, dù đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá nhưng các cơ sở giáo dục, thầy cô sẽ vẫn có thiên hướng là coi trọng kiểm tra viết nhiều hơn, để rèn học sinh.

Bởi hình thức kiểm tra viết sẽ trùng với hình thức kiểm tra, đánh giá của các kỳ thi vào lớp 10, tốt nghiệp, tuyển sinh đại học.

Nhật Minh