LTS: Đưa ra những chia sẻ với mong muốn các cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới sẽ đạt được hiệu quả cao, cô Phan Tuyết đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Mới vào học khoảng 1-2 tuần thì các trường học ở cả 4 cấp đều đồng loạt tổ chức buổi họp phụ huynh.
Mục đích chính của những buổi họp này chỉ là thông báo các khoản đóng góp của học sinh đầu năm.
Nhiều cuộc họp chỉ khoảng gần tiếng đồng hồ là giải tán vì nhiệm vụ thông báo thu, chi tiền quỹ hội phụ huynh trường năm học trước và kế hoạch thu chi năm học này đã xong.
Buổi họp phụ huynh đầu năm học mới (Ảnh mang tính chất minh họa: tieuhoclythaito.edu.vn). |
Hầu như nhiều thầy cô không triển khai thêm điều gì để tạo sự lôi cuốn cho cha mẹ các em trong cuộc họp.
Vì thế, chưa đi họp người ta đã nói rằng: “Buổi họp chỉ sặc mùi tiền”. Có phụ huynh nói mình đi để nghe ngóng xem năm nay con phải nộp bao nhiêu tiền?
Người lại buông xuôi: “Chẳng cần đi. Cứ đóng đủ tiền là được, ai sao mình vậy cho yên chuyện”.
Khác với nhiều thầy cô, một vài đồng nghiệp của chúng tôi đã có những buổi họp phụ huynh hiệu quả và đầy ý nghĩa.
Bước chân khỏi phòng họp, có phụ huynh phải thốt lên “nghỉ buổi làm cũng xứng đáng”.
Cho phụ huynh điều họ đang mong muốn
Cô Tr. giáo viên một trường tiểu học cho biết: “Buổi gặp gỡ phụ huynh học sinh đầu năm học vô cùng quan trọng, đây chính là sợi dây gắn kết giữa giáo viên và cha mẹ các em.
Mối quan hệ càng mật thiết, việc dạy và giáo dục học sinh càng hiệu quả. Vì thế, cứ gần đến ngày họp, mình lên kế hoạch thật chi tiết”.
Cô Tr. kể, theo quy định vẫn phải thông báo các khoản tiền phải nộp đầu năm nhưng sẽ thông qua nhanh, lấy ý kiến và ghi biên bản.
Dành nhiều thời gian để trò chuyện với phụ huynh về con cháu của họ. Giáo viên phải cố gắng cho phụ huynh cái điều mà họ đang mong muốn nhất. Đó chính là việc học tập sinh hoạt của con cháu ở trường.
Do mới nắm lớp khoảng vài tuần nên giáo viên phải chịu khó theo dõi, ghi chép cụ thể về từng học sinh.
Theo cô H.: “Mình sẽ ghi chi tiết về những ưu điểm cũng như những điều chưa được của các em để thông báo cho cha mẹ các em biết.
Đương nhiên ưu điểm thì nói trước lớp, những tồn tại nếu nghiêm trọng sẽ trao đổi riêng. Nếu chỉ là những điều vặt thì nói với thái độ khá nhẹ nhàng để cha mẹ các em lưu ý về nhắc nhở thêm”.
Trao đổi về cách dạy trên trường của giáo viên, chia sẻ thêm cho phụ huynh biết về chương trình các em đang học.
Hướng dẫn cho họ cách dạy con học ở nhà, cách kiểm tra bài vở của các con…đặc biệt, dù bận cũng nên dành thời gian nhất định trong ngày để cùng con học, ôn bài.
Cô Th. một giáo viên có thâm niên hơn 20 năm đứng lớp lại nói rằng:
"Mình nói nhiều về lợi ích của việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường để khuyến khích cha mẹ các em cứ thoải mái trao đổi với giáo viên một cách thường xuyên.
Đồng thời, sẽ cố gắng sắp xếp thời gian khi có thư mời, tin nhắn của giáo viên khi gửi về gia đình".
Hiệu quả từ những buổi họp thân tình như thế
Sau buổi họp, tình cảm giữa phụ huynh và giáo viên trở nên cởi mở, thân tình hơn rất nhiều. Giáo viên hiểu thêm về hoàn cảnh của nhiều phụ huynh.
Ngược lại, phụ huynh cũng đồng cảm, thấu hiểu hơn công việc vất vả của các thầy cô giáo. Điều này có tác dụng khá tích cực trong việc dạy và giáo dục học sinh ở thời gian tới.
Khi phụ huynh vui, tin tưởng giáo viên nên có điều gì không vừa lòng cũng sẵn sàng chia sẻ.
Cũng như giáo viên, đón nhận sự hợp tác chặt chẽ, lòng kính trọng của phụ huynh dành cho mình cũng tạo thêm nhiều động lực để thầy cô đồng hành cùng các em trong suốt cả một năm học.