Còn dạy thêm chính khóa, dạy thêm trái phép,… đừng mơ có trường học hạnh phúc!

09/12/2020 08:43
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không thể có tình trạng giáo viên “cày” dạy thêm thu tiền cả ngày lẫn đêm mà có thể dạy tốt trên lớp, như vậy chỉ có học sinh là rất thiệt thòi...

Hiện nay khái niệm trường học hạnh phúc được mọi người đặc biệt quan tâm, trường học hạnh phúc có nghĩa là giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, phụ huynh cũng hạnh phúc,… đó chính là mục tiêu mà giáo dục hiện nay cũng như là mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới.

Giấc mơ về trường học hạnh phúc chính là mong muốn của thầy cô và nhân dân cả nước.

Không có điều gì tuyệt vời hơn khi xây dựng được trường học hạnh phúc. Không có gì tuyệt vời hơn giáo viên, học sinh được học trong trường học hạnh phúc, phụ huynh học sinh cho con em họ được học trong trường học hạnh phúc.

Khái niệm trường học hạnh phúc!

Khái niệm "trường học hạnh phúc" đơn giản là mỗi người mỗi ngày đến trường của thầy và trò thực sự là một ngày vui, mong chờ để được đến lớp, đến trường; quan hệ thầy trò trở thành động lực để học sinh vươn tới mục tiêu chiếm lĩnh tri thức; khi đến trường được tin tưởng, tôn trọng và mọi người được thể hiện hết mình, sống yêu thương, chan hòa,…

Trường học hạnh phúc là nơi không có bạo lực học đường, không có những vụ đánh nhau, xô xát giữa học sinh, những tai nạn đáng tiếc như tự tử vì áp lực. Ở đó cả giáo viên và học sinh được tôn trọng.

Một ngôi trường được xem là hạnh phúc khi ở đó không có những hành vi, lời lẽ vi phạm đạo đức xã hội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà giáo, đạo đức người học.

“Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau.

Trường học hạnh phúc là nơi mà giáo viên và học sinh được đối xử công bằng, bình đẳng, mọi người cùng chung tay xây dựng ngôi trường học tập tốt nhất, không có nhiều áp lực, bệnh thành tích, giả dối,…

Còn dạy thêm học sinh chính khóa, dạy thêm trái phép,… thì có trường học hạnh phúc được không? (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Laodongthudo.vn)

Còn dạy thêm học sinh chính khóa, dạy thêm trái phép,… thì có trường học hạnh phúc được không? (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Laodongthudo.vn)

Dạy thêm ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng trường học hạnh phúc

Như đã nói ở trên, để xây dựng được trường học hạnh phúc thì phải xây dựng được các việc như không tạo áp lực, không o ép, không thu tiền, không có bệnh thành tích, không bạo lực,….

Xin bàn về những tác hại, những bất cập mà dạy thêm hiện nay như:

Học sinh cũng giống như người lớn, cần có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc sau những giờ học căng thẳng trên trường lớp. Nhưng nếu chỉ cần học thêm 2-3 môn, mỗi môn từ 2-3 buổi một tuần thì thời gian học của học sinh sẽ không còn thời gian tự học và tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham gia các buổi học kỹ năng sống khác, lãng phí thời gian.

Thời gian học thêm là thời gian để con được nghỉ ngơi để bổ sung, tái tạo năng lượng, cân bằng về thể chất và tinh thần.

Nhiều học sinh đến lớp ngồi học trong trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ, dễ cáu gắt và kích động vì học hành quá căng thẳng nên chất lượng học tập sẽ không cao. Càng lâu dài có thể ảnh hưởng sự phát triển của thể chất, trí não,…

Mọi người đã từng nghe đến việc học chỉ có phát triển tốt đẹp khi trí não còn “khoảng trống” để tiếp thu và vận dụng kiến thức, học sinh học thêm quá nhiều thì đầu óc đã không thể phát triển, ít có học sinh nào giỏi thực thụ, đạt các kỳ thi học sinh giỏi, hay thủ khoa,… nhờ dạy thêm, đó là thực tế có thật, mọi người nên nhìn nhận lại.

Việc học hiện nay đã chuyển biến tích cực hơn, việc học để đi thi đã dần dần thay thế bằng việc học để vận dụng, học để thực hành, áp dụng vào nghiên cứu, học để phát triển,… tiệm cận với sự phát triển của khoa học, công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai, nên việc học quá nhiều, học vẹt,… sẽ không phải là mục tiêu trong tương lai.

Tác hại rất đáng ngại của học thêm chính là làm giảm khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Học là tư duy, rèn luyện kỹ năng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo chứ không phải nhồi nhét kiến thức. Muốn có kỹ năng tư duy, sáng tạo không gì tốt hơn tự học, tự nghiên cứu.

Học thêm làm cho học sinh không có thời gian tự học ở nhà, khả năng tự học giảm sút, thậm chí mất khả năng tự học. Các em chỉ quen đi theo “lối mòn” mà giáo viên hướng dẫn, “lập trình” sẵn. Do đó, các em dần mất tự tin, thụ động, ảnh hưởng đến khả năng tự lập sau này.

Không những thế học sinh còn ảo tưởng về sức học của mình. Nhờ học thêm, học sinh được điểm cao, cuối năm đạt loại khá, giỏi, xuất sắc. Nên các em cứ cho là mình học giỏi, học tốt nên không cần cố gắng chỉ cần học thêm, sau này sẽ trở thành người tốt, đi làm thành công,… đó là quan niệm sai lầm lớn, ảnh hưởng đến tương lai của các em.

Học sinh học thêm nhiều thì đương nhiên không có thời gian giao tiếp, thời gian học các kỹ năng sống, tham gia các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao,… nên các em sẽ bị hạn chế về sức khỏe, hạn chế trong các hoạt động trải nghiệm và các kỹ năng khác cần thiết trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc phụ huynh đóng tiền học để “mua” kiến thức cho con họ, dẫn đến phụ huynh và học sinh trở thành “thượng đế”, rõ ràng giáo viên cũng đối xử học sinh học thêm đóng tiền khác với học sinh không học thêm, bên cạnh đó cạnh tranh, nói xấu nhau, “chiêu trò”,… nên hình ảnh người thầy trong mắt phụ huynh, học sinh mất đi giá trị cao quý, tốt đẹp của nghề giáo.

Hay nói đúng hơn, một số quan điểm sai lầm về dạy thêm lại xuất phát từ giáo viên khiến cho học sinh không giỏi hơn mà lại yếu hơn, môi trường học tập không còn tốt đẹp, không còn khái niệm hạnh phúc khi học sinh học thêm rất nhiều.

Đó là nói đến việc học sinh học thêm nhiều. Còn việc dạy thêm học sinh chính khóa, dạy thêm kiểu o ép, dạy thêm kiểu “chiêu trò”,… còn gây hàng loạt hệ lụy khác như mất đoàn kết nội bộ (giáo viên tranh giành học sinh, nói xấu đồng nghiệp, tố cáo lẫn nhau), bạo lực học đường (nhiều giáo viên có thể vì học sinh không học thêm mà sẵn sàng có biện pháp bạo lực với học sinh,…), học sinh khác học yếu hơn (có giáo viên sẵn sàng dạy qua loa trên lớp để “ép” học sinh học thêm, giáo viên chỉ tập trung vào học sinh được học thêm,…), học sinh được đối xử thiếu cân bằng (học sinh học thêm được “mớm đề”, được điểm cao hơn, được quan tâm hơn,…),…

Với những hệ lụy, những bất cập trên, còn dạy thêm quá nhiều, dạy thêm chính khóa, dạy thêm kiểu “o ép”,…thì sẽ mãi không bao giờ có trường học hạnh phúc.

Do đó, việc dạy thêm ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng trường học hạnh phúc.

Muốn trường học hạnh phúc, thầy cô hãy dạy học sinh tự học

Việc ép học sinh học thêm, dạy thêm trái phép, dạy thêm học sinh chính khóa, hay dạy thêm học thêm quá nhiều,… vô hình trung tạo một tiền lệ vô cùng xấu trong giáo dục, cả phía giáo viên, học sinh mất thời gian và sức khỏe; phụ huynh mất tiền, thời gian để đưa rước,…để lại nhiều tiếng xấu cho ngành trong thời gian qua.

Thay vì dạy thêm học sinh, muốn cho trường học hạnh phúc như giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, phụ huynh hạnh phúc,… thì ngoài những biện pháp khác thì việc nghiêm cấm, xử lý nghiêm minh dạy thêm trái phép, dạy thêm học sinh chính khóa, hay có chế tài đối với giáo viên o ép học sinh rất nhiều,… là một trong những giải pháp cơ bản để trả lại môi trường giáo dục tốt đẹp, để có thể xây dựng được trường học hạnh phúc trong tương lai.

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo bên cạnh tìm nguồn cải cách tăng lương cho giáo viên để giáo viên có thể sống được bằng lương, bám trụ với nghề cũng như nâng cao vai trò, vị thế người thầy,… còn cần phải có quy định, hướng dẫn giáo viên dạy thêm một cách hợp lý.

Không thể có tình trạng giáo viên “cày” dạy thêm thu tiền cả ngày lẫn đêm mà có thể dạy tốt trên lớp, như vậy chỉ có học sinh là rất thiệt thòi, học sinh học thêm thì ảo tưởng, học sinh không học thêm thì bị chèn ép, học yếu,…

Giáo viên đang hưởng lương đã làm việc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn thực hiện các công việc khác đã rất mệt mỏi, nếu cho phép dạy thêm thì tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép giáo viên chỉ dạy tối đa 3 nhóm học sinh, giáo viên vẫn cần thời gian nghỉ ngơi, vẫn cần sức khỏe để giảng dạy và thực hiện các nhiệm vụ khác.

Hiện nay, nếu biết chọn lọc nguồn tư liệu hợp lý thì các trang web violet.vn, hocmai.vn, hoc24h.com, loigiaichitiet.vn,… các bài giảng điện tử, thư viện tư liệu, kho sách,… trên google, các bài giảng người thật, việc thật trên youtube cũng là một kênh tham khảo có thể cho học sinh tự học, học lại hay mở rộng kiến thức, phát huy trí tuệ,…

Giáo viên dạy thật trên lớp kết hợp giúp các em tự học, tham khảo các nguồn trên sẽ làm cho việc học của học sinh được tốt hơn.

Kiến thức được học sinh khám phá, tìm tòi,… sẽ được các em khắc sâu hơn việc các em học thêm một cách thụ động trên lớp.

Để quá trình giáo dục đạt được hiệu quả cao, cần thiết phải tạo được môi trường học tập an toàn, thân thiện, tạo ra trường học hạnh phúc, khiến mỗi học sinh cảm nhận thấy hạnh phúc của bản thân khi học tập, rèn luyện và vui chơi trong đó.

Có như vậy, học sinh sẽ tiếp thu kiến thức một cách tích cực, có thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, rèn thể dục thể thao,… đó chính là mục tiêu của việc xây dựng trường học hạnh phúc.

Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng và tôn vinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

Hãy chung tay xây dựng người thầy là hình ảnh trân quý, cao đẹp trong mắt học sinh, nhân dân.

Muốn được như vậy thì hãy mạnh dạn xử lý việc dạy thêm trái phép tràn lan như hiện nay, ban hành quy định cụ thể về cấm dạy thêm học sinh chính khóa, có vậy mới có hy vọng xây dựng được trường học hạnh phúc trong tương lai gần như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA