Ngày 27/5/2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có tờ trình: Về việc đề nghị bổ sung biên chế giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở thuộc Ủy ban Nhân dân các Quận, huyện, thị xã, để giải quyết dứt điểm số giáo viên hợp đồng...
Thông tin này đã đem đến niềm vui cho hơn 2000 giáo viên hợp đồng lâu năm mòn mỏi chờ đặc cách suốt hơn 1 năm qua.
Bởi lẽ nếu được chấp thuận, Thành phố sẽ giữ lời hứa: Bổ sung khoảng gần 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết dứt điểm vấn đề giáo viên hợp đồng.
Đồng nghĩa toàn bộ giáo viên hợp đồng đủ điều kiện (đã được rà soát) theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ sẽ được xét đặc cách (trừ những huyện không đóng bảo hiểm cho giáo viên như Mỹ Đức).
Tuy nhiên một số giáo viên lại tỏ ra băn khoăn với nội dung ở cuối tờ trình:
Sau khi được Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ phân bổ 224 biên chế trên, ban hành quyết định phê chuẩn kế hoạch tổ chức xét tuyển theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Như vậy, sau khi Thành phố thống nhất phân bổ 224 chỉ tiêu biên chế mới quyết định về phương án tổ chức xét tuyển - đồng nghĩa với việc có thể giáo viên hợp đồng sẽ không được đặc cách mà phải qua sát hạch.
Điều này khiến một số giáo viên cảm thấy lo lắng.
Bởi mới đây Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội đề xuất phương án giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng theo hình thức xét tuyển theo Nghị định 161/2018.
Với phương án này giáo viên sẽ phải tham gia một kỳ thi sát hạch.
Trường hợp giáo viên hợp đồng không đăng ký dự tuyển hoặc không trúng tuyển do sát hạch không đạt yêu cầu sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động và tham gia và các kỳ tuyển dụng tiếp theo của Thành phố.
Nhiều nội dung chưa rõ ràng trong tờ trình của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội khiến giáo viên hợp đồng cảm thấy lo lắng (Ảnh:V.N) |
Cô giáo N.T.P (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng: Nếu Thành phố Hà Nội đồng ý phương án xét tuyển theo Nghị định 161/2018 mọi chuyện lại quay về vòng luẩn quẩn ban đầu.
Cô P. phân tích: “Trước đây vì những vướng mắc trong việc xét tuyển, xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo Nghị định 161/2018, Bộ Nội vụ mới ban hành công văn 5378.
Công văn 5378 nêu rõ những điều kiện để giáo viên hợp đồng được xét đặc cách.
Thành phố Hà Nội cũng đã tiến hành rà soát giáo viên hợp đồng đủ điều kiện từ tháng 1/2020.
Thế nhưng từ đó đến nay, Thành phố vẫn phớt lờ chuyện này mặc dù hứa lên hứa xuống sẽ giải quyết.
Bây giờ nếu quay về phương án xét tuyển thì thử hỏi có công bằng không khi giáo viên đấu tranh suốt 1 năm lại quay về điểm xuất phát”.
Nhận định về tờ trình của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, cô P. chỉ ra điểm chưa rõ ràng:
“Nếu một người không nắm chắc sẽ thấy tờ trình này rất nhân văn khi Thành phố xin thêm 224 chỉ tiêu để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng.
Nhiều bạn bè, học trò của tôi gọi điện chúc mừng vì nghĩ lần này cô giáo sẽ được đặc cách sau gần 20 năm chờ đợi.
Nhưng trong tờ trình lại không hề nhắc đến việc xét đặc cách mà vẫn nói là sẽ có phương án tuyển dụng, xét tuyển.
Như vậy kể cả Thành phố có xin thêm chỉ tiêu biên chế chưa chắc chúng tôi đã được đặc cách mà vẫn sẽ phải thi sát hạch theo Nghị định 161/2018.
Mặc dù chúng tôi biết Nhà nước đã tạo nhiều cơ chế, hành lang pháp lý để đặc cách cho giáo viên nhưng không hiểu sao Thành phố Hà Nội lại không giải quyết”.
Bên cạnh đó một trong những điều giáo viên hợp đồng cảm thấy lo lắng nhất đó là vấn đề thời gian thực hiện.
Hiện nay chỉ còn khoảng 1 tháng nữa Luật giáo dục và Luật cán bộ công chức và viên chức sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/7/2020).
Việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng tại Hà Nội nếu không được giải quyết xong trước tháng 6/2020 sẽ rơi vào thế khó đối với cả Thành phố Hà Nội và giáo viên hợp đồng.
Căn cứ khoản 2 Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức hiện hành, việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:
Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020
Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức
Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Giáo viên hợp đồng Sóc Sơn vẫn tiếp tục gửi đơn thư kêu cứu |
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm (Sóc Sơn) tâm tư:
“Có thể nói đến thời điểm này việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng tại Hà Nội giống như chạy đua với thời gian.
Chúng tôi rất lo lắng nếu không được đặc cách trước 1/7/2020, Thành phố Hà Nội sẽ giải quyết cho chúng tôi như thế nào?
Vì theo Luật viên chức sửa đổi thì viên chức phải được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020.
Một điều mà giáo viên thắc mắc: Vì sao ngày rộng tháng dài Thành phố không giải quyết cho xong việc giáo viên hợp đồng đã tồn tại hơn 1 năm qua mà phải để đến thời điểm gấp rút như thế này rồi chạy đua?
Chúng tôi rất sợ chúng tôi lại bị thất hứa 1 lần nữa vì chúng tôi đã quá mệt mỏi với những lời hứa rồi.
Chúng tôi vì thế chưa thể vui mừng nổi mà ngược lại càng lo âu nhiều hơn”.
Tâm tư của cô giáo Thơm cũng là tâm tư của hàng ngàn giáo viên hợp đồng Hà Nội thấp thỏm, lo lắng suốt hơn 1 năm qua.
Qua những phân tích trên có thể thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong vấn đề giáo viên hợp đồng Hà Nội.
Trong thời gian tới đây Thành phố Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề trên như thế nào và có kịp trước thời gian 1/7/2020 hay không?