Không đủ 4 sinh viên/ngành để mở lớp
Cùng chung tình cảnh tuyển sinh “èo uột” như các trường Cao đẳng sư phạm trên cả nước, năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị tuyển sinh đợt 1 chỉ có 34 sinh viên.
Năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị gặp khó khăn trong tuyển sinh. Ảnh: AN |
Trong đó có nhiều ngành “trắng” sinh viên như: sư phạm Tin học, Mỹ thuật, Lịch sử, Vật lý, Sinh học, Kế toán…
Các ngành như: sư phạm Âm nhạc, tiếng Anh, Giáo dục công dân, Giáo dục tiểu học chỉ tuyển được 1 sinh viên/ngành.
Tình trạng đìu hìu này không chỉ diễn ra trong năm học này mà từ nhiều năm trở lại đây, nhà trường luôn thiếu sinh viên trầm trọng. Cá biệt có lớp học chỉ có 4 – 5 sinh viên nhưng vẫn phải duy trì.
Tương lai nào cho các trường và sinh viên cao đẳng sư phạm? |
Đại diện nhà trường cho hay, để có thể duy trì lớp học thì mỗi khoa, ngành phải tuyển được ít nhất 3 sinh viên. Còn khoa, ngành nào tuyển được 1-2 người thì phải gửi sang các trường cao đẳng khác để học.
Trái ngược với số lượng sinh viên thì cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường khá tốt. Ngoài hệ thống trường lớp để dạy học còn mới thì nhà trường cũng có các phòng chức năng cần thiết cho quá trình giảng dạy.
Đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường có 72 người đạt trình độ Thạc sĩ, 10 người có trình độ Tiến sĩ. Với điều kiện như vậy nhưng không có sinh viên theo học khiến nhà trường lãng phí nguồn nhân lực, vật lực.
Làm trường liên cấp
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Đình Thăng - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị xác nhận tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh của nhà trường hiện nay.
Nên cho mở trường phổ thông tư thục thực hành trong trường sư phạm |
Hiện này nhà trường có ba định hướng chính. Thứ nhất, trường đang đợi để thực hiện đề án sắp xếp lại các cơ sở đào tạo giáo viên trên toàn quốc.
Đây là đề án của Bộ Giáo dục trình Chính phủ. Vì vậy, tất cả các trường sư phạm trên cả nước đang đợi để thực hiện đề án của Bộ.
Thứ hai, hiện tại Luật Giáo dục 2019 bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2020, trong đó nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên đại học rồi.
Vì vậy, các trường Cao đẳng sư phạm trên toàn quốc theo luật này thì chỉ đào tạo được cao đẳng mầm non, còn lại các bậc học khác thì không được.
“Do đó, để tuyển sinh được thì sắp đến, trường phải tính đến chuyện liên hệ với các Trường Đại học sư phạm vùng để thiết kế các chương trình đại học liên thông chính quy.
Tức là, mình có thể đào tạo 2 năm ở Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị. Tiếp tục hai năm sau ở trường Đại học sư phạm để các em khi ra trường có được bằng đại học chính quy để đáp ứng được Luật Giáo dục quy định.
Đây chỉ mới là dự định, còn cho phép hay không là do Bộ Giáo dục nữa. Bởi vì hiện tại dù trường có tuyển sinh như thế nào đi nữa nhưng chuẩn đầu ra như vậy thì người ta sẽ không bao giờ vào Cao đẳng học”, thầy Thăng nói.
Phương án tinh giản, sắp xếp, sáp nhập bộ máy giáo dục địa phương |
Phương án thứ ba mà Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị đang tiến hành là làm đề án, xin chủ trương của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập một trường liên cấp học từ Tiểu học, Trung học cơ sở đến trung học phổ thông.
“Bởi theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì tuyển sinh của các trường sư phạm trong thời gian tới sẽ thành lập các trường thực hành ở trong trường nhằm tận dụng được các cơ sở vật chất và nguồn nhân lực sẵn có.
Trong giai đoạn này, để ổn định trường và tạo công ăn việc làm cho các giáo viên thì thành lập trường liên cấp, chứ không phải vì khó khăn mà chúng tôi xin dạy tiểu học, trung học…
Cụ thể, đây là đề án thành lập một trường thực hành và chúng tôi vẫn đào tạo giáo viên bình thường.
Trong đó, sử dụng các lớp học này để thực tập cho các giáo viên giảng dạy vừa có thể áp dụng các sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm vào các trường đó. Thực ra, cái này các trường khác đã làm rất nhiều”, thầy Thăng chia sẻ thêm.
Ngoài ra, hiện trường vẫn thực hiện thêm các phương án khác như: đào tạo mầm non, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên… để duy trì sự tồn tại của nhà trường.