Những năm qua, nhiều trường trung cấp, Cao đẳng ở Gia Lai gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Có nơi chỉ tuyển được một vài sinh viên, khiến nhiều giảng viên phải “ngồi chơi xơi nước”, không có tiết dạy.
Trước tình trạng ấy, nhiều trường đã sử dụng phương án biệt phái giảng viên đến các vùng sâu, vùng xa dạy học để giữ lửa nghề.
“Biệt phái” đến vùng khó
Gần hai năm nay, thầy L.T.B. (giáo viên môn Ngoại Ngữ, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) phải rời xa mái trường gần 20 năm gắn bó để đến dạy tại ngôi trường nằm cách nhà hơn 100km.
Nhiều giảng viên được điều động đến giảng dạy tại các vùng khó khăn do nhà trường không tuyển được sinh viên. Ảnh: MT |
Những khó khăn trong công tác tuyển sinh khiến nhiều giảng viên như thầy B. phải “khăn gói” đến các vùng xa xôi dạy học.
“Từ năm 2018, nhà trường không tuyển được sinh viên nên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đưa giảng viên đến các trường tuyến huyện giảng dạy.
Mục đích là để tạo điều kiện cho các thầy cô giữ nghề, có tiết dạy và nhận lương bình thường. Nhưng với khoảng cách hơn 100km thì thực sự là một chặng đường gian nan của những giáo viên như tôi”, thầy B. chia sẻ.
Thầy B. cũng tâm sự, từ ngày được phân công về giảng dạy tại Trường trung học phổ thông Tôn Đức Thắng (huyện Đức Cơ, Gia Lai), ngày nào thầy cũng phải dậy từ sáng sớm đến đón xe buýt đến trường.
“Quảng đường từ thành phố Pleiku về Đức Cơ gần 100 cây số, đi xe khách, xe bus cũng mất 30.000 đồng/lượt đều do giáo viên tự chi trả. Nhiều hôm xe bus hư hoặc lỡ chuyến thì phải gần khuya tôi mới về nhà”, thầy B. cho hay.
Dù bị điều động đi biệt phái vùng khó khăn nhưng mức lương của những giáo viên như thầy B. cũng như bao người khác, cũng chỉ đắp đổi cuộc sống.
Cùng chung hoàn cảnh với thầy B., dù đã ở tuổi ngoài 50 nhưng thầy L.X.D. (giáo viên Trường trung học phổ thông Nguyễn Trường Tộ, huyện Đức Cơ, Gia Lai) vẫn hàng ngày hai chuyến đi về để dạy học.
“Khu vực nơi tôi dạy học giáp với khu vực biên giới và Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nên rất khó khăn. Nhiều khi muốn bỏ cuộc, ở nhà kiếm việc gì đó làm. Nhưng rồi cứ nghĩ đến học sinh, đến nghề thì không bỏ được”, thầy D. chia sẻ.
Cũng như thầy B., thầy D., nhiều thầy cô được “biệt phái” đến các vùng khó khăn đều cố gắng bám trụ vì ngọn lửa yêu nghề và niềm mong mỏi có ngày trở về với giảng đường bao năm gắn bó.
“Chúng tôi hy vọng chính quyền và ngành giáo dục sớm có phương án để nhà trường có thể tuyển được sinh viên. Lúc đó, các giảng viên được trở về với giảng đường thân thuộc và ổn định cuộc sống”, thầy B. cho hay.
Lối đi nào cho các trường cao đẳng sư phạm
Hiện tại, Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai có tổng cộng 470 sinh viên, chủ yếu là sinh viên của các khóa tuyển sinh trước.
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Ảnh: MT |
Toàn trường có 105 giảng viên trong biên chế nhưng thực tế thì chỉ còn 89 giảng viên do nhiều người đã xin nghỉ dạy hoặc nghỉ để chờ chế độ hưu.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cho hay, năm học 2020 - 2021, Ban Giám hiệu đã gửi công văn đến Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ giáo dục và Đào tạo về việc không thực hiện tuyển sinh trong năm học này.
Lý do là Luật Giáo dục mới quy định chuẩn giáo viên dạy học sinh cấp 1, cấp 2 phải có bằng trình độ đại học trở lên, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chỉ tuyển được ít các em theo ngành mầm non.
Số lượng sinh viên theo học ngành này cũng ít, chưa mở đủ một lớp, vì vậy nhà trường đề xuất không tuyển sinh.
“Nhiều năm qua, nhà trường không tuyển được sinh viên nên nhiều nguồn lực về giảng viên, cơ sở vật chất không được tận dụng hết.
Nhìn những giảng đường vắng bóng sinh viên, thầy cô nào cũng buồn nhưng không có cách nào khắc phục.
Giờ phải có một chính sách nào đó đối với các trường cao đẳng sư phạm địa phương thì mới giữ chân được các thầy cô, ổn định đời sống của họ”, bà Hà trăn trở.
Cũng theo bà Hà, có thể sát nhập với các trường cao đẳng khác trên địa bàn để tạo thành một ngôi trường đào tạo đa ngành nghề. Hoặc nâng cấp trường thành trường Đại học Sư phạm mới mong thu hút được sinh viên đến học.
“Nếu trường sư phạm mà không thu hút được các sinh viên trên địa bàn, để các em đi học tỉnh khác vừa tốn kém, trở ngại cho các em. Về sau, chính sách thu hút các em về lại tỉnh dạy học cũng khó thực hiện”, bà Hà nói.