Giáo viên vừa ra trường phải có chứng chỉ chức danh mới được xếp lương hạng III?

14/09/2020 06:49
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên mới ra trường thì làm gì có chứng chỉ giáo viên hạng III, đây là một bất cập lớn vẫn chưa có lời giải.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Dự thảo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học phổ thông công lập.

Một trong những điểm mới lần này là lương giáo viên mầm non đạt chuẩn được tính có hệ số lương khởi điểm là 2,1 thay vì 1,86 như trước, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn sẽ được hưởng mức lương có hệ số khởi điểm 2,34 thay vì như trước giáo viên tiểu học chỉ là 1,86, giáo viên trung học cơ sở là 2,1.

Đây chính là điểm sáng lớn nhất của Dự thảo xếp lương mới, tuy nó chỉ là quay về cách xếp lương cách đây nhiều năm trước nhưng sau khi có các thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, Bộ Nội vụ thì cách xếp lương xảy ra bất cập như hiện nay.

Tuy nhiên, điều này nếu được áp dụng cũng khắc phục một số bất cập mà đội ngũ nhà giáo trăn trở bấy lâu nay, khi giáo viên mầm non, tiểu học mới được tuyển dụng, hết thời gian tập sự có bằng cao đẳng, đại học nhưng chỉ được xếp lương trung cấp (hệ số lương khởi điểm 1,86); giáo viên trung học cơ sở có bằng đại học chỉ được xếp lương cao đẳng (hệ số lương khởi điểm 2,10).

Giáo viên mới ra trường có được xếp lương hạng III? (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Giaoduc.net.vn)

Giáo viên mới ra trường có được xếp lương hạng III? (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Giaoduc.net.vn)

Như vậy, giáo viên mới ra trường có bằng tốt nghiệp đại học nếu về dạy tại các trường từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sau khi hết thời gian tập sự sẽ được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên hạng III (có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98), thì mức lương cũng sẽ cải thiện đôi chút so với hiện nay.

Tuy nhiên, giáo viên nếu muốn bổ nhiệm giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông thì ngoài các tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, bằng cấp cần phải có thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III.

Nếu như vậy vô cùng bất cập, giáo viên mới ra trường thì không thể có được chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III hay việc mới ra trường được học đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm xong lại vừa dạy vừa phải bỏ tiền ra để học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III để được bổ nhiệm giáo viên hạng III có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98 như Dự thảo.

Kiến nghị sinh viên học các trường đại học sư phạm ra trường được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III

Như vây, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông mới ra trường trong thời gian tập sự chỉ có thể hưởng lương của người tập sự theo hợp đồng, không được hưởng phụ cấp đặc thù của nhà giáo, sau khi hết thời gian tập sự vẫn chưa thể bổ nhiệm giáo viên hạng III nếu không đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, các loại bằng cấp, chứng chỉ, trong đó bất cập nhất chính là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III.

Giáo viên mới ra trường thì làm gì có chứng chỉ giáo viên hạng III, đây là một bất cập lớn vẫn chưa có lời giải.

Để khắc phục bất cập trên, người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu chưa loại bỏ được chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đang hành giáo viên hiện nay, thì Bộ cần xây dựng chương trình sinh viên sư phạm để khi các em ra trường đã được học đầy đủ các phần về tâm lý, chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệm vụ của giáo viên sẽ được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III hoặc tương đương đối với từng cấp học.

Điều này khắc phục được việc giáo viên mới nhận công tác, lương chế độ thấp lại phải chạy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Một lần nữa, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm cách tháo gỡ các chứng chỉ như ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp như Bộ trưởng Bộ Giao dục và Đào tạo đã từng hứa với giáo viên.

Khi các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 và 23 năm 2015 được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ ban hành thì lương giáo viên giảm rất nhiều, nhưng việc thăng hạng thì hầu như không thực hiện được, rất mong khi ban hành Thông tư mới 2 Bộ phải nghiên cứu kỹ để khi tiến áp dụng phải đi vào cuộc sống tránh thiệt thòi quyền lợi cho giáo viên.

NHẬT KHOA