LTS: Liên quan đến ồn ào về sách giáo khoa phổ thông gần đây, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ góc nhìn của ông về một số sự cố trong biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học trước đây. Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này, đồng thời mong tiếp tục nhận được các bài viết trao đổi, phân tích, phản biện về các nội dung bài viết đặt ra cũng như về chương trình sách giáo khoa mới, ngõ hầu làm sáng rõ vấn đề, góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bài viết cộng tác xin vui lòng gửi về Tòa soạn qua hòm thư toasoan@giaoduc.net.vn.
Những “sự cố”
Những ngày này, dư luận lại dậy sóng về việc dạy và học Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình đổi mới sách giáo khoa kể từ năm học 2020-2021, đặc biệt liên quan đến bộ sách “Cánh Diều” do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đứng tên “Tổng chủ biên kiêm chủ biên” mà các quý phụ huynh đã phản ánh.
Nếu tôi nhớ không lầm thì trước đây, dư luận đã từng xôn xao bàn tán hàng loạt vụ tương tự như vậy. Có thể điểm lại một số vụ “cộm cán” theo trình tự thời gian như sau:
- Vụ "Hai Bà Trưng đánh giặc nào?" trong sách Tiếng Việt lớp 3.
- Vụ liên quan đến hai từ "ngọt sắt" hay "ngọt sắc" trong sách Tiếng Việt lớp 4.
- Vụ trích dẫn ngữ liệu liên quan đến bài thơ "Thương ông" của nhà thơ Tú Mỡ trong sách Tiếng Việt lớp 2.
- Vụ “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây” trong sách Tiếng Việt và Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5...
Đoạn văn với chi tiết "Thánh Gióng tắm ở hồ Tây" từng khiến dư luận xôn xao. (Ảnh: Tienphong.vn) |
Một vài nhận xét
Qua tất cả những sự cố trên, cho chúng ta thấy điều gì? Cá nhân tôi có một vài nhận xét sau đây:
Có một điểm chung cho tất cả những “sự cố” trên là những lời giải thích từ phía cơ quan quản lý giáo dục, đặc biệt là của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – người đứng tên chủ biên các bộ sách trên - hầu như không thuyết phục được số đông công chúng (trong đó có người viết bài này). Cụ thể, như sau:
Liên quan đến vụ “Hai Bà Trưng đánh giặc nào?” đúng ra, mọi chuyện sẽ không có gì ầm ĩ nếu như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cầu thị, chân thành thừa nhận sơ suất khi không ghi cụ thể “Hai Bà Trưng đánh giặc Hán” để học sinh vừa học bài học về Tiếng Việt vừa hiểu thêm về lịch sử cha ông (nếu nhìn trên quan điểm dạy “học tích hợp” mà chính ông và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương).
Đằng này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cứ vòng vo, bảo thủ và chống chế: “Nếu đây là bài học trong sách Lịch sử dạy về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà không nêu rõ hoàn cảnh bị nhà Hán đô hộ thì rõ ràng là một thiếu sót quá lớn, nhưng đây chỉ là bài tập đọc trong sách Tiếng Việt, nhằm rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho trẻ. Vì thế, tôi đã cân nhắc và để câu đầu là: “Thuở xưa, nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ” [1].
Về “sự cố” liên quan đến việc sử dụng từ "ngọt sắt" hay "ngọt sắc" trong sách Tiếng Việt lớp 4, sau khi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải thích để bảo vệ quan điểm sử dụng từ “ngọt sắt” trong đoạn văn của nhà văn Vũ Bằng [2] thì ngay lập tức Giáo sư Nguyễn Đức Dân đưa ra quan điểm cùng lập luận rất logic và khoa học trong bài viết “Tôi nghĩ từ đúng là “ngọt sắc” để phản biện lại như sau:
“Sách giáo khoa cần tôn trọng nguyên bản của nhà văn, nhưng nhà văn cũng vẫn có sai sót như mọi ngành nghề khác.
Đó là chưa kể trường hợp nhà in xếp chữ sai, mà nhà văn không có điều kiện (hay sơ sót khi xem lại bản in) để sửa chữa.
Do đó, tiêu chí hàng đầu chọn chữ trong trường hợp có nghi vấn, theo tôi, phải là dùng chữ đã thông dụng trong xã hội. Nếu cần, có thêm chú thích bản gốc đã dùng từ nào...”[3].
Với “sự cố” liên quan đến việc trích dẫn văn liệu bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ thì sau khi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải thích, phần đông các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cùng phụ huynh học sinh đều cho rằng không nên tùy tiện hay “cứ thích là sửa ngữ liệu sách giáo khoa” [4] là sửa.
Quả đúng như vậy, so với đoạn trích bài thơ “Thương ông” được các nhà biên soạn sách thập niên 90 của thế kỷ trước đã đưa vào để dạy cho học sinh thì đoạn trích mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vừa không tiêu biểu cả về phương diện nội dung lẫn tính thẩm mỹ.
Về sự cố “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải thích: “Đoạn văn của Nguyễn Đình Thi có thể gợi cho học sinh những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ câu chuyện dân gian các em vẫn nghe, từ đó kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của các em - một trong những nội dung nằm trong mục tiêu giáo dục của môn Ngữ văn, kể từ cấp Tiểu học”.” [5]
Thật lòng, tôi không hiểu sao Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lại có thể giải thích lý do ông và các cộng sự chọn đưa vào sách giáo khoa đoạn văn của nhà văn Nguyễn Đình Thi là để “kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của học sinh” như vậy?
Nghe ông nói tôi chợt nhớ đến những câu chuyện cười vốn là những “câu đố vui văn học” được lưu truyền lâu nay.
Đại loại như với câu hỏi “ai là người đầu tiên trên thế giới bay lên mặt trăng?”có câu trả lời là “chú Cuội” của Việt Nam (câu trả lời này là cách suy luận vui dựa vào truyện cổ tích “Chú Cuội lên cung trăng”).
Hay một câu chuyện vui khác: “Ai là người đưa ra lời cảnh báo trước tiên về vấn đề bùng nổ dân số ở nước ta?” có đáp án là cụ Tú Xương.
Đáp án vui này được suy luận từ bài thơ trào phúng “Năm mới chúc nhau” trong đó có 4 câu “Nó lại mừng nhau sự lắm con/Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn/Phố phường chật hẹp người đông đúc/Bồng bế nhau lên nó ở non”.
Những câu chuyện vui trên là sản phẩm và bằng chứng cho thấy trí “tưởng tượng” và óc “sáng tạo” của con người.
Thế nhưng, thử hỏi chúng ta có nên đưa vào sách giáo khoa chính thống để dạy cho các học sinh không? Cá nhân tôi nghĩ là không.
Bởi lẽ, theo tôi việc “kích thích trí tưởng tượng” hay “phát triển năng lực sáng tạo” cho học sinh phần lớn và chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm và phương pháp dạy học của giáo viên trong suốt quá trình giáo dục chứ không phải chỉ qua một hai đoạn văn cụ thể nào đó.
Và điều quan trọng nhất là việc “kích thích trí tưởng tượng” và óc “sáng tạo” phải đặt trên cơ sở, nền tảng những kiến thức, tri thức vừa có tính chuẩn mực vừa mang tính phổ quát của dân tộc hay rộng hơn là của nhân loại.
Vì vậy, dù trân trọng cảm nhận riêng của nhà văn Nguyễn Đình Thi về truyền thuyết Thánh Gióng khi ông đã tưởng tượng ra cảnh“Thánh Gióng nhảy xuống Hồ Tây tắm” nhưng tôi e rằng sự cảm nhận này chưa đạt đến ý nghĩa và giá trị mang tính phổ quát để đưa vào sách giáo khoa.
Hay thậm chí cứ cho đây là một dị bản về truyền thuyết Thánh Gióng đi nữa thì dị bản này vẫn không mang tính phổ quát.
Vì thế theo tôi, có vô số đoạn văn hay, chuẩn và độc đáo khác mà người biên soạn có thể chọn lựa trong kho tàng văn học dân tộc để đưa vào sách giáo khoa nhằm đáp ứng các mục tiêu trên thay vì đoạn văn dễ gây tranh cãi này của nhà văn Nguyễn Đình Thi [5].
Đến đây, có thể thấy, tất cả những “sự cố” về các bộ sách giáo khoa Tiếng Việt liên quan đến Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thời gian qua trước hết là do năng lực tư duy và phương pháp làm việc của chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và cộng sự.
Hay nói khác đi, đó là sự chủ quan, tùy tiện và cẩu thả của những người đang gánh trọng trách đặt những viên đá nền trong việc giáo dục trẻ em.
Những “sự cố” có tính “hệ thống” trên, một lần nữa cho thấy, việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông nhất là sách giáo khoa ở cấp tiểu học là vấn đề rất quan trọng.
Vì đây là cấp học có tính khởi đầu, các em học sinh là những tờ giấy trắng nên không cho phép thế giới người lớn tùy tiện muốn vẽ gì lên đó thì vẽ.
Vì thế, để có được một bộ sách giáo khoa chuẩn và không bị lỗi thì những người tham gia biên soạn nhất định phải am tường về tâm lý trẻ thơ.
Bên cạnh đó, ngoài chuyện phải tuân thủ những phương pháp làm việc trên tinh thần khoa học thì sự chân thành, cầu thị để lắng nghe những ý kiến phản biện từ phía các nhà khoa học, các thầy cô giáo, quý phụ huynh học sinh là rất cần thiết.
Qua hàng loạt những “sự cố” trên, cho chúng ta thấy tính cấp bách và cần thiết phải công khai, minh bạch vấn đề lựa chọn nhân sự trong việc tổ chức biên soạn và thẩm định sách giáo khoa phổ thông ở tất cả các cấp nói chung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành trong đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”.
Có thể nói, chủ trương xóa bỏ “độc quyền” trong việc biên soạn sách giáo khoa của Bộ giáo dục và đào tạo là đúng nhưng điều quan trọng là cần tạo ra một hành lang pháp lý để cụ thể hóa chủ trương này một cách công khai minh bạch càng sớm càng tốt.
Một người vừa là Tổng chủ biên chương trình đồng thời lại kiêm luôn “Tổng chủ biên kiêm chủ biên” sách giáo khoa thì rất khó tạo ra một “sân chơi” bình đẳng cho những cá nhân khác muốn tham gia.
Thay lời kết
Chúng ta đang “đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục nhưng vẫn sử dụng những nhân tố cũ, những con người cũ thì rất khó tạo nên sự chuyển biến tích cực như mong đợi.
Lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân là điều mà ai cũng nhìn thấy. Nhưng nỗi thất vọng và cạn kiệt niềm tin của dân chúng sau những lần đổi mới không thành công mới là vấn đề nguy hiểm và tệ hại hơn cả.
Tài liệu tham khảo:
[1] Xem bài: “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không việc gì phải sợ Trung Quốc” – Tạp chí điện tử Giáo Dục Việt Nam.(giaoduc.net.vn) https://ttngbt.wordpress.com/.../sach-tieng-viet-lop-3-ke-thu-cua-hai-ba-t...
[2] Xem bài:“Ngọt sắt" hay "ngọt sắc"? tạihttp://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140325/ngot-sat-hay-ngot-sac/599647.html
[3] Xem bài:“Tôi nghĩ rằng từ đúng là “ngọt sắc” - http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140326/toi-nghi-rang-tu-dung-la-ngot-sac/599917.html
[4] Xem bài:“Không phải cứ thích là sửa ngữ liệu sách giáo khoa” tại http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/khong-phai-cu-thich-la-sua-ngu-lieu-sach-giao-khoa-508381.html
[5] Xem bài “Xuất xứ Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây” tại http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/226089/xuat-xu--thanh-giong-tam-o-ho-tay--cua-nguyen-dinh-thi.html