Thầy hiệu trưởng đam mê Thư viện mở

31/05/2020 06:34
Bài và ảnh: LÊ LAM HỒNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Trung học cơ sở An Ninh (xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) là một trường vùng sâu, vùng đông đồng bào dân tộc Khmer.

Học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer , theo số liệu năm học 2019 - 2020 thì có tới 420/737 em, tỷ lệ 56,9%.

Từ ý tưởng thành hiện thực

Thầy Đoàn Văn Trung, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở An Ninh, cho biết: Lúc trường mới thành lập (Tháng 4/2012), cả Ban giám hiệu cùng đội ngũ giáo viên luôn trăn trở về thực trạng chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh vùng xã nghèo đặc biệt khó khăn này.

Phần đông gia đình các em làm nghề nông nên việc quản lý con em của các bậc phụ huynh gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, mỗi ngày đi học, khi tan trường là các em tấp vào chơi quán bi-da, quán “nét”…

Phải có những cách làm phù hợp, hấp dẫn thế nào đây để kéo các em có ý thức về việc học hành?

Phải làm sao tạo điều kiện tốt nhất, dễ dàng nhất cho các em được đọc sách?

Ý tưởng làm “Thư viện mở” bắt nguồn từ những trăn trở, ưu tư đó.

Thầy hiệu trưởng đam mê Thư viện mở ảnh 1Thầy Đoàn Văn Trung, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở An Ninh

Làm “Thư viện mở”

Từ sự gợi ý của các thầy cô trên Sở giáo dục, Phòng giáo dục, nhà trường đã chọn một phòng học cuối dãy làm thư viện vì ở phía này khá mát mẻ.

Bốn cụm bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, thoáng đãng, yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng rất thích hợp cho việc ngồi đọc sách.

Trên bàn, quanh chiếc kệ nhỏ là những cuốn sách, báo được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Thay vì phải vào thư viện, chọn sách theo mã số rồi mới được mượn, ký sổ và ngày hẹn trả thì ở đây, học sinh tùy chọn, đọc tại chỗ; có thể ghi ghép lại những kiến thức cho bài vở của mình.

Hoặc nếu mượn sách, báo thì chỉ cần ghi sổ, ký ngay cho cô thủ thư.

Thật là tiện lợi…

Giờ ra chơi hoặc trống tiết, chờ tiết học mới hoặc chưa tới giờ học; các em đều hào hứng chạy vào thư viện ngồi đọc say mê…

Cả thầy cô cũng vào ngồi đọc bởi mình có làm gương thì các em mới làm theo như lời một giáo viên cho biết.

Trên tường là những danh ngôn về sách, về ích lợi của việc đọc sách để cho các em đọc và cảm nhận, suy nghĩ.

Đó là những câu như: “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt. Một người bạn tốt cho ta một điều hay” (Gustavo) hoặc “Bạn càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều. Bạn càng học nhiều, bạn càng đi nhiều” (Dr Seess).

Nguồn sách được mọi người quan tâm, sưu tầm và kêu gọi sự đóng góp của quý thầy cô, của học sinh và cả phụ huynh, những nhà hảo tâm có lòng với sách.

Một phòng học đã được bố trí làm thư viện.

Một phòng học đã được bố trí làm thư viện.

Thầy Trung cho biết đi tới đâu tìm sách tới đó; nhiều buổi đến trường, trên giỏ xe là những cuốn sách mới.

Trong năm học này, cô Nguyễn Thị Cà Khên, giáo viên của trường, đã vận động bạn bè, thầy cô, phụ huynh được 418 cuốn sách.

Bản thân tác giả bài viết này cũng vừa tặng trường 65 cuốn sách các loại như “Văn học và Tuổi trẻ”, tập san “Áo trắng”; tạp chí “Tri thức trẻ” , tạp chí “Kiến thức ngày nay”…

Hiệu quả ban đầu

Nhiều khi thấy rất tội nghiệp các em, vì trường vùng sâu “khát” sách lắm! Vì vậy, khi có sách ở “thư viện mở”, các em có chút rảnh rỗi nào là chạy vào đọc”.

Thầy Hiệu trưởng đã chia sẻ như vậy khi nói về hiệu quả ban đầu của việc mở thư viện “kiểu mới”.

Điều dễ dàng nhận thấy là các em có ý thức chăm ngoan học tập, rèn luyện hơn. Mặt khác, nhiều kỹ năng sống như lễ phép với thầy cô, nhân viên nhà trường; ứng xử tốt hơn trong quan hệ tình bạn; giúp đỡ, chia sẻ trong học tập, sinh hoạt hàng ngày…

Nhờ đọc sách, báo mà các em học tốt hơn môn Ngữ văn

Nhờ đọc sách, báo mà các em học tốt hơn môn Ngữ văn

Cô Lý Thị Kiều Oanh, giáo viên dạy Ngữ văn, vui vẻ cho biết: Nhờ đọc sách, báo mà bộ môn Ngữ văn các em học khá lên.

Bài làm của các em ngày nào còn viết lọng cọng, dùng sai từ ngữ thì nay có lập luận chặt chẽ, hành văn trôi chảy….

Nhờ đọc sách mà vốn từ ngữ của các em được mở rộng, phong phú hơn trong cách diễn đạt.

Các em hăng hái phát biểu xây dựng bài, nhiều khi còn biết đặt những câu hỏi phản biện nên giờ học Văn giờ sinh động hẳn lên.

Chứng tỏ các em đã có tự tin rất nhiều so với thời gian trước đây…

Cô Trần Thị Mỹ Tú, thủ thư cho biết: Hàng tháng, có hơn 300 lượt học sinh vào thư viện đọc sách; hơn 400 lượt học sinh mượn sách để đọc…

Thư viện thường xuyên giới thiệu sách, tóm tắt nội dung; khơi gợi trí tò mò, thích tìm hiểu cho các em tìm đọc.

Bên cạnh đó, thầy cô cũng ủng hộ việc “khuyến đọc” bằng cách giới thiệu sách cần tìm hiểu, cần mở rộng, nâng cao kh học bộ môn.

Những ngày lễ lớn, nhà trường kết hợp, lồng ghép việc thi cảm nhận về một cuốn sách, một bài báo, một câu chuyện đã đọc để phong trào đọc sách được nhân lên.

Khi được hỏi nguồn sách sắp tới như thế nào, thầy hiệu trưởng cho biết sẽ liên hệ thư viện tỉnh, thư viện các trường bạn để mượn sách, xoay vòng sách giữa các trường…

Mặt khác, kêu gọi thầy cô, các bậc phụ huynh, các em học sinh cùng tham gia đóng góp sách cho thư viện…

Thầy Châu Tuấn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng trong một dịp về trường kiểm tra trường đạt chuẩn quốc gia, tỏ ra rất quan tâm khi thấy mô hình thư viện mở của trường.

Thầy gợi ý các trường nên học tập cách làm của Trường Trung học cơ sở An Ninh để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh đọc sách, mở mang kiến thức trong học tập…

Thầy Hiệu trưởng nói: "Việc làm thư viện mở không khó, mình cứ mạnh dạn, quyết tâm làm, không trông chờ, ỷ lại vào trên; vừa làm vừa bổ sung, hoàn thiện.

Một khi có sự ủng hộ, sự đồng thuận trong nhà trường; sự ủng hộ của phụ huynh, của xã hội thì nhất định sẽ thành công!".

Bài và ảnh: LÊ LAM HỒNG