Nhiều giáo viên tự nguyện cắm bản không có nghỉ hè

13/07/2020 05:57
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi được hỏi, mong muốn của thầy cô giáo là gì, chẳng ai đề đạt quyền lợi cho cá nhân mà chỉ mong ước có được thật nhiều sách để phục vụ học sinh.

Phong trào bàn giao học sinh về các bản làng của nhiều trường học nơi miền xa heo hút đang được phát huy, nhân rộng vì đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Lễ bàn giao học sinh của Trường Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (Ảnh nhà trường cung cấp)

Lễ bàn giao học sinh của Trường Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (Ảnh nhà trường cung cấp)

Một trong những ngôi trường tổ chức thành công phong trào bàn giao học sinh về bản làng phải kể đến Trường Tiểu học Nga Mi, Trường Tiểu học Mai Sơn huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Hiện Trường Tiểu học Đa Mi có 414 học sinh và có 9 bản gồm 6 điểm trường nằm rải rác ở nhiều bản làng. Trường Tiểu học Mai Sơn có 5 điểm trường với 9 thôn bản.

Thư viện sách đặt tại nhà giáo viên (Ảnh nhà trường cung cấp)

Thư viện sách đặt tại nhà giáo viên (Ảnh nhà trường cung cấp)

Thầy Kha Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Mi cho biết, ngày hè học sinh không đến trường các em thường theo mẹ lên nương, một số khác ở nhà với ông bà nên hay ra suối, ra khe chơi, điều này cũng sẽ gây nên nhiều tai họa khôn lường.

Kèm học sinh yếu đọc (Ảnh nhà trường cung cấp)

Kèm học sinh yếu đọc (Ảnh nhà trường cung cấp)

Để giúp các em có những ngày hè thật an toàn, bổ ích, phát triển văn hóa đọc, tạo mối quan hệ thân thiết giữa thầy cô và học sinh cũng là dịp để các em ôn luyện thêm kiến thức nên mô hình đưa sách về các bản đã được thực hiện bằng phong trào bàn giao học sinh về với bản làng.

Nhiều đoàn thể cùng chung tay

Buổi lễ bàn giao học sinh về bản có đại diện nhà trường, giáo viên, ban quản lý bản, đoàn thanh niên của xã và phụ huynh học sinh.

Bàn giao các em về bản không chỉ làm thủ tục như kiểu trao tay là xong, nhà trường đã cùng những người có trách nhiệm tổ chức những buổi đọc sách truyện ngay tại bản mà giáo viên địa phương là người quản lý trực tiếp.

Hỗ trợ học sinh đọc yếu (Ảnh nhà trường cung cấp)

Hỗ trợ học sinh đọc yếu (Ảnh nhà trường cung cấp)

Những thư viện lưu động được mọc lên mà nguồn sách do nhà trường cung cấp. Hàng ngàn bản sách được phân đều về các bản làng, thư viện sách được đặt ở nhà một số giáo viên địa phương, nhà cộng đồng hoặc ngay nhà của trưởng bản.

Thư viện sách còn khá nghèo (Ảnh nhà trường cung cấp)

Thư viện sách còn khá nghèo (Ảnh nhà trường cung cấp)

Giáo viên cắm bản tình nguyện không có ngày hè

Thầy Đào Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn cho biết, nhà trường phát động giáo viên địa phương đăng ký tình nguyện tham gia thư viện sách cho học sinh. Toàn trường đã có 12 giáo viên địa phương đăng ký tình nguyện tham gia.

Thầy Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Mi cũng nói rằng lợi thế của trường mình có đến 90% giáo viên người địa phương. Nhà giáo viên nào rộng rãi, thư viện sách sẽ được đạt ngay tại nhà để thầy cô giáo dễ quản lý.

Cô giáo Lô Thị Thìn trường Mai Sơn cho biết, ngoài việc tổ chức cho các em đọc sách, cô cùng đồng nghiệp đã tổ chức trò chơi, phát động các em vẽ tranh yêu thích và viết bài cảm nhận sau khi đọc xong sách.

Ngoài đọc sách nhà trường còn tổ chức cho học sinh chơi trò chơi (ảnh nhà trường cung cấp)

Ngoài đọc sách nhà trường còn tổ chức cho học sinh chơi trò chơi (ảnh nhà trường cung cấp)

Học sinh hào hứng và thích tham gia, thế nên theo quy định mỗi tuần thư viện chỉ đón học sinh 3 buổi nhưng vì thích quá ngày nào các em cũng đến nhà cô đọc sách.

Cô giáo Đậu Thị Nga trường Đa Mi cho biết, thấy học sinh hào hứng quá nên không thể quy định tuần mấy buổi, các em đến buổi sáng hay buổi đêm đọc sách giáo viên đều tạo điều kiện.

Có điều, nhu cầu đọc cao mà sách truyện lại ít, dù thầy cô liên tục luân phiên sách giữa các bản với nhau. Thế nhưng, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đọc của học sinh nơi này.

Khi được hỏi, mong muốn của thầy cô giáo là gì, chẳng ai đề đạt quyền lợi cho cá nhân mà chỉ mong ước có được thật nhiều sách để phục vụ học sinh.

Hai thầy hiệu trưởng cùng chung một ước nguyện xây dựng được những thư viện sách tại các bản để học sinh và bà con bản làng được đọc sách thường xuyên.

Địa điểm thì có nhà giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà trưởng bản. Nhưng tiền để mua những tủ để đựng sách thì chưa biết lấy nguồn nào.

Cần lắm những chia sẻ của cộng đồng để những đứa trẻ miền rẻo cao này không còn đói sách nữa.

Phan Tuyết